Nghiêm trị hành vi coi thường pháp luật
Những ngày qua, một clip trên mạng xã hội gây bức xúc dư luận ghi lại cảnh một nhóm 'quái xế' khoảng 100 người chặn dừng xe trên Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn xã An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang để đua xe trái phép, gây náo loạn trên đường vào ngày 26-3. Công an đã bắt được 11 đối tượng trực tiếp chặn dừng xe trên đường trong vụ thách thức pháp luật nghiêm trọng trên.
Trước đó, ngày 15-3, dư luận dậy sóng bởi hành vi của tài xế Phạm Xuân B (42 tuổi, trú tại huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông bị Đội Cảnh sát giao thông số 7, Công an thành phố Hà Nội dừng xe và lập biên bản, đã dùng lời lẽ thô tục chửi bới, lăng mạ Cảnh sát giao thông. Thậm chí, tài xế này đã hành hung gây chấn thương vùng mặt cho Thượng úy Nguyễn Mạnh Tùng.
Thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, trong năm 2020 đã ghi nhận 33 trường hợp lái xe chống lại lực lượng thi hành nhiệm vụ, làm 19 cán bộ, chiến sĩ bị thương. Riêng trong quý I-2021, đã ghi nhận 12 vụ lái xe chống lại Cảnh sát giao thông, làm 4 chiến sĩ bị thương, lực lượng chức năng đã bắt giữ 16 đối tượng.
Các trường hợp chống lại lực lượng Cảnh sát giao thông đã và đang được lực lượng chức năng xử lý nghiêm theo quy định. Nhưng theo nhiều chuyên gia an ninh trật tự, tình trạng coi thường pháp luật đang diễn biến rất đáng lo ngại.
Đặc biệt nghiêm trọng là những cuộc đua xe liên tiếp diễn ra ở nhiều nơi như thách thức các lực lượng chức năng, thậm chí ngay trong đợt cao điểm lập lại trật tự an toàn giao thông. Những “quái xế” lập group riêng trên mạng xã hội để tập hợp và hẹn giờ, ra giá cá cược. Những group này liên kết với các nhóm khác ở nhiều tỉnh, thành lân cận và dễ dàng tổ chức các cuộc thách đấu liên tỉnh.
Hậu quả của những vi phạm về an toàn giao thông, nồng độ cồn, nhất là sự hung hãn, bất cần của các “quái xế” gây ra rất nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người dân. Tháng 11-2020, một nhóm đua xe ở Bình Dương vượt đèn đỏ gây tai nạn giao thông làm chết 3 người. Trước đó, một nhóm đua xe ở Hà Nội tông một nữ công nhân trên đường về nhà rồi bỏ mặc nạn nhân trong cơn nguy kịch...
Rõ ràng không thể đổ tại vì có chút hơi men, hay bốc đồng cho những hành vi bất tuân quy định an toàn giao thông, đua xe trái phép. Các hành vi thiếu văn hóa trong giao thông, chống đối người thi hành công vụ sẽ tái diễn và nghiêm trọng hơn nếu không bị xử lý nghiêm và dẫn đến tình trạng coi thường pháp luật trong tham gia giao thông.
Pháp luật hiện đã quy định cụ thể về việc xử lý khi lái xe có hành vi chống đối, không tuân thủ yêu cầu của người thi hành công vụ, gây rối trật tự an toàn giao thông... Đặc biệt, đối với các hành vi như hành hung Cảnh sát giao thông nếu đủ căn cứ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh “Chống người thi hành công vụ”; hành vi đua xe trái phép sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án cao nhất là 15 năm tù, được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.
Theo nhiều chuyên gia, việc thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, xử lý vi phạm sẽ góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ của nhân dân. Đồng thời, việc xử phạt nghiêm khắc, kịp thời, công khai các hành vi coi thường pháp luật trong lĩnh vực an toàn giao thông sẽ có sức răn đe, giáo dục, phòng ngừa vi phạm.
Nhưng để bảo đảm môi trường tham gia giao thông an toàn và văn minh, phụ thuộc rất nhiều vào trách nhiệm của người dân trong giúp đỡ lực lượng chức năng thi hành nhiệm vụ và tham gia ngăn ngừa các hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nghiem-tri-hanh-vi-coi-thuong-phap-luat-post438481.html