Nghiêm trị 'bệnh' loạn ngôn trên mạng

Thời gian gần đây, một số người sử dụng mạng xã hội (MXH) phát ngôn bừa bãi hoặc đăng thông tin xuyên tạc, bịa đặt trên MXH đã bị xử lý nghiêm. Qua đó cho thấy sự quyết tâm của các ngành chức năng trong xử lý các vi phạm liên quan đến việc đăng tải thông tin sai sự thật trên MXH; góp phần giáo dục, răn đe, điều trị “căn bệnh” loạn ngôn (nói năng bừa bãi, không cần biết phải trái, đúng sai, hay dở) đang rất phổ biến của một số người khi dùng MXH hiện nay.

Cụ thể vào ngày 22-4, TAND Q.Bình Thủy (TP.Cần Thơ) tuyên phạt Lê Thị Bình (45 tuổi) 2 năm tù về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trong thời gian từ tháng 10-2019 đến tháng 11-2020, bị cáo đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận để đăng tải các bài viết, livestream trên MXH nhiều nội dung thông tin làm mất uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước, làm suy giảm lòng tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước.

Trước đó, ngày 20-4, Thanh tra Sở TT-TT tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định xử phạt bà L.T.B. (ngụ P.Trần Phú, TP.Hà Tĩnh) 5 triệu đồng vì đã comment sai sự thật gây hoang mang trong dân về dịch sốt viêm màng não. Hoặc vào ngày 8-4, Thanh tra Sở TT-TT TP.HCM cũng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Phương Hằng (vợ ông Huỳnh Uy Dũng, tức Dũng “lò vôi” - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đại Nam, tỉnh Bình Dương) với số tiền 7,5 triệu đồng vì đã cung cấp thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của UBND tỉnh Bình Thuận và danh dự của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận trên MXH.

Hiện nay, pháp luật đã quy định rõ chế tài xử lý đối với những phát ngôn, thông tin sai sự thật trên MXH. Cụ thể như tại Khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử nêu rõ những hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ MXH sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng, bao gồm các hành vi sau: cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội; cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc…

Mặt khác, Điều 331, Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì bị phạt tù từ 2-7 năm.

Như vậy, pháp luật đã quy định rất rõ hình thức xử lý đối với các hành vi lợi dụng MXH để phát ngôn bừa bãi, vu khống, bịa đặt, sai sự thật. Để người dân ý thức hơn nữa trách nhiệm của mình khi tham gia MXH, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền các quy định pháp luật liên quan, các ngành chức năng cũng cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để giáo dục, răn đe. Có như vậy, mọi người mới nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia MXH; loại bỏ được suy nghĩ, tài khoản MXH là của cá nhân nên muốn nói gì thì nói, bất chấp các hành vi vi phạm pháp luật. Đã đến lúc “bệnh” loạn ngôn này cần được nghiêm trị.

Đặng Ngọc

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/gop-suc-bao-ve-bien-dao/202104/so-tay-phong-vien-nghiem-tri-benh-loan-ngon-tren-mang-3053666/