Nghiêm ngặt hơn vì ngày mai

BPO - Theo số liệu tổng hợp của cơ quan chức năng, chỉ trong 5 ngày từ 30-10 đến ngày 4-11-2021, trên địa bàn Bình Phước ghi nhận 271 ca dương tính với Covid-19. Trong số đó có 36 ca phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc cộng đồng, 20 ca về từ TP. Hồ Chí Minh, 19 ca về từ tỉnh Bình Dương. Đặc biệt, tại huyện Chơn Thành, thị xã Phước Long và thành phố Đồng Xoài đã ghi nhận nhiều ca nhiễm ngoài cộng đồng và F1 chuyển thành F0. Điều này đã đặt Bình Phước vào một tình huống khó khăn mới.

***

Trước những nguy cơ đe dọa trực tiếp đến hiệu quả phòng, chống dịch và ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội, một số trung tâm lớn của tỉnh đã phải dừng dịch vụ phục vụ tại chỗ, chỉ được phép bán mang về. Song song đó, người ra - vào tỉnh đã phải áp dụng biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt hơn.

Phòng dịch nghiêm ngặt hơn

Ngày 4-11-2021, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền ký ban hành Công văn số 3740/UBND-KGVX về việc bổ sung một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Phước, thực hiện từ ngày 6-11-2021. Trong công văn có 2 nội dung rất đáng chú ý, là những vấn đề liên quan đến toàn tỉnh cũng như những ai ra - vào địa bàn Bình Phước, cụ thể: Thứ nhất, tại cửa ngõ vào tỉnh, người vào địa bàn tỉnh phải xuất trình chứng nhận âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực trong 72 giờ. Riêng tài xế và người đi cùng trên phương tiện vận chuyển hàng hóa thực hiện theo quy định hiện hành. Khi vào tỉnh, phải tự theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú với quy định không được đi ra khỏi nhà/nơi lưu trú, thực hiện nghiêm 5K, hạn chế tiếp xúc với người khác. Đối với hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 3 địa bàn trung tâm lớn của tỉnh, gồm thị xã Phước Long, huyện Chơn Thành và thành phố Đồng Xoài, phải dừng phục vụ tại chỗ, chỉ được phép bán mang về.

Từ ngày 6-11-2021, nhiều trường hợp về hoặc đi qua địa bàn Bình Phước sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn. Trong ảnh: Lực lượng chức năng kiểm soát người vào địa bàn tỉnh tại cửa ngõ xã Tân Lập, huyện Đồng Phú - Ảnh:Quang Minh

Đối với trường hợp người ra - vào địa bàn tỉnh từ địa bàn dịch cấp độ 2, 3, so với quy định mới nhất trong Công văn hỏa tốc số 3628/UBND-KGVX ban hành ngày 23-10-2021, các biện pháp phòng dịch đã được thực hiện nghiêm ngặt hơn. Công văn số 3628/UBND-KGVX chỉ yêu cầu người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 liều vắc xin phòng Covid-19 cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú (nếu đủ điều kiện) hoặc cách ly y tế tập trung trong 7 ngày; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày tiếp theo, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 kể từ ngày đến, về Bình Phước. Đối với trường hợp từ địa bàn dịch cấp độ 1, người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 liều vắc xin phòng Covid-19 tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày, kể từ ngày đến, về Bình Phước, luôn thực hiện thông điệp 5K. Công văn hỏa tốc số 3628/UBND-KGVX không yêu cầu phải xuất trình chứng nhận âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực trong 72 giờ như quy định mới tại Công văn số 3740/UBND-KGVX ngày 4-11.

Đến/về Bình Phước từ vùng dịch cấp độ 2, 3 thuộc TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An:

- Tại cửa ngõ vào tỉnh: Phải xuất trình chứng nhận âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực trong 72 giờ. Riêng tài xế và người đi cùng trên phương tiện vận chuyển hàng hóa thực hiện theo quy định hiện hành.

- Khi vào tỉnh: Thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quy định tại Công văn số 3628/UBND-KGVX ngày 23-10-2021 của UBND tỉnh. Trong đó lưu ý: Tự theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú là không được đi ra khỏi nhà/nơi lưu trú, thực hiện nghiêm 5K, hạn chế tiếp xúc với người khác.

Đối với hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống:

- Thị xã Phước Long, huyện Chơn Thành và thành phố Đồng Xoài: Dừng phục vụ tại chỗ, chỉ được phép bán mang về.

- Đối với các huyện, thị xã còn lại: Căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh tại địa phương, chủ tịch UBND cấp huyện quyết định nhưng không được vượt quá công suất quy định tại Công văn số 3526/UBND-KT ngày 15-10-2021 của UBND tỉnh.

