Nghiên cứu của ĐH Harvard chỉ ra 2 loại thực phẩm là thủ phạm gây đột quỵ

Nghiên cứu mới của Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan (ĐH Harvard - Mỹ), được công bố gần đây trên tạp chí y khoa The Lancet, cho thấy không phải tất cả thực phẩm siêu chế biến đều gây hại như nhau.

Nước ngọt chứa nhiều đường. Quá nhiều đường bổ sung có thể dẫn đến tình trạng viêm mạn tính ở tim và mạch máu và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Ảnh: Pexels

Nước ngọt chứa nhiều đường. Quá nhiều đường bổ sung có thể dẫn đến tình trạng viêm mạn tính ở tim và mạch máu và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Ảnh: Pexels

Theo đó, 2 loại thực phẩm là thủ phạm làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ là đồ uống có đường hoặc chất tạo ngọt nhân tạo và thịt chế biến, theo tờ New York Post.

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi lượng thực phẩm siêu chế biến tiêu thụ của hơn 200.000 người tham gia và theo dõi họ trong khoảng 30 năm để xem họ có mắc bệnh tim hoặc đột quỵ hay không.

Các tác giả đã chia thực phẩm siêu chế biến thành 10 nhóm:

Bánh mì trắng và ngũ cốc tinh chế (gồm ngũ cốc ăn sáng, bánh mì đen hoặc bánh mì ngũ cốc nguyên hạt và bánh mì từ ngũ cốc tinh chế)
Nước sốt, bơ và gia vị
Đồ ăn vặt và đồ tráng miệng ngọt đóng gói
Đồ ăn vặt mặn đóng gói
Đồ uống có đường
Thịt chế biến, bao gồm thịt đỏ, thịt gia cầm và cá
Thức ăn mua về ăn ngay
Sữa chua hoặc đồ tráng miệng từ sữa
Rượu mạnh
Đồ uống có đường nhân tạo

Kết quả cho thấy không phải tất cả thực phẩm siêu chế biến đều xấu, mà đồ ăn vặt mặn, ngũ cốc ăn sáng và sữa chua hoặc đồ tráng miệng từ sữa có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn. Đồng thời, bánh mì siêu chế biến và ngũ cốc ăn sáng có liên quan đến nguy cơ đột quỵ thấp hơn.

Thịt chế biến thường được bảo quản bằng cách tẩm muối, hun khói hoặc thêm chất bảo quản hóa học. Ảnh: Pexels

Thịt chế biến thường được bảo quản bằng cách tẩm muối, hun khói hoặc thêm chất bảo quản hóa học. Ảnh: Pexels

Đáng chú ý, kết quả đã phát hiện tiêu thụ đồ uống có đường hoặc có chất tạo ngọt nhân tạo và thịt chế biến có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, theo New York Post.

Thực phẩm siêu chế biến thường chứa lượng calo dư thừa, đường bổ sung, natri và chất béo không lành mạnh.

Các chuyên gia dinh dưỡng từ lâu đã cảnh báo về nước ngọt và thịt chế biến.

Nước ngọt chứa nhiều đường. Quá nhiều đường bổ sung có thể dẫn đến tình trạng viêm mạn tính ở tim và mạch máu và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Riêng thịt chế biến thường được bảo quản bằng cách tẩm muối, hun khói hoặc thêm chất bảo quản hóa học. Muối có thể làm tăng huyết áp trong khi chất béo bão hòa có thể làm tăng cholesterol.

Các nhà nghiên cứu đã kết luận nên hạn chế nước ngọt và thịt chế biến, và nên cân nhắc chất lượng dinh dưỡng của thực phẩm siêu chế biến trước khi tiêu thụ.

NGUYỄN LAN

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/doi-song/202409/nghien-cuu-cua-dh-harvard-chi-ra-2-loai-thuc-pham-la-thu-pham-gay-dot-quy-df8065a/