Nghiệm thu đề tài nghiên cứu các tai biến địa chất

Sáng 3/11, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ khoa học 'Nghiên cứu tai biến địa chất: Nứt, sụt đất, trượt lở đất và đề xuất các biện pháp cảnh báo, ngăn ngừa và khắc phục trên địa bàn TP Đà Lạt'.

Nghiệm thu đề tài khoa học “Nghiên cứu các tai biến địa chất: Nứt, sụt đất, trượt lở đất trên địa bàn Đà Lạt”

Nghiệm thu đề tài khoa học “Nghiên cứu các tai biến địa chất: Nứt, sụt đất, trượt lở đất trên địa bàn Đà Lạt”

TP Đà Lạt những năm gần đây thường xuyên xảy ra tai biến địa chất, nứt, sụt đất, trượt lở đất, nứt đồi, nứt núi gây hậu quả như phá hủy ruộng vườn, hoa màu, đường giao thông, công trình dân sinh. Đặc biệt, tai biến địa chất xảy ra hầu hết ở các tuyến đường giao thông: Khe Sanh - đèo Mimosa, đèo Prenn, Quốc lộ 20 đi các xã Xuân Thọ, Xuân Trường, Trạm Hành, tỉnh lộ 725 đi Tà Nung, đường đến Cam Ly, Tuyền Lâm…

Hiện tượng trượt lở đất xảy ra chủ yếu vào mùa mưa, ngoài ra còn kèm theo đá đổ, đá lăn. Hầu hết sạt lở chỉ xảy ra khi có tác động nhân sinh (như bạt sườn đồi làm đường) trong điều kiện thời tiết mưa lớn. Các vách sạt lở đất đá thường dốc đứng, taluy kéo dài từ 20 - 200 m, cao 5 - 40 m, khoét sâu vào 1 - 5 m, khối lượng đất đá khi sạt lở xuống đường rất lớn, có đá lăn từ trên vách taluy xuống phá hủy đường, gây ách tắc, đe dọa tính mạng con người.

Sau 2 năm nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học ở Viện Địa lý Tài nguyên TP Hồ Chí Minh (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) do TS. Lê Ngọc Thanh làm chủ nhiệm đề tài đã xác định 4 khu vực xảy ra tai biến địa chất tiêu biểu để nghiên cứu gồm: Chân đèo Prenn, Nông trại Cún (Tà Nung), Phường 7, khu biệt thự Cadasa.

Nguyên nhân gây tai biến địa chất gồm: Nhóm các yếu tố tự nhiên (gồm địa hình địa mạo, địa chất kiến tạo, địa chất thủy văn, khí hậu…) và nhóm các yếu tố hoạt động nhân sinh (xây dựng công trình, hệ thống giao thông, sử dụng đất…); trong đó, các yếu tố hoạt động nhân sinh được coi là tác nhân kích thích trực tiếp xảy ra tai biến địa chất.

Các nhà khoa học đã xác định các tai biến địa chất trên địa bàn Đà Lạt có đặc trưng chủ yếu là trượt lở đất, phân bố nhiều nhất ở Phường 3, trên đất rừng phòng hộ, đất trồng cây nông nghiệp, đất giao thông, đất đô thị; ít xảy ra tnrên đất bằng trồng cây hàng năm, đất rừng sản xuất. Trượt lở đất đa số xảy ra với quy mô nhỏ, chủ yếu có nguyên nhân dân sinh, chưa gây thiệt hại về con người, nhưng gây ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội như: Phá hủy đường sá, nhà cửa, tài sản, hoa màu, đường dây điện, ách tắc giao thông, gây tốn kém nhiều công sức và tiền của sửa chữa khắc phục.

Qua đó, đã tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng các loại hình tai biến địa chất nứt, sụt đất, trượt lở đất trên địa bàn Đà Lạt; xác định mức độ gia tăng của các loại hình tai biến địa chất, khoanh định, dự báo và cảnh báo tại các khu vực có nguy cơ xảy ra tai biến địa chất; thành lập các bản đồ hiện trạng các tai biến địa chất, bản đồ phân vùng dự báo nguy cơ xuất hiện tai biến địa chất TP Đà Lạt; đề xuất các giải pháp cảnh báo, ngăn ngừa và khắc phục bao gồm các giải pháp công trình và phi công trình. Có thể kể một số giải pháp phi công trình như: Nâng cao ý thức cộng đồng trong việc chủ động ứng phó tai biến địa chất, thực hiện phủ xanh đất trống, đồi trọc, bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, áp dụng kỹ thuật canh tác hợp lý trên đất dốc. Các giải pháp công trình như: San lắp khe nứt, tiêu giảm dòng chảy tạm thời, sửa bề mặt mái dốc, tạo sự thông thoáng cho nước mặt, nước ngầm, xây dựng công trình chống đỡ như tường chắn bê tông xi măng, rọ đá…

Hội đồng nghiệm thu đã ghi nhận những kết quả đạt được của đề tài; đồng thời, thắng thắn chỉ ra những thiếu sót cần bổ sung, cần hoàn thiện để kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở khoa học để TP Đà Lạt ngăn chặn tai biến địa chấn, nứt, sụt đất, trượt lở đất, không để thiệt hại về người và tài sản.

QUỲNH UYỂN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/khoahoc/202011/nghiem-thu-de-tai-nghien-cuu-cac-tai-bien-dia-chat-3029049/