Nghiên cứu chế tạo màng bảo quản trái cây từ nhựa PVA và nhựa cánh kiến đỏ: Ý tưởng thiết thực với người nông dânTin khácCuộc thi 'Đại sứ Văn hóa đọc' năm 2021: Lan tỏa phong trào đọc sách đến cộng đồngCách mạng Tháng Tám thành công - đánh dấu thắng lợi đ

Bảo quản trái cây sau thu hái là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp. Bảo quản tốt giúp kéo dài vụ thu hoạch, hạn chế tình trạng thương lái ép giá, không tiêu thụ được. Sáng kiến màng bảo quản trái cây từ nhựa PVA và nhựa cánh kiến đỏ của nhóm học sinh trường THPT Văn Lãng, huyện Văn Lãng có tác dụng tích cực trong việc kéo dài thời gian chín của trái cây sau thu hái.

Trên địa bàn tỉnh có nhiều loại trái cây cho thu hoạch rải rác trong năm. Đặc điểm của trái cây là chín rộ vào cùng một thời điểm và thời điểm này thường rất ngắn, chỉ khoảng 1 đến 2 tháng. Nếu thời gian bảo quản sau thu hái được kéo dài thì có thể vận chuyển đi xa, xuất khẩu mang lại giá trị cao cho người sản xuất. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải nghiên cứu, đưa ra sản phẩm có thể kéo dài thời gian bảo quản của trái cây sau thu hái. Trong năm 2020, nhóm nghiên cứu do em Liễu Lê Lan, học sinh lớp 11A7; Hoàng A Sao, lớp 10A7 Trường THPT Văn Lãng (năm học 2020 – 2021) đã bắt tay vào nghiên cứu chế tạo màng bảo quản trái cây trên cơ sở PVA với nhựa cánh kiến đỏ, ứng dụng trên một số trái cây ở Văn Lãng – Lạng Sơn.

Nhóm nghiên cứu thí nghiệm các công thức pha trộn nguyên liệu

Nhóm nghiên cứu thí nghiệm các công thức pha trộn nguyên liệu

Em Liễu Lê Lan, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: Qua nghiên cứu cho thấy Polyvinil ancol (PVA) là một polime không độc, được sử dụng rộng rãi trong dược phẩm, y học như: chất tạo màng, làm đông, làm dung dịch nhỏ mắt, kính áp tròng, làm giảm sự mất máu khi phẫu thuật… Nhựa cánh kiến đỏ là vị thuốc đông y, thu được từ dịch tiết của một loại côn trùng sống trên một số loại cây tại khu vực miền núi. Nhựa cánh kiến đỏ được sử dụng để chữa các bệnh ngoài da, đau bụng, kháng một số loại vi khuẩn, không độc hại khi ăn hay tiếp xúc. Nhựa cánh kiến đỏ được sử dụng trong dược phẩm, mỹ phẩm, sản xuất túi ni lông tự hủy, sản phẩm thân thiện với môi trường và sức khỏe con người… Vì vậy chúng em lựa chọn 2 thành phần này để chế tạo màng bọc thực phẩm.

Ưu điểm của nhựa PVA là tan tốt trong nước, giá thành thấp, chỉ từ 50.000 đến 70.000/kg. Nhựa cánh kiến đỏ có thành phần chủ yếu là các chất hữu cơ, có tính diệt khuẩn, diệt nấm mốc và làm giảm cường độ trao đổi chất của trái cây, khi gặp dung môi sẽ tự bay hơi. Thành phần chính của màng bảo quản trái cây là nhựa PVA, nhựa cánh kiến đỏ, nước cất, cồn tuyệt đối… Màng bảo quản trái cây được tạo ra sau khi trộn các nguyên liệu lại với nhau theo tỷ lệ nhất định. Màng bảo quản trái cây có thể được sử dụng bằng cách nhúng toàn bộ trái cây vào dung dịch hoặc phun trực tiếp dung dịch lên trái cây muốn bảo quản.

Để được bảo quản tốt bằng màng PVA và nhựa cánh kiến đỏ, trái cây sau khi thu hoạch phải là quả đều đẹp, không bị bầm dập, xây xát, được cắt bớt cuống, núm. Sau khi lựa chọn, những quả đạt yêu cầu phải được rửa sạch bụi bẩn và vi sinh vật có hại, để khô tự nhiên. Khi nước trên bề mặt trái cây bay hơi hết thì tiến hành nhúng, phủ dung dịch PVA và nhựa cánh kiến rồi để khô tự nhiên và tiến hành bảo quản ở nhiệt độ phòng.

Thí nghiệm trên quả hồng cho thấy, màng PVA và nhựa cánh kiến đỏ có khả năng ức chế và ức chế mạnh đối với các loại vi khuẩn có hại cho tiêu hóa. Nồng độ cánh kiến càng cao khả năng kháng và diệt nấm càng tốt. So với quả hồng được bảo quản theo cách thông thường thì lượng Vitamin C trong quả giảm chậm hơn, độ đường tăng cao hơn, quá trình biến đổi sinh hóa giảm. Để tăng độ tin cậy của nghiên cứu, nhóm đã gửi mẫu đến Khoa Hóa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để xác định các chỉ tiêu chất lượng của chế phẩm quả mẫu vật thí nghiệm. Đồng thời, áp dụng sản phẩm trên một số loại trái cây như: chuối, hồng, cam, quýt… cho thấy thời gian bảo quản được kéo dài từ 15 đến 30 ngày tùy loại và thời điểm thu hoạch.

Ông Lưu Bá Mạc, Trưởng Phòng Quản lý công nghệ và Quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Nếu được sản xuất đại trà, màng PVA và nhựa cánh kiến đỏ từ nghiên cứu này sẽ hỗ trợ tích cực cho nông dân trong khâu bảo quản các loại trái cây sau thu hái. Sản phẩm này đã đạt giải ba tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Lạng Sơn lần thứ 13, năm 2021. Sản phẩm cũng được chọn tham gia cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc năm 2021.

Với tác dụng tích cực mà màng PVA và nhựa cánh kiến đỏ mang lại, tin rằng sản phẩm sẽ sớm được ứng dụng vào thực tiễn để bảo quản các loại trái cây trên địa bàn tỉnh. Khi thời gian bảo quản được kéo dài, sản phẩm có thế vận chuyển đi xa hoặc xuất khẩu sẽ giúp giá trị được nâng lên, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho nông dân

HOÀNG VƯƠNG

THU HIỀN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/khoa-hoc-tin-hoc/444708-nghien-cuu-che-tao-mang-bao-quan-trai-cay-tu-nhua-pva-va-nhua-canh-kien-do-y-tuong-thiet-thuc-voi-nguoi-nong-dan.html