Nghiên cứu bổ sung công an cấp xã vào lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Chiều 9-9, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tổ chức hội thảo góp ý cho dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC-CNCH). Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Hà Phước Thắng chủ trì hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo góp ý dự án Luật PCCC-CNCH tại Đoàn ĐBQH TPHCM chiều 9-9. Ảnh: CẨM TUYẾT

Toàn cảnh hội thảo góp ý dự án Luật PCCC-CNCH tại Đoàn ĐBQH TPHCM chiều 9-9. Ảnh: CẨM TUYẾT

Tại hội thảo, Trung tá Nguyễn Văn Hải, Phó Trưởng Khoa Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trường ĐH Cảnh sát nhân dân đề nghị bổ sung lực lượng công an cấp xã vào Điều 37 của dự thảo.

 Trung tá Nguyễn Văn Hải, Phó Trưởng Khoa Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trường ĐH Cảnh sát nhân dân phát biểu tại hội thảo. Ảnh: CẨM TUYẾT

Trung tá Nguyễn Văn Hải, Phó Trưởng Khoa Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trường ĐH Cảnh sát nhân dân phát biểu tại hội thảo. Ảnh: CẨM TUYẾT

Tại Điều 37, về cơ bản quy định 4 lực lượng nòng cốt trong công tác PCCC-CNCH là kế thừa các quy định hiện hành. Tuy nhiên, thực tế tại cơ sở, lực lượng Công an cấp xã là lực lượng tiếp nhận tin báo đầu tiên, trong Thông tư số 45/2022/TT-BCA quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của công an cấp xã cũng có nhiệm vụ PCCC-CNCH. Đồng thời, công an cấp xã cũng là chỉ huy khi có mặt tại nơi xảy ra cháy.

 Ông Đỗ Diệp Gia Hợp, Phó Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng, Sở Xây dựng TPHCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: CẨM TUYẾT

Ông Đỗ Diệp Gia Hợp, Phó Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng, Sở Xây dựng TPHCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: CẨM TUYẾT

Góp ý về Điều 32 của dự thảo, ông Đỗ Diệp Gia Hợp, Phó Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng, Sở Xây dựng TPHCM đề nghị bổ sung thêm nội dung: đối với các công trình khi có dấu hiệu sập đổ thì lực lượng CNCH cũng phải kịp thời ngăn chặn, xử lý, để khi sập đổ thì đã quá muộn.

 Ông Phạm Thanh Trực, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu chế xuất, Khu công nghiệp TPHCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: CẨM TUYẾT

Ông Phạm Thanh Trực, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu chế xuất, Khu công nghiệp TPHCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: CẨM TUYẾT

Còn ông Phạm Thanh Trực, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu chế xuất, Khu công nghiệp TPHCM góp ý bổ sung khoản 4, Điều 14, cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về xây dựng sẽ phê duyệt "sau khi có ý kiến của các cơ quan chuyên ngành PCCC". Với Điều 15, ông Trực góp ý bổ sung khi lập, điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình, thiết kế xây dựng mới, thay đổi công năng sử dụng hoặc cải tạo công trình phải có giải pháp, thiết kế về PCCC phù hợp với công năng, ngoài ra, còn phải phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.

Ông Hà Phước Thắng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: CẨM TUYẾT

Ông Hà Phước Thắng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM cho biết, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, các ĐBQH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật PCCC-CNCH. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và xây dựng dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý; đã báo cáo, tiếp thu ý kiến của UBTVQH tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8-2024. Dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý có 9 chương, 61 điều.

THÀNH CHUNG - CẨM TUYẾT

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nghien-cuu-bo-sung-cong-an-cap-xa-vao-luc-luong-phong-chay-chua-chay-va-cuu-nan-cuu-ho-post758033.html