Nghiên cứu điều chỉnh, giảm áp lực thủ tục thi hành án tử hình

Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đề nghị VKSND tối cao sớm hoàn thiện đề án rà soát, đánh giá những bất cập trong BLHS, BLTTHS và Luật Thi hành án hình sự liên quan áp dụng hình phạt tử hình và thi hành án tử hình.

Như PLO đã đưa tin, hôm qua, 24-2, Chủ tịch nước Lương Cường đã lần đầu tiên chủ trì họp Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương trong cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo. Một nội dung của phiên họp này là cho ý kiến về rà soát, đánh giá pháp luật liên quan đến hình phạt tử hình và thi hành án tử hình.

 Việt Nam đã đổi mới phương thức thi hành án tử hình từ xử bắn sang tiêm thuốc, nhân đạo hơn với người bị thi hành án.

Việt Nam đã đổi mới phương thức thi hành án tử hình từ xử bắn sang tiêm thuốc, nhân đạo hơn với người bị thi hành án.

Bộ luật Tố tụng hiện hành kế thừa các luật trước đây, quy định rất chặt chẽ thủ tục thi hành án tử hình.

Theo đó, sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật, Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao phải quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm với bản án.

Về phía tử tù, trong 7 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, có quyền gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước.

Trường hợp tử tù không có đơn xin ân giảm thì bản án tử hình chỉ được thi hành nếu Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Trường hợp bản án tử hình bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm TAND tối cao quyết định không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình thì TAND tối cao phải thông báo ngay cho tử tù biết để họ làm đơn xin ân giảm hình phạt tử hình.

Tiếp đó, nếu tử tù có đơn xin ân giảm hình phạt tử hình thì bản án tử hình được thi hành sau khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm.

Thực tiễn quản lý và tổ chức thi hành án tử hình cho thấy, trừ trường hợp người bị thi hành án không có đơn xin ân giảm, còn hầu hết các bản án mà tử tù có đơn gửi Chủ tịch nước thì chốt chặn cuối cùng là việc chủ thể quyền lực nhà nước đặc biệt này có ký quyết định bác đơn xin ân giảm hay không.

Vấn đề này cũng từng được nêu ra khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác thi hành án của Chính phủ năm 2023. Theo đó, lúc ấy ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, cho rằng: "Chủ tịch nước phải phê vào đơn là bác đơn thì mới thi hành án tử hình được. Nhưng Chủ tịch nước rất nhiều việc, trong khi muốn bác đơn cũng phải nghiên cứu, xem xét...".

Về giải pháp, trên diễn đàn Quốc hội, cuối năm 2022, đại biểu Sùng A Lềnh từng đề xuất nghiên cứu, sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng tiếp tục giảm các hành vi phạm tội có thể bị tuyên án tử hình. Đồng thời, năng chăng sửa Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng quy định rõ thời gian xét đơn xin ân giảm án tử hình, mà hết thời hạn đó, Chủ tịch nước không ân giảm thì được hiểu là đã bác đơn xin ân giảm.

Đến nay, các giải pháp trên đã được báo cáo trong phiên họp Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương. Và kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Lương Cường, Trưởng ban Chỉ đạo đề nghị VKSND tối cao tập trung sớm hoàn thiện, phối hợp Văn phòng Trung ương trình Bộ Chính trị trong quý I này đề án rà soát, đánh giá những bất cập trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành án hình sự liên quan áp dụng hình phạt tử hình và thi hành án tử hình.

Đề án này cần đề xuất giải pháp giảm bớt tội danh bị áp dụng hình phạt tử hình, tăng cường áp dụng biện pháp chuyển đổi từ hình phạt tử hình sang hình phạt tù.

NGHĨA NHÂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/nghien-cuu-dieu-chinh-giam-ap-luc-thu-tuc-thi-hanh-an-tu-hinh-post835981.html