Nghiêm trị các đối tượng nhập cảnh chui

Mỗi người dân cần chủ động phát hiện người nước ngoài xâm nhập, lưu trú trái phép và báo với cơ quan chức năng để ngăn ngừa dịch Covid-19 lan ra cộng đồng

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM ngày 28-7 đã tổ chức cuộc họp về tình hình triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.

Dựa vào dân để nắm bắt

Chủ trì cuộc họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng để phòng chống dịch bệnh hiệu quả thì phải xác định rõ nguy cơ và nguồn bệnh để từ đó phát hiện kịp thời - cách ly triệt để. Lưu ý tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và cho rằng đây là mối nguy cơ cao, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề nghị mỗi người dân, mỗi gia đình phải chủ động phát hiện nguy cơ có người nước ngoài xâm nhập trái phép và thông báo kịp thời cho chính quyền và y tế địa phương để tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết TP trải qua 116 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Từ ngày 26-7, TP có 4.907 người về từ Đà Nẵng trong khoảng thời gian từ ngày 1-7 đến nay được ghi nhận và áp dụng cách ly, tự theo dõi sức khỏe tại nhà. Trong đó, lấy mẫu xét nghiệm cho 1.359 người, hiện đã có 167 mẫu kết quả âm tính.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm đề nghị các quận - huyện chủ động rà soát, kiểm tra "đi từng ngõ, gõ từng nhà" xác minh trong cộng đồng dân cư những người đến từ Đà Nẵng từ ngày 1-7 đang có mặt trên địa bàn TP để áp dụng khai báo y tế. Ông Lê Thanh Liêm nhấn mạnh các sở - ngành, quận - huyện luôn trong tư thế sẵn sàng, chủ động phòng chống dịch, bố trí lực lượng trực 24/7 để tiếp nhận các chỉ đạo mới từ trung ương, TP và triển khai kịp thời.

Nhiều nơi phát hiện vi phạm

Cùng ngày, BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, cho hay TP vừa phát hiện 8 người Trung Quốc và 1 người Việt Nam nhập cảnh trái phép tại quận 12, đã đưa đi cách ly tại huyện Củ Chi. Từ tháng 5 đến nay, TP đã phát hiện 38 trường hợp nhập cảnh trái phép.

Theo ông Nguyễn Văn Quốc - Chủ tịch UBND phường Bình Thuận, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng - phường đã phối hợp với Công an quận Hải Châu phát hiện 5 người Trung Quốc đang lẩn trốn trong một quán trà sữa trên đường Trưng Nữ Vương. Công an đang đấu tranh, lấy lời khai đối tượng người Việt tên là Tấn - người đã thuê địa điểm trên kinh doanh trà sữa và đưa nhóm người Trung Quốc đến lẩn trốn. Riêng 5 người Trung Quốc đã bị đưa đi cách ly.

Cũng trong ngày 28-7, Công an TP Đà Nẵng đã ra quân tổng kiểm tra, rà soát người nước ngoài lưu trú trên địa bàn và phát hiện nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép, hết hạn tạm trú… Riêng tại quận Sơn Trà, công an phát hiện 10 trường hợp nhập cảnh trái phép. Toàn bộ đã bị đưa đi cách ly tập trung.

Công an TP Đà Nẵng kiểm tra các cơ sở lưu trú có người nước ngoài Ảnh: QUANG LUẬT

Công an TP Đà Nẵng kiểm tra các cơ sở lưu trú có người nước ngoài Ảnh: QUANG LUẬT

Trong khi đó, ở tỉnh Khánh Hòa, lực lượng chức năng phát hiện 4 người Trung Quốc lưu trú trái phép tại một căn nhà trên đường Nguyễn Thiện Thuật (TP Nha Trang). Cũng tại TP Nha Trang, cơ quan chức năng phát hiện 9 người Trung Quốc (6 nam, 3 nữ) lưu trú bất hợp pháp. Các đối tượng nhập cảnh Việt Nam từ khoảng đầu năm 2020, sau đó đến Nha Trang thuê nhà lưu trú. Mặc dù hết hạn visa nhưng họ không về nước. Ngành y tế địa phương đã lấy mẫu xét nghiệm tất cả người Trung Quốc nói trên và đều cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.

Trước đó, rạng sáng 27-7, trong quá trình tuần tra kiểm soát, Công an TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai phát hiện Dương Đình Quyền và Nguyễn Thanh Cường (cùng 43 tuổi, trú tỉnh Khánh Hòa) dùng ôtô chở 5 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Hai người này bước đầu khai nhận đã thuê 2 ôtô lên Lào Cai để đón 10 người Trung Quốc tại TP Lào Cai rồi chở những người này vào TP Nha Trang. Trong đó, nhóm của Quyền và Cường chở 5 người Trung Quốc đi sau, nhóm còn lại đã lên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ngay lập tức, Công an TP Lào Cai đã phối hợp với lực lượng chức năng bắt giữ nhóm người đi trước.

