Nghiên cứu chỉ ra những hoạt động thể chất giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng hoạt động thể chất có thể giúp kiểm soát bệnh tiểu đường hiệu quả.

Hoạt động thể chất cải thiện độ nhạy insulin, cho phép điều chỉnh lượng đường trong máu tốt hơn. Hoạt động thể chất thường xuyên cũng giúp kiểm soát lượng đường trong máu trực tiếp, ngăn ngừa tăng đột biến và thúc đẩy sự ổn định. Từ đó góp phần giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường.

WHO định nghĩa hoạt động thể chất là bất kỳ chuyển động cơ thể nào được tạo ra bởi cơ xương đòi hỏi tiêu hao năng lượng. Hoạt động thể chất đề cập đến tất cả các chuyển động bao gồm giải trí, di chuyển, vận động... của một người. Cả hoạt động thể chất cường độ vừa phải và mạnh mẽ đều cải thiện sức khỏe.

Theo tổ chức Y tế thế giới, người lớn mắc bệnh tiểu đường được khuyến nghị nên thực hiện ít nhất 150-300 phút tập luyện cường độ vừa phải mỗi tuần để duy trì sức khỏe tốt. Họ cũng có thể thực hiện ít nhất 75–150 phút hoạt động thể chất aerobic cường độ mạnh; hoặc kết hợp tương đương giữa hoạt động cường độ vừa phải và mạnh mẽ trong suốt cả tuần.

Ảnh Pixabay

Ảnh Pixabay

Một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Y học Thể thao Anh cũng cho rằng, bệnh tiểu đường có thể được ngăn ngừa hoàn toàn bằng cách tham gia vào các hoạt động thể chất thường xuyên, chẳng hạn như làm vườn, khiêu vũ hoặc đi bộ nhanh.

Đây là nghiên cứu của các tác giả đến từ Úc, Trung Quốc, Đan Mạch, Tây Ban Nha. Và họ cùng đưa ra lưu ý rằng: Những người tập thể dục vừa phải đến mạnh mẽ trong khoảng hơn 1 giờ/ngày có nguy cơ phát triển các vấn đề sức khỏe thấp hơn 74% so với những người khác.

Theo báo cáo trên trang The Exponent, ngay cả khi một người nào đó có nguy cơ cao phát triển một số vấn đề sức khỏe nhất định liên quan đến gen thì họ vẫn nhận được những khả năng giảm nguy cơ mắc bệnh.

"Chúng ta không thể kiểm soát nguy cơ di truyền và tiền sử gia đình nhưng phát hiện này cho thấy rằng thông qua lối sống năng động, chúng ta có thể chống lại nhiều nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2", tác giả cao cấp của nghiên cứu, Giáo sư Melody Ding của Đại học Sydney (Úc) cho biết.

Đây là nghiên cứu đầu tiên xác định rằng tập thể dục chống lại nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, ngay cả ở những người dễ bị tổn thương về mặt di truyền. Khi bắt đầu nghiên cứu, một nhóm 59.325 người trưởng thành tham gia được yêu cầu đeo một thiết bị cảm biến gia tốc ở cổ tay và tiến trình của họ được quan sát theo dõi trong 7 năm.

Cuối cùng, nghiên cứu liệt kê ra một số hoạt động có hiệu quả trong việc kiềm chế bệnh tiểu đường, bao gồm: Chạy, nhảy aerobic, đạp xe với tốc độ nhanh hoặc lên dốc và tham gia vào các công việc làm vườn. Tất cả đều là những ví dụ về các hoạt động thể chất cường độ cao khiến bạn thở mạnh hoặc nhanh hơn.

"Chúng tôi hy vọng là nghiên cứu này sẽ cung cấp thông tin để các chuyên gia, tổ chức y tế và cộng động có những hướng dẫn lâm sàng phòng ngừa bệnh mãn tính", GS Ding nói.

"Tôi rất vui mừng được chia sẻ kết quả nghiên cứu của chúng tôi với nhiều đối tượng để cho mọi người biết rằng hoạt động thể chất giúp tăng cường sức khỏe, đặc biệt là đối với những người có nguy cơ mắc bệnh di truyền cao", tác giả chính của nghiên cứu Susan Luo, một ứng cử viên tiến sĩ tại Đại học Sydney cho biết.

"Dù bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường loại 2 hay không, bạn vẫn nên bắt đầu hoạt động thể chất ngay từ hôm nay", Susan Luo nói thêm.

Theo Liên đoàn đái tháo đường Thế giới (IDF) công bố năm 2021, cả thế giới có tới 537 triệu người mắc đái tháo đường, tương ứng với tỷ lệ cứ 10 người lớn độ tuổi 20 - 79 tuổi có 1 người mắc đái tháo đường; cứ 6 trẻ sinh ra có 1 trẻ bị ảnh hưởng bởi đái tháo đường trong giai đoạn phát triển thai nhi. Đặc biệt, có tới 50% số người trưởng thành mắc đái tháo đường mà không được chẩn đoán.

Nguồn: MedicalDaily, BMJ, WHO

XT

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nghien-cuu-chi-ra-nhung-hoat-dong-the-chat-giup-giam-nguy-co-mac-benh-tieu-duong-20230612172627285.htm