(Công văn số 3740/UBND-KGVX, thực hiện từ ngày 6-11-2021).

Bất lợi và nguy cơ của Bình Phước

Như Báo Bình Phước nhiều lần phản ánh, trong vùng tâm dịch Covid-19 của cả nước, nhưng đến thời điểm này Bình Phước đã rất thành công trong thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, đặc biệt là phòng, chống dịch hiệu quả. Số ca mắc thấp nhất khu vực Đông Nam bộ, nên Bình Phước dù cùng vùng tâm dịch, song vẫn là một trong số nhiều địa phương thực hiện chủ trương ưu tiên vắc xin cho các địa phương dịch bùng phát mạnh như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… Vì thế, khi qua đỉnh dịch, sang tháng 10-2021, bắt đầu nới lỏng giãn cách và cuộc sống dần bình thường trở lại, cũng là lúc tiêm phòng vắc xin tại các tỉnh, thành bạn đều đã chạm ngưỡng miễn dịch cộng đồng (biến chủng Delta đã đẩy ngưỡng miễn dịch cộng đồng từ 75% lên tối thiểu 80%, hoặc 90% được tiêm phòng ngừa Covid-19) cũng như có hạ tầng y tế điều trị rất tốt, nhiều kinh nghiệm…

Còn tại Bình Phước, 1 tháng sau, đến hôm qua (4-11-2021), số người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1 mới chỉ đạt 74,7%, số người đã tiêm 2 mũi mới chỉ đạt 15,7%, thấp nhất và thấp hơn rất nhiều so với các tỉnh, thành trong khu vực. Bình Phước còn bất lợi khi có hạ tầng y tế cả nguồn lực tài chính không được như các tỉnh, thành bạn. Ngoài ra còn khá nhiều bất lợi khác do hoàn cảnh khách quan. Thế nên, khi các tỉnh, thành phía Nam, như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… nới lỏng giãn cách từ đầu tháng 10, thì Bình Phước lập tức đối mặt với nguy cơ cao tăng nhanh các ca dương tính trong cộng đồng. Qua đó trực tiếp ảnh hưởng đến kết quả phòng, chống dịch, trực tiếp đe dọa an toàn sức khỏe đối với nhiều người Bình Phước chưa được tiêm phòng hoặc được tiêm nhưng thời gian sinh kháng thể chưa nhiều, cũng như đe dọa ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

QUAN ĐIỂM KHÔNG ĐỒNG NHẤT

Đến ngày 30-10-2021, số ca tử vong do Covid-19 trên toàn thế giới đã vượt mốc 5 triệu người. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật ngày nay, con số này khiến rất nhiều người phải giật mình. Trên phạm vi toàn thế giới, đối mặt với đại dịch, các quốc gia vẫn đang có những quan điểm trái ngược nhau.

Đến nay, Trung Quốc vẫn đang căng mình với chiến lược “Zero Covid-19” với quyết tâm loại bỏ Covid-19 ra khỏi cộng đồng. Đất nước tỷ dân Trung Quốc đã tiêm chủng đạt 85% dân số, hẳn có nguyên do của họ nên vẫn áp dụng các biện pháp cứng rắn trong phòng, chống dịch, bao gồm cả các biện pháp như đóng cửa biên giới, cách ly trong thời gian dài với tất cả du khách quốc tế, phong tỏa địa phương khi dịch...

Trong khi đó, phần lớn các quốc gia trên thế giới đã quyết định trở lại trạng thái bình thường mới với quan điểm “sống chung với Covid-19” khi đã đạt những điều kiện nhất định như tỷ lệ tiêm phòng vắc xin, phát triển vắc xin thế hệ mới...

Cả thế giới đã và vẫn đang phải chạy đua với vi rút vô cùng nguy hiểm SARS-CoV-2 đã tròn 2 năm qua. Thế nhưng đến nay, kết quả vẫn chưa có lời giải hoàn chỉnh, chưa có quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp nào bào chế ra vắc xin tạo được miễn dịch hoàn toàn, hay thuốc điều trị có dược lực điều trị được bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút này gây ra.

Sau hơn 2 tuần được hoạt động trở lại từ ngày 16-10-2021 (theo Công văn số 3513/UBND-KT ngày 15-10-2021 của UBND tỉnh), một số địa bàn phải dừng dịch vụ phục vụ tại chỗ, chỉ được phép bán mang về, là điều không ai mong muốn. Thế nhưng để phòng, chống dịch hiệu quả tốt nhất, mỗi người cần thực hiện nghiêm quy định để chung tay đưa cuộc sống của toàn tỉnh bình thường trở lại, từng bước hợp lý bắt nhịp với trạng thái bình thường mới, vì một ngày mai xa hơn, phát triển hơn.

Trần Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/128148/nghiem-ngat-hon-vi-ngay-mai