Nghiên cứu bổ sung quy định về chỉ định và đặt hàng các đơn vị tư vấn quy hoạch

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 10/5, Quốc hội thảo luận tại Tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Toàn cảnh thảo luận Tổ 01

Toàn cảnh thảo luận Tổ 01

Thảo luận tại Tổ 01 (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội), các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi luật và xem xét thông qua theo quy trình một kỳ họp, nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức đảm bảo hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến vào sự thống nhất trong hệ thống pháp luật của các dự thảo luật trình Quốc hội với các luật hiện hành; các quy định về quản trị doanh nghiệp; thẩm quyền bổ sung vào hệ thống quy hoạch; nguyên tắc lập quy hoạch; mối quan hệ giữa các quy hoạch; phân cấp thẩm quyền quyết định quy hoạch; các chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; điều khoản chuyển tiếp…

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai điều hành thảo luận Tổ 01

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai điều hành thảo luận Tổ 01

Góp ý cụ thể vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, một số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo cần xác định rõ mục đích và phạm vi sửa đổi Luật Quy hoạch lần này để bảo đảm tính khả thi; trong đó tập trung giải quyết các vấn đề mang tính cấp bách cần xử lý ngay, nhất là những vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, xây dựng mô hình chính quyền địa phương 02 cấp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, khơi thông nguồn lực và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đối với các nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau, chưa được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá tổng kết thực tiễn khi sửa đổi toàn diện Luật Quy hoạch.

Đại biểu tham gia thảo luận Tổ 01

Đại biểu tham gia thảo luận Tổ 01

Một số ý kiến đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch cần quán triệt, cụ thể các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là các Nghị quyết: Nghị quyết số 57-NQ/TW (ngày 22/12/2024) của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.

Đại biểu Tạ Đình Thi - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội phát biểu

Đại biểu Tạ Đình Thi - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội phát biểu

Đại biểu nhấn mạnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quy hoạch đặc biệt quan trọng. Bởi, qua đánh giá, một trong những điểm yêúm bất cập hiện nay cơ sở dữ liệu phục vụ lập quy hoạch và cơ sở dữ liệu của bản thân các quy hoạch. Đại biểu đề nghị nghiên cứu rà soát một số nội dung được quy định tại Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, nội dung nào đã chín, đã rõ cần luật hóa trong luật.

Đại biểu Tạ Đình Thi – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đề nghị bổ sung, thiết kế điều riêng quy định về ứng dụng công nghệ trong công tác quy hoạch, đặc biệt là ứng dụng các công nghệ thông tin, big data, trí tuệ nhân tạo; có các quy định mang tính nguyên tắc để tạo kết nối liên thông về cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực quy hoạch.

Nghiên cứu bổ sung quy định về chỉ định và đặt hàng các đơn vị tư vấn quy hoạch

Về lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch (sửa đổi khoản 1 Điều 17 của Luật Quy hoạch), đại biểu đề nghị cân nhắc quy định tại dự thảo Luật (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 17 của Luật Quy hoạch) về việc cho phép cơ quan lập quy hoạch được lựa chọn tổ chức tư vấn quy hoạch theo quy định của pháp luật về đấu thầu vì công tác tư vấn lập quy hoạch khi thực hiện theo quy định pháp luật về đấu thầu đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập trong quá trình thực hiện, gây ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả quy hoạch. Do vậy, cần có quy định mở trong việc giao nhiệm vụ thực hiện tư vấn quy hoạch trên cơ sở xem xét, đánh giá năng lực của các cơ quan tư vấn (có tiêu chí xem xét lựa chọn); cùng với đó là hình thức đấu thầu để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn, yêu cầu, quy mô của mỗi loại quy hoạch trên quan điểm phân cấp cho tổ chức, cá nhân, địa phương quyết định và tự chịu trách nhiệm.

