Nghịch lý từ lối đi riêng của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam
Sài Gòn FC sẽ lên Tây Nguyên thi đấu với tên gọi Sài Gòn và sân nhà Đà Lạt. Một câu chuyện độc lạ của bóng đá Việt Nam.
Sự thật không có gì lạ với sân chơi chuyên nghiệp Việt Nam, bởi quá khứ từng diễn ra liên tục. CLB Quân Khu 4 (Nghệ An) được chuyển giao cho CLB Navibank Sài Gòn sau mùa bóng 2009. Đội bóng này chuyển hộ khẩu vào TPHCM thi đấu ở V.League 2010 và CLB Navibank Sài Gòn giải thể sau 3 mùa giải. Bầu Thụy mua suất tham dự Giải hạng nhất 2011 của CLB Hòa Phát V&V và chuyển hộ khẩu vào TPHCM với tên gọi Sài Gòn Xuân Thành vào năm 2010. CLB Sài Gòn Xuân Thành giải thể ở giai đoạn cuối V.League 2013.
Cũng thời điểm kể trên, CLB Hải Phòng mua suất của CLB Khánh Hòa để đá V.League 2013. Câu chuyện hài hước là CLB Hải Phòng bị rớt hạng vào năm 2012, sau đó tiếp tục chơi V.League 2013 với suất mua lại từ đội khác.
Về chuyện chuyển giao, ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) đứng đầu bóng đá Việt Nam. Ông Hiển không chỉ nổi tiếng với tranh cãi việc một ông chủ liên quan nhiều đội mà còn có cả hành trình làm bóng đá độc lạ ở sân chơi chuyên nghiệp. CLB Sài Gòn đã đi theo con đường kể trên. Với tiền thân là CLB Hà Nội, đội bóng được chuyển hộ khẩu vào TPHCM và đổi tên thành CLB Sài Gòn ở V.League 2016. Bầu Hiển cũng đến sân Thống Nhất xem Sài Gòn FC thi đấu, có thời điểm còn thưởng nóng. Bầu Hiển chuyển giao Sài Gòn FC vào mùa giải 2020. Sài Gòn FC còn tiếp tục có một cuộc đổi chủ vào năm ngoái. Số phận của đội Sài Gòn có thêm phần lịch sử mới là thi đấu ở giải hạng Nhất 2023, kèm theo sân nhà đăng ký là sân Đà Lạt (Lâm Đồng).
Năm 2019, đội trẻ Hà Nội được chuyển giao cho Hà Tĩnh. Một năm sau, đội U21 Hà Nội tiếp tục cuộc chuyển giao cho CLB Phú Thọ - đội bóng được thành lập vào năm 2019. Ngày chuyển giao đội trẻ Hà Nội cho Phú Thọ thì ông bầu Đỗ Quang Hiển cũng góp mặt.
Ngoài các đội bóng kể trên, bầu Hiển được cho liên quan đến các CLB gồm Quảng Nam, Đà Nẵng. Ông bầu Hà Thành từng thưởng nóng cho CLB Đà Nẵng, hay thưởng to khi CLB Quảng Nam vô địch V.League 2017...
Bóng đá Việt Nam tồn tại nghịch lý chuyển giao, bán suất - mua suất phản ánh sự thiếu chuyên nghiệp và "xây nhà từ nóc". Bởi một địa phương không cần làm bóng đá trẻ, không cần phát triển từ gốc để lên chơi chuyên nghiệp nhờ năng lực, chỉ cần có tiền mua suất thì được chơi. Ví dụ Sài Gòn FC bỗng dưng xuất hiện tại V.League 2016, dù phần gốc tồn tại ở Hà Nội, nói ví von thì "hồn Trương Ba, da hàng thịt".
Ông Cao Văn Chóng (cựu phó Chủ tịch VFF) từng nói về chuyện của CLB Sài Gòn rằng: "Địa phương muốn có phong trào bóng đá phát triển phải làm căn cơ, từ gốc chứ không phải đi tắt phần ngọn như vậy". Chúng ta thấy rằng, một đội bóng không xây từ gốc thì xảy ra chuyện bỏ ngang. Họ không có quy trình nuôi các tuyến trẻ, hay cơ sở vật chất..., tức làm theo lối tư duy "ăn xổi".
Bóng đá Việt Nam luôn nói về chủ đề hướng đến World Cup 2026 hay 2030. Nhưng "xương sống" sân chơi chuyên nghiệp được xây theo kiểu chuyển giao, đặc cách (không đủ tiêu chí chuyên nghiệp), bán suất... Hậu quả suốt 23 năm chuyên nghiệp thì vẫn trong vòng luẩn quẩn có đội bỏ giải, nghỉ ngang và bán suất, điển hình trong 2 năm qua có Quảng Ninh (bỏ V.League 2022), Cần Thơ (bỏ hạng Nhất 2023), Sài Gòn FC lên Lâm Đồng.