Tối 27-7, lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế phát hiện 2 người Trung Quốc đi xe máy từ Đà Nẵng ra Huế. Hiện cả 2 được cách ly tạm thời tại Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc.

Tại Đồng Nai cũng phát hiện 9 trường hợp nhập cảnh trái phép từ Campuchia. Theo BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, những người này không hộ khẩu, không giấy tờ tùy thân, lợi dụng đêm khuya đi bằng vỏ lãi từ Biển Hồ (Campuchia) về các tỉnh miền Tây rồi lên hồ Trị An. "Hiện tại sức khỏe của họ đều ổn định, không có dấu hiệu bất thường. Kết quả xét nghiệm cả 9 người này đều âm tính với SARS-CoV-2" - ông Vũ thông tin.

Rà soát khẩn trương, xử phạt nghiêm khắc

Liên quan đến đường dây đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Đà Nẵng và Quảng Nam, đến nay, Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố, bắt giữ 3 đối tượng gồm 2 người Việt Nam và 1 người Trung Quốc. Công an TP Đà Nẵng đã đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, sớm đưa các đối tượng ra xét xử để răn đe.

Riêng vụ phát hiện 21 người Trung Quốc lưu trú trái phép ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, cho biết Công an tỉnh Quảng Nam đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh xử phạt đối với chủ biệt thự du lịch Thành Đạt (villa Hà My Beachside - khối phố Hà My Đông A, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn), nơi chứa chấp nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép nói trên.

Trước đó, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố vụ án "Tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép" và "Đưa hối lộ" theo điều 348 và 364 Bộ Luật Hình sự. Công an cũng đang tạm giữ hình sự đối tượng Cao Lượng Cố (SN 1978, quốc tịch Trung Quốc) và Lương Thùy Dung (SN 1986, ngụ tỉnh Trà Vinh) để điều tra.

Trước tình trạng người nước ngoài nhập cảnh, lưu trú trái phép, UBND tỉnh Khánh Hòa có công văn khẩn chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát tất cả trường hợp người nước ngoài, người nhập cảnh từ nước ngoài về đang làm việc, hoạt động trên địa bàn tỉnh. Lực lượng công an cơ sở tăng cường giám sát, theo dõi, phát hiện kịp thời những trường hợp nhập cảnh trái phép trong khu dân cư, báo cáo chính quyền địa phương để kiểm tra, thực hiện cách ly theo quy định; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong công tác phòng chống dịch (nếu có).

Trong công văn khẩn này, ông Nguyễn Đắc Tài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đề nghị người dân tự giác chấp hành các khuyến cáo của ngành y tế nhằm phòng tránh Covid-19, trong đó lưu ý: "Kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương, lực lượng công an cơ sở khi phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép trong cộng đồng để khẩn trương xử lý, cách ly theo quy định".

Chủ tịch UBND Quảng Ninh cũng vừa có công điện hỏa tốc về việc tái thiết lập các tổ công tác chống dịch Covid-19 ở thôn, bản và tuyến biên giới. Theo đó, yêu cầu cơ quan chức năng, địa phương kiểm soát biến động nhân khẩu trên địa bàn, nhất là người nước ngoài, người từ các tỉnh, TP, địa phương khác đến; có cơ chế kiểm tra, giám sát y tế tất cả công dân vào địa bàn. Riêng lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh đang bố trí 74 chốt cố định và 8 tổ cơ động thường xuyên ứng trực 24/24 giờ trên các tuyến biên giới trọng điểm của tỉnh để kịp thời phát hiện các trường hợp xuất nhập cảnh trái phép.

Đưa hàng trăm người Việt về nước

Ngày 28-7, các cơ quan chức năng Việt Nam, Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc, Vietjet Air và các cơ quan chức năng Đài Loan (Trung Quốc) đã phối hợp thực hiện chuyến bay chở 230 công dân Việt Nam từ Đài Loan về nước.

Cùng ngày, chiếc Airbus 350 được lắp buồng áp lực dương đã rời sân bay Nội Bài đi Bata (Guinea Xích đạo) đón 219 người Việt hồi hương, trong đó có tới 120 người được xác định mắc Covid-19. Theo lịch trình, chuyến bay sẽ về nước vào ngày 29-7.

Trước đó, trong ngày 26 và 27-7, các cơ quan chức năng Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Mỹ và Vietnam Airlines đã phối hợp với các cơ quan chức năng Mỹ thực hiện chuyến bay đưa hơn 280 công dân Việt Nam từ sân bay San Francisco về nước an toàn.

D.Ngọc

Mức phạt cao nhất là 15 năm tù

Theo luật sư Lê Cao (Công ty Luật FDVN), hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 348 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, mức phạt từ 1-15 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Riêng đối với những người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, hiện nay pháp luật quy định có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Về hành chính, hành vi "qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định" có thể bị xử phạt từ 3 triệu đến 5 triệu đồng.

Về trách nhiệm hình sự, người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì xử lý trách nhiệm hình sự. Cụ thể, bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/nghiem-tri-cac-doi-tuong-nhap-canh-chui-20200728223739565.htm