Nghiêm trị những hội, nhóm tiêu cực trên không gian mạng
Trên không gian mạng đã và đang xuất hiện nhiều hội, nhóm có tính kết nối và lan truyền rộng rãi. Trong đó có không ít hội, nhóm tiêu cực, thu hút lượng lớn thành viên tham gia. Tên những hội, nhóm này cũng thường được đặt theo chiều hướng xấu, trái đạo đức, song cũng đánh vào tâm lý hiếu kỳ của nhiều người dùng mạng xã hội.
Vào một hội hoạt động công khai trên nền tảng facebook có tên “Hội những người vỡ nợ nổi tiếng”, điều khiến tôi bất ngờ không chỉ là tên của hội, mà cả các bài viết, chia sẻ, bình luận được đăng tải. Hầu hết những bình luận, chia sẻ của những người tham gia đều thể hiện những lời lẽ bất cần, vi phạm pháp luật như các dòng trạng thái “Ai có kèo gì khu vực Hà Nội không cho em theo với, bễ quá rồi”; “Súng ống đã sẵn sàng cần lắm những cánh tay của anh em”; “Muốn bán mạng để trả nợ"...
Cùng với đó, “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều” cũng thu hút sự tò mò tham gia của khá đông người sử dụng mạng xã hội bởi vụ việc một số thành viên của nhóm này mong muốn tập hợp nhau để đi cướp tài sản, đòi nợ thuê... Một thành viên của nhóm này có tài khoản là Gà Bin đăng dòng trạng thái: Có kèo 3 người cho anh em nào Hà Nội, làm xong mỗi đứa chia nhau 60 triệu, đường ai nấy đi, không dính dáng đến tính mạng, đã tính toán kỹ, kèo trong đêm là xong...
Trong khi đó tại “Hội ngoại tình và vụng trộm giao lưu kết bạn toàn quốc” theo tìm hiểu thì ban đầu chủ yếu là các bài viết quảng cáo để bán thuốc kích dục, bán đồ chơi tình dục... dần dần đã biến tướng thành tụ điểm online “chào khách” của không ít gái mại dâm... Còn với các thành viên của “Hội những người đã từng đi tù” thì lại xúi giục nhau phạm tội để được trở lại tù. “Hội những người từng đi cai nghiện” thì lại rủ nhau tái nghiện. “Hội những người ghét cha, mẹ” thì đăng tải các bài viết kể tội cha, mẹ mình...
Trên thực tế, đã có những hành vi phạm tội ngoài đời thật xuất phát từ các hội, nhóm ảo trên mạng xã hội. Bộ Công an đã cảnh báo về trào lưu tội phạm lập nhóm kín trên mạng xã hội để rủ nhau thực hiện hành vi cướp tài sản tại các ngân hàng, cửa hàng tiện ích. Và chắc chắn, dù xuất phát từ thế giới ảo nhưng những hành vi vi phạm pháp luật, kể cả việc chia sẻ, bình luận mang tính cổ vũ, a dua gây ra hệ quả thật thì đều sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Đơn cử như vừa qua Công an huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã phối hợp bắt giữ 2 thành viên trong nhóm “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều”. Công an huyện phát hiện nhóm người từ nhiều tỉnh, thành liên lạc với nhau trên nhóm facebook “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều” để tổ chức cướp tài sản của người dân. Các đối tượng khai nhận do nợ nần về tiền bạc nên đã nghe theo lời rủ rê, tham gia hội và thành lập nhóm kín để lên kế hoạch cướp 5 tỷ đồng của một người dân ở khu tái định cư Lộc An (Long Thành). Trước đó, Công an TP Hà Nội đã bắt giữ 2 đối tượng cũng trong hội này dùng dao và súng giả xông vào một chi nhánh ngân hàng trên địa bàn phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm để cướp 500 triệu đồng.
Trao đổi về vấn đề này, thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ lý luận trẻ cấp tỉnh Lê Nữ Sinh cho biết: “Tuy là nhóm ảo nhưng hệ lụy lại là thực và nếu các bạn trẻ không tỉnh táo nhận diện được thì đây sẽ là con dao 2 lưỡi gây ra những hậu quả đáng tiếc”.
Trước thực trạng các hội, nhóm vẫn đang hoạt động tràn lan trên không gian mạng, chia sẻ về giải pháp để người có tâm lý tiêu cực tránh xa các hội, nhóm nguy hại trên không gian mạng, nhiều ý kiến cho rằng cơ quan quản lý cần sớm có biện pháp ngăn chặn các hội, nhóm “ảo” này để dọn sạch “rác” không gian mạng. Tuy vậy, theo tìm hiểu của phóng viên việc các hội nhóm hoạt động trên mạng xã hội rất khó để cơ quan chức năng quản lý bởi các thành viên của các hội nhóm này giao lưu và inbox riêng cho nhau dẫn đến việc kiểm soát gần như là không có khả năng. Mặt khác, các hội nhóm dạng này hay tập hợp những thành viên có tâm lý tiêu cực dễ phát sinh động cơ xấu, sẵn sàng vi phạm pháp luật. Những người ban đầu không có động cơ gì nhưng khi tham gia hội nhóm, tiếp xúc với những người có tâm lý tiêu cực, động cơ xấu sẽ rất dễ bị lôi kéo.
Để loại bỏ những thông tin xấu, độc từ các hội nhóm “đen” trên mạng xã hội, các cơ quan chức năng khuyến cáo bản thân mỗi người khi sử dụng mạng xã hội cần cẩn trọng, tỉnh táo trong việc lựa chọn hội nhóm để tham gia cũng như biết “lọc” thông tin để tiếp nhận. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần quan tâm và có định hướng phù hợp khi con em sử dụng mạng xã hội, tránh bị ảnh hưởng bởi những thông tin nguy hại đang tràn lan trên mạng xã hội như hiện nay.