Nghiêm cấm chặt đào rừng tự nhiên

Đối với người dân miền Bắc, Tết gắn liền với hình ảnh cây đào, thấy hoa đào là thấy Xuân đang về. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhu cầu 'chơi đào rừng' của một bộ phận người dân tăng, nhiều, thương lái về tận các vùng núi tây Bắc mua đào cổ thụ chở về phố, tiềm ẩn nguy cơ phá rừng tự nhiên.

Người dân thành phố Hà Giang mua đào do các nhà vườn trồng.

Người dân thành phố Hà Giang mua đào do các nhà vườn trồng.

Để tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã ban hành các chỉ thị, văn bản chỉ đạo các địa phương về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021; tăng cường công tác bảo vệ rừng và quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Việc vận chuyển, mua, bán, sử dụng đào rừng dưới mọi hình thức đều bị coi là vi phạm. Đây là quyết định đúng đắn, thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ nhằm ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, khai thác trái phép lâm sản. Nhưng việc quản lý, phân biệt và truy xuất nguồn gốc giữa đào rừng và đào do người dân trồng để thuận lợi cho việc khai thác, mua, bán đào của người dân đang khiến không ít người trồng đào băn khoăn.

Ông Nguyễn Văn Tá, thôn Làng Khẻn, xã Đạo Đức (Vị Xuyên) là người trồng đào lâu năm, hiện, vườn đào của ông có hơn 200 gốc đào Bích và đào Phai. Để có hoa đẹp, nở đúng vào dịp Tết và cây đào có thế đẹp, vườn đào được ông chăm sóc rất tỷ mỉ, công phu. Trước thông tin Chính phủ cấm chặt đào rừng chơi Tết, ông Tá cho biết: “Ban đầu tôi khá băn khoăn, thực tế việc phân biệt đào do dân trồng và đào rừng tự nhiên rất khó xác định. Đối với một số cây đào được trồng trên đất vườn đồi, nếu không được xác minh, truy xuất nguồn gốc thì sẽ không bán được. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, tôi được biết Chính phủ cấm chặt đào rừng là cấm đào mọc trong rừng tự nhiên. Còn cây đào do dân trồng trong rừng sản xuất, đất vườn, đồi thì khuyến khích để người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Để thuận lợi trong việc vận chuyển, bán đào dịp Tết; tôi đã đăng ký với xã về diện tích và số lượng gốc đào mình trồng và sẽ chủ động xin xã xác minh nguồn gốc đào”.

Đào là loại cây ăn quả, thân gỗ, dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu miền Bắc. Căn cứ từ nhu cầu chơi đào Tết của người dân, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã đầu tư trồng đào để bán Tết cho thu nhập cao. Đào người dân trồng chủ yếu là giống đào Phai, được trồng xen kẽ với ngô trong vườn nhà, vườn đồi, đất rừng sản xuất.

Để xác định rõ về nguồn gốc cây đào rừng, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Đào Duy Tuấn cho biết: “Chính phủ cấm chặt đào rừng là đào mọc trong rừng tự nhiên. Việc khai thác cây đào dân trồng trên đất lâm nghiệp quy hoạch là rừng sản xuất do tổ chức, cá nhân tự trồng thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân do chủ rừng tự quyết định việc khai thác theo quy định của Luật Lâm nghiệp. Trình tự, thủ tục khai thác thực hiện theo Thông tư 27, ngày 16.11.2018 của Bộ NN&PTNT Quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản. Đối với việc khai thác cây đào trồng trên đất vườn nhà, đất nương, rẫy thuộc đất nông nghiệp trồng cây ăn quả hàng năm, cây đào trồng phân tán không thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp không thuộc phạm vi điều chỉnh tại Luật Lâm nghiệp. Để không phát sinh chi phí và thủ tục hành chính gây ảnh hưởng đến việc khai thác đào trồng của người dân, nhu cầu chứng nhận và truy xuất nguồn gốc cây đào được thực hiện do nhu cầu của người mua, bán đào.

Thực hiện chỉ đạo của T.Ư, tỉnh về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng dịp tết Nguyên đán và quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng dịp Tết, Chi cục Kiểm lâm đang phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị triển khai mạnh mẽ các biện pháp bảo vệ rừng, phòng, chống phá rừng, lấn chiếm, khai thác, buôn bán lâm sản trái phép; tăng cường tuần tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi khai thác, mua, bán sử dụng cây đào có nguồn gốc từ rừng tự nhiên; tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân về bảo vệ rừng, không sử dụng, trưng bày các sản phẩm khai thác trái phép từ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên…”.

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/phap-luat/202102/nghiem-cam-chat-dao-rung-tu-nhien-771792/