Nghiệm thu dự án ứng dụng khoa học sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh

Sáng nay (27-8), Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Bình Phước tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu dự án nông thôn miền núi ở địa phương lần 2, dự án 'Xây dựng mô hình ứng dụng chuyển giao công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và các chế phẩm sinh học Hudavil từ chất thải của các nhà máy chế biến tinh bột sắn tại tỉnh Bình Phước'.

Dự án do Trung tâm KH&CN tỉnh chủ trì thực hiện và Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam là cơ quan hỗ trợ công nghệ.

Thừa ủy quyền, ông Đặng Hà Giang, Phó chủ tịch Hội đồng KH&CN tỉnh, Giám đốc Sở KH&CN phát biểu kết luận cuộc họp

Thừa ủy quyền, ông Đặng Hà Giang, Phó chủ tịch Hội đồng KH&CN tỉnh, Giám đốc Sở KH&CN phát biểu kết luận cuộc họp

Theo ban chủ nhiệm dự án, tại thời điểm nghiên cứu xây dựng mô hình năm 2018, Bình Phước có 6 nhà máy chế biến tinh bột sắn, mỗi ngày tiêu thụ, chế biến khoảng 5 ngàn tấn sắn tươi. Lượng chất thải rắn thải ra ngoài khoảng 63 ngàn tấn/năm, lượng bùn thải từ các hồ sinh học khoảng 60 ngàn tấn/năm. Hiện Bình Phước còn 3 nhà máy chế biến tinh bột sắn đang hoạt động, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 2.500 tấn sắn tươi và lượng chất thải rắn xả ra khoảng 31 ngàn tấn/năm, lượng bùn thải từ các hồ sinh học khoảng 30 ngàn tấn/năm. Lượng chất thải rắn xả từ các nhà máy áp dụng phương pháp truyền thống chưa đạt chuẩn trước khi ra ngoài môi trường.

Việc xây dựng mô hình ứng dụng chuyển giao công nghệ vừa để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, vừa tiết kiệm chi phí đầu tư và giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường là rất cần thiết.

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, kết quả dự án đã đáp ứng được mục tiêu và 14 nội dung được phê duyệt. Dự án đã xây dựng mô hình xưởng sản xuất dịch men với 8 chủng vi sinh vật, khối lượng 18 ngàn lít; xây dựng xí nghiệp sản xuất phân bón sinh học hơn 1.400 tấn; xây dựng 5 mô hình sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh Hudavil cho 5 loại cây trồng chủ lực của địa phương; xây dựng 2 kiểu dáng công nghiệp hàng hóa; tổ chức đào tạo 10 kỹ thuật viên cơ sở làm chủ công nghệ sản xuất và các lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề hướng dẫn sử dụng phân bón vi sinh cho nông dân…

Tại cuộc họp, các thành viên hội đồng đã thảo luận và nhất trí đánh giá đơn vị chủ trì và nhóm thực hiện dự án đã hoàn thành các mục tiêu, nội dung được phê duyệt. Hội đồng đề nghị nhóm thực hiện dự án tiếp thu những ý kiến của các thành viên hội đồng; chỉnh sửa, bổ sung, hoàn chỉnh một số nội dung trong báo cáo đảm bảo tính khoa học, dễ hiểu, chuyển giao áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Hội đồng nhất trí nghiệm thu dự án đạt loại khá.

Thanh Mảng - Quốc Việt

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/28/126480/nghiem-thu-du-an-ung-dung-khoa-hoc-san-xuat-phan-bon-huu-co-vi-sinh