Nghịch lý: Vào bến xe không mua được vé vì… doanh nghiệp chưa kịp chuyển đổi số
Chuyện tưởng thật như đùa nhưng lại đang diễn ra tại các bến xe liên tỉnh trên địa bàn Hà Nội và nhiều địa phương, người dân vào bến xe nhưng lại không mua được vé.
Không có vé, quyền lợi của khách được đảm bảo ra sao?
Những ngày qua, nhiều người dân phản ánh về tình trạng, dù đã vào tận phòng vé các bến xe khách lớn như Mỹ Đình hay Gia Lâm để mua vé xe khách đi lại nhưng đều nhận được cái lắc đầu “không có vé đâu, cứ ra bến, lên xe rồi trả thẳng tiền cho nhà xe”.
Chị Trần Thu Trang ở Thị xã Kinh Môn, Hải Dương cho biết, vừa qua, chị có vào bến xe Gia Lâm, Hà Nội để mua vé xe khách từ Gia Lâm về TX Kinh Môn, Hải Dương nhưng khi hỏi nhân viên mặc đồng phục bến xe để mua vé thì nhận được câu trả lời “không có vé đâu, cứ lên xe rồi trả luôn tiền cho nhà xe là được”. Trong khi đó, nhiều lần trước đây, chị Trang vẫn mua vé giấy bình thường tại các quầy bán vé tại bến Gia Lâm.
Tương tự, anh Nguyễn Quốc Thái ở Yên Bái cho biết, tuần trước, anh vào bến xe Mỹ Đình để mua vé xe về Yên Bái nhưng được một nhân viên mặc đồng phục của bến xe hướng dẫn “không có vé giấy nữa, khách cứ lên xe rồi trả tiền cho nhà xe là được”.
“Tôi rất thắc mắc là tại sao mình chấp hành tốt, vào bến xe mua vé để di chuyển mà lại không bán vé. Trong khi các bến xe đều tuyên truyền người dân nên vào bến xe mua vé để đảm bảo quyền lợi, vậy chúng tôi trả thẳng tiền cho nhà xe nếu rủi ro xảy ra vấn đề gì thì khách có được bảo đảm về quyền lợi hay không?”- anh Thái băn khoăn.
Theo lý giải của lãnh đạo bến xe Gia Lâm, theo Nghị định số 123 năm 2020 của Chính phủ, từ ngày 1/7/2022, người bán hàng bắt buộc phải lập hóa đơn điện tử cho người mua, xóa bỏ tình trạng sử dụng hóa đơn giấy hay vé giấy.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn TP Hà Nội chỉ có lác đác vài doanh nghiệp vận tải khách liên tỉnh lớn, có quy mô đã triển khai, còn lại các nhà xe quy mô nhỏ, chạy về các tuyến huyện, vùng cao đều chưa triển khai.
Đến thời điểm cuối tháng 10/2022, tại các bến xe lớn trên địa bàn TP Hà Nội như Gia Lâm, bến xe Mỹ Đình, bến xe Giáp Bát, vé giấy truyền thống trước đây đã bị khai tử, nhưng thực tế, việc áp dụng vé điện tử thay thế còn đang rất chậm, ước tính chỉ khoảng 20% doanh nghiệp áp dụng.
Tại bến xe Mỹ Đình, đại diện bến xe cho biết, mặc dù bến xe đã nhiều lần có văn bản nhắc nhở các doanh nghiệp vận tải khách liên tỉnh có “nốt” xe tại bến thực hiện chuyển đổi từ vé giấy sang vé điện tử nhưng đến nay mới chỉ có chưa đến 20% doanh nghiệp triển khai. Vé giấy đã bỏ nhưng chưa có vé điện tử mới dẫn đến tình trạng, khách vào bến xe nhưng không mua được vé.
Lãnh đạo bến xe Mỹ Đình phân tích, nguyên nhân gây tình trạng chậm trễ áp dụng vé xe khách điện tử có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Về phía các doanh nghiệp vận tải khách, một phần do quy mô nhỏ, khó khăn sau một thời gian dài đại dịch Covid-19 còn chưa hồi phục, rồi một doanh nghiệp nhưng lại nhiều nhà xe tham gia “mười người mười ý” nên cũng khó thống nhất. Thêm vào đó, các nhà xe chạy tuyến huyện về vùng sâu như các huyện ở Sơn La, Hà Giang, Yên Bái chỉ có vài đầu xe nên cũng chậm chuyển biến.
Khó khăn hay ngại chuyển đổi?
Trong khi đó, giám đốc một doanh nghiệp vận tải ở Ninh Bình đã thực hiện chuyển đổi vé điện tử cho hay, chi phí ban đầu để mua phần mềm triển khai đồng bộ các tính năng: hợp đồng, vé và hóa đơn điện tử khoảng từ 75 - 80 triệu đồng, mỗi tháng mất thêm 4-12 triệu đồng duy trì, tùy từng nhà cung cấp dịch vụ.
Chi phí lớn nên nhiều đơn vị vận tải nhỏ lẻ chưa sẵn sàng thực hiện chuyển đổi số. Việc phải đào tạo đội ngũ nhân viên (từ tổng đài viên, điều phối viên, hành chính - nhân sự, kế toán, tài xế…) để vận hành phần mềm theo từng công đoạn cũng là một trở ngại.
Đại diện nhiều nhà xe đều cho rằng, việc chuyển đổi số, sử dụng vé điện tử thay cho vé giấy chỉ phù hợp với doanh nghiệp lớn, quy mô lớn. Bởi, chi phí ban đầu khá lớn, có thể lên đến cả trăm triệu đồng, rồi còn phí duy trì hàng tháng…
Cũng vì vậy, theo báo cáo chưa đầy đủ từ các hiệp hội cơ sở và hội viên trực thuộc Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, đến thời điểm tháng 6/2022, chỉ có khoảng 30% các đơn vị kinh doanh vận tải và bến xe cơ sở thuộc hiệp hội thực hiện chuyển đổi số.
Hiện còn khoảng 70% các đơn vị chưa thực hiện do đang gặp khó khăn về tài chính.
“Doanh thu của các bến xe ước đạt 30-40%, đơn vị vận tải hàng hóa khoảng 60-70% và các đơn vị vận tải khách chỉ ước đạt khoảng 40-50% so với trước đại dịch năm 2019. Từ giữa năm 2021 giá xăng dầu liên tục tăng cao, cản trở quá trình phục hồi của các đơn vị”, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết.