Nghiêm túc nhìn nhận lại trách nhiệm trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia

Dù nhiều nút thắt về chính sách được Trung ương tích cực tháo gỡ, nhưng tiến độ triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn chậm. Các địa phương cần nghiêm túc nhìn nhận lại trách nhiệm của mình, vì việc thực hiện các chương trình này là nhiệm vụ chính trị cực kỳ quan trọng và có ý nghĩa nhân văn rất lớn.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các địa phương cần nghiêm túc nhìn nhận lại trách nhiệm của mình, vì việc thực hiện các chương trình MTQG là nhiệm vụ chính trị cực kỳ quan trọng và có ý nghĩa nhân văn rất lớn - Ảnh: VGP/Hải Minh

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các địa phương cần nghiêm túc nhìn nhận lại trách nhiệm của mình, vì việc thực hiện các chương trình MTQG là nhiệm vụ chính trị cực kỳ quan trọng và có ý nghĩa nhân văn rất lớn - Ảnh: VGP/Hải Minh

Chiều 20/7, tại tỉnh Bình Định, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) chủ trì Hội nghị trực tuyến với 19 địa phương khu vực Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên về tình hình triển khai các chương trình MTQG và góp ý với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tham dự hội nghị có lãnh đạo, đại diện các bộ, ngành là thành viên của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025; lãnh đạo các địa phương của 3 vùng nêu trên.

Trước đó, trong buổi sáng, Phó Thủ tướng đã đi khảo sát tình hình thực hiện các chương trình MTQG tại huyện Tây Sơn; tặng 130 suất quà, động viên hộ nghèo, hộ cận nghèo dân tộc Ba Na tại xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn; dâng hương tại đàn Kính Thiên và dâng hương, dâng hoa tại tượng đài Hoàng đế Quang Trung và điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh 3 chương trình MTQG được kỳ vọng tạo ra sự thay đổi lớn đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên cả nước, nhưng qua hơn nửa chặng đường, kết quả chưa đáng kể.

Sự chậm trễ có nguyên nhân do đây là các chương trình tích hợp, lồng ghép từ nhiều chương trình nên đòi hỏi cần có thời gian để hoàn tất việc ban hành văn bản hướng dẫn triển khai.

Trong quá trình triển khai, có thể thấy những địa phương có tiềm lực thường triển khai nhanh hơn, trong đó TP. Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm đã giải ngân được trên 93% vốn của năm 2023.

Đối với Chương trình MTQG dân tộc thiểu số và miền núi, đây là chương trình mới và có nhiều vướng mắc nhất, đến nay đã cơ bản được tháo gỡ bằng việc ban hành Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 sửa đổi bổ sung Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022, nhưng qua gần 1 tháng ban hành, chưa có nhiều tiến triển.

Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, làm rõ còn những khó khăn, vướng mắc nào cần tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 chương trình MTQG vì thời gian không còn nhiều.

Tỉ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình của cả nước

Theo Bộ KH&ĐT, 19 địa phương dự họp được phân bổ hơn 39.019 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025.

Đến nay, còn 6 tỉnh chưa hoàn thành phân bổ chi tiết vốn ngân sách Trung ương là Thanh Hóa, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đắk Lắk, Gia Lai với số vốn là hơn 1.546 tỷ đồng, chiếm 16,32% kế hoạch được giao.

Về kết quả giải ngân 6 tháng đầu năm 2023, tỉ lệ giải ngân mới đạt 21,67% kế hoạch, thấp hơn bình quân chung của cả nước là 28,2%.

Các địa phương gồm Nghệ An, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, Lâm Đồng thuộc nhóm đứng đầu về tỉ lệ giải ngân trên 30%.

Có tình trạng chuyển nhượng đất được Nhà nước hỗ trợ

Phát biểu tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương cho biết, tình hình triển khai các chương trình MTQG được đẩy nhanh hơn sau khi Trung ương tập trung ban hệ thống văn bản hướng dẫn và sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, đặc biệt là Nghị định 38/2023/NĐ-CP.

Lý giải về nguyên nhân chậm giải ngân, tỉnh Phú Yên thẳng thắn nêu 3 nguyên nhân chính, đó là tỉnh còn chậm trong việc ban hành văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền được giao; nguồn lực đối ứng của tỉnh rất hạn chế; cán bộ là người dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn khi được phân cấp triển khai Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tỉnh Đắk Nông phản ánh nhiều dự án của 3 chương trình MTQG nằm trong quy hoạch bauxit, trong khi việc triển khai hỗ trợ nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số trên đất nông nghiệp chưa thực hiện được do chưa có hướng dẫn.

Các địa phương cho rằng, tiêu chí về tỉ lệ khám chữa bệnh từ xa phải trên 40%, tỉ lệ hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt từ 25% trở lên khó thực hiện.

Việc đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong khi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống rải rác. Bên cạnh đó, việc tìm nguồn nước, trong đó có nước ngầm cũng khó khăn.

Các địa phương phản ánh tình trạng thiếu quỹ đất để bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong khi có tình trạng chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào.

Để khắc phục tình trạng trên, các địa phương kiến nghị Trung ương có chính sách quản lý chặt chẽ để ngăn chặn việc chuyển nhượng đất đã giao cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Các địa phương cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 38.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải nỗ lực hoàn tất việc ban hành các văn bản hướng dẫn còn lại trong quý III/2023 - Ảnh: VGP/Hải Minh

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải nỗ lực hoàn tất việc ban hành các văn bản hướng dẫn còn lại trong quý III/2023 - Ảnh: VGP/Hải Minh

Tại hội nghị, lãnh đạo, đại diện các bộ, ngành Trung ương trực tiếp giải đáp những vướng mắc của các địa phương, đồng thời cập nhật tình hình sửa đổi các quy định liên quan và ban hành văn bản hướng dẫn.

Ủy ban Dân tộc cho biết, trong tuần sau sẽ ban hành Bộ tài liệu đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai thực hiện Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở các cấp.

Lãnh đạo Bộ LĐTB&XH cho biết, Bộ đang nghiên cứu để trình Chính phủ tiêu chí hộ có thu nhập thấp, dự kiến sẽ ban hành tiêu chí này trong tháng 11/2023.

Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được xây dựng theo hướng nâng cao hơn, bền vững hơn, có phân loại theo từng vùng dựa trên điều kiện thực tiễn về kinh tế-xã hội. Trên cơ sở ý kiến của các địa phương, Bộ đang lấy ý kiến góp ý trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu để phù hợp với thực tế.

Bộ KH&ĐT lưu ý các địa phương phần vốn của các chương trình MTQG kéo dài của năm 2022 phải giải ngân hết năm 2023.

Đại diện VPCP cập nhật về định hướng sửa đổi, bổ sung Nghị định 156/2008/NĐ-CP liên quan đến giao rừng, cho thuê rừng, cho thuê môi trường rừng, chuyển đổi sử dụng mục đích rừng; quản lý xây dựng các công trình phục vụ bảo vệ và phát triển rừng trên đất lâm nghiệp thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Đối với những nội dung vượt thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN&MT tiếp thu, đưa vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Cân nhắc cách tiếp cận mới trong phân bổ vốn, phân cấp tối đa cho địa phương

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ, vốn cho năm 2023 đã được Trung ương giao ngay từ đầu năm, đồng thời nhiều nút thắt về chính sách được Trung ương tích cực tháo gỡ, nhưng tiến độ triển khai các chương trình MTQG vẫn còn chậm. Mỗi bộ, ngành và địa phương cần nghiêm túc nhìn nhận lại trách nhiệm của mình, vì việc thực hiện 3 chương trình MTQG là nhiệm vụ chính trị cực kỳ quan trọng và có ý nghĩa nhân văn rất lớn.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải nỗ lực hoàn tất việc ban hành các văn bản hướng dẫn còn lại trong quý III/2023.

Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu phải tích cực, quyết liệt, chủ động hơn trong triển khai công việc, chỗ nào chưa rõ thì trao đổi với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương khác có kinh nghiệm; đồng hành cùng các bộ, ngành trong việc sửa đổi các thông tư để khi ban hành có thể thực thi ngay.

Do nguồn vốn đầu tư có hạn, chưa đáp ứng với nhu cầu của các địa phương, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang quán triệt quan điểm đã được Thủ tướng nhấn mạnh nhiều lần đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, manh mún.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành chủ trì chương trình MTQG phải kết nối, hỗ trợ tốt hơn với các địa phương.

Phó Thủ tướng giao VPCP phủ đôn đốc, theo dõi việc thực hiện Công văn số 666/TTg-QHĐP ngày 18/7 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai thực hiện 3 chương trình MTQG.

Đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương tích cực góp ý về giải pháp để ngăn chặn tình trạng sang nhượng, bán đất sau khi đã giao đất cho bà con dân tộc thiểu số; nghiên cứu, góp ý về các chính sách tín dụng và việc làm để sau khi giao đất, bà con ổn định được cuộc sống.

Về định hướng phân bổ vốn trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết, có thể sẽ có cách tiếp cận khác hiện nay. Theo đó, địa phương nào giải ngân nhanh, hiệu quả có thể được phân bổ vốn nhiều hơn, mới tạo được động lực thi đua trong việc thực hiện các chương trình MTQG.

Các quy định pháp luật và văn bản hướng dẫn ban hành trong thời gian tới sẽ chú trọng phân cấp tối đa cho các địa phương, Phó Thủ tướng khẳng định.

Hải Minh

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/nghiem-tuc-nhin-nhan-lai-trach-nhiem-trong-thuc-hien-3-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-102230720183058928.htm