Đại biểu tham gia thảo luận Tổ 01

Đại biểu tham gia thảo luận Tổ 01

Đại biểu Nguyễn Trúc Anh – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng, cần nghiên cứu bổ sung quy định cho phép cơ quan tổ chức lập quy hoạch được quyền chỉ định và đặt hàng các đơn vị tư vấn quy hoạch là các viện nghiên cứu quy hoạch, mà ko cần phải thông qua đấu thầu vì quy hoạch là công việc đặc thù, đòi hỏi chuyên môn sâu và cũng chỉ có một số đơn vị mới có thể thực hiện được; hơn nữa thực hiện theo Luật Đấu thầu sẽ mất rất nhiều thời gian và quy trình, thủ tục.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội nêu quan điểm: “Lập quy hoạch đòi hỏi nghiệp vụ chuyên sâu, do vậy ở các quốc gia trên thế giới thường có tổ chức tư vấn lập quy hoạch độc lập, chuyên nghiệp. Nếu tự lập quy hoạch dễ dẫn tới tình trạng lập quy hoạch theo ý chí của người quản lý, theo tư duy nhiệm kỳ. Vì vậy, nên thuê tư vấn để đảm bảo tính độc lập, tính khách quan. Trong trường hợp không thể thuê tư vấn thì mới tự lập quy hoạch”.

Phân quyền quy hoạch nhưng không ảnh hưởng đến quy hoạch quốc gia

Các đại biểu tán thành các nội dung sửa đổi liên quan đến phân cấp, phân quyền nhằm phát huy tính chủ động, linh hoạt của các Bộ, ngành địa phương và cơ quan liên quan. Điều này cụ thể hóa chủ trương của Đảng về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo yêu cầu tại Kết luận số 121-KL/TW ngày 24/01/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Điểm mới của dự thảo luật là đã phân cấp thẩm quyền của Quốc hội cho Chính phủ trong việc xác định các vùng cần lập quy hoạch vùng và quyết định quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia. Đồng thời, dự thảo Luật đã phân cấp thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong kế hoạch thực hiện quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh; phân cấp thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh đối với quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 để đáp ứng yêu cầu về sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.

Đại biểu tham gia thảo luận Tổ 01

Đại biểu tham gia thảo luận Tổ 01

Cho ý kiến về nội dung này, có ý kiến cho rằng chưa nên phân cấp thẩm quyền của Quốc hội cho Chính phủ quyết định quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Bởi, nội dung này cũng chưa được đánh giá kỹ lưỡng, chưa thuyết minh làm rõ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện quy định của Luật hiện hành. Đồng thời, về bản chất chính trị, pháp lý cả 02 quy hoạch này có tính chiến lược, tổng thể và ảnh hưởng toàn quốc, cần được đặt dưới sự giám sát và quyết định của cơ quan nhà nước cao nhất nhằm tăng cường kiểm soát quyền lực và định hướng phát triển bền vững. Do đó, chưa có đủ cơ sở đề xuất sửa đổi việc phân cấp thẩm quyền của Quốc hội cho Chính phủ quyết định lập mới quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia tại dự thảo Luật lần này.

Tuy nhiên, có ý kiến đồng tình với việc phân cấp như dự thảo luật; đồng thời đề nghị bổ sung quy định nhằm tăng quyền điều chỉnh quy hoạch cho cấp tỉnh, nhưng trong quá trình tham khảo ý kiến Bộ ngành đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ.

Một số ý kiến cũng đề nghị, đối với các quy hoạch cấp tỉnh đã được phê duyệt thời gian qua vẫn giữ nguyên và điều chỉnh quy hoạch cục bộ sau khi tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính. Vì khi lập quy hoạch, các đơn vị lập quy hoạch đã tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng về bối cảnh vùng, liên vùng, nên giá trị của quy hoạch đã được duyệt vẫn có giá trị. Đại biểu cũng lưu ý việc giao thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch cho địa phương cần nêu rõ trách nhiệm của địa phương, đảm bảo việc phân quyền quy hoạch không ảnh hưởng đến quy hoạch quốc gia.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu kết luận

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu kết luận

Lan Hương - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=94005