Nghiên cứu đổi mới công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân
Đảng đoàn Quốc hội đã giao Ban Công tác đại biểu nghiên cứu, tham mưu xây dựng Đề án đổi mới công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân.
Nội dung trên được Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề cập khi phát biểu khai mạc Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng Nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024, sáng 25/3.
Ông Trần Thanh Mẫn cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong bài phát biểu kết luận tại Hội nghị tổng kết năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết hướng dẫn về Quy chế làm việc mẫu của HĐND; Nghị quyết liên tịch hướng dẫn về hoạt động tiếp xúc cử tri của HĐND các cấp.
"Đảng đoàn Quốc hội cũng đã giao Ban Công tác đại biểu đang nghiên cứu, tham mưu xây dựng Đề án đổi mới công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận, sớm ban hành để tổ chức thực hiện", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nói.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Trần Thanh Mẫn, qua theo dõi thực tiễn và qua báo cáo của HĐND các tỉnh, thành phố, hoạt động của HĐND ở một số nơi còn có những hạn chế về chất lượng các kỳ họp; chưa có biện pháp kiên quyết, hữu hiệu, thực hiện kịp thời, đầy đủ các nội dung kiến nghị sau giám sát.
Bên cạnh đó, việc tổng hợp, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri ở một số địa phương còn chậm; công tác chỉ đạo chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin chưa bảo đảm tiến độ, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; có lúc, có nơi sự phối hợp công tác giữa các cơ quan chưa thật sự chặt chẽ, đây là những vấn đề cần phải quyết tâm khắc phục.
Lưu ý năm 2024 là năm "tăng tốc", có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2026 - 2031, ông Mẫn nhấn mạnh, cả hệ thống chính trị phải xác định tinh thần và hành động như trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp kỷ niệm 94 năm thành lập Đảng.
Đó là: trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo, tích cực kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc; coi trọng chất lượng và hiệu quả thực tế; tạo đột phá để phát triển.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho hay, trong sự phát triển toàn diện của Thủ đô, HĐND TP Hà Nội chủ động, tích cực, trách nhiệm trong việc cụ thể hóa các chủ trương, mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp.
Đề cập đến kết quả, ông Đinh Tiến Dũng nêu rõ, bộ máy tổ chức, các hoạt động quan trọng của HĐND TP Hà Nội đều được chuẩn hóa theo các quy chế, quy trình, đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, nâng cao chất lượng.
"Hoạt động giám sát lan tỏa sự đổi mới, thực chất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả theo đúng Nghị quyết số 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nội dung giám sát được lựa chọn kỹ lưỡng, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề quan trọng, cấp thiết, được cử tri quan tâm như: dự án chậm triển khai, quản lý tài sản công, cải cách hành chính, chuyển đổi số, lĩnh vực môi trường, xử lý nước thải, rác thải, việc đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các khu đô thị…", ông Đinh Tiến Dũng nói.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, việc tái giám sát cũng được chú trọng, các giải pháp, cam kết, lộ trình được cụ thể và công khai; quyết tâm đi đến tận cùng vấn đề, giải quyết triệt để các nội dung giám sát.
"Thông qua hoạt động giám sát của HĐND, TP Hà Nội đã đánh giá nghiêm túc việc thực hiện các quy định pháp luật, kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập và từ đó đề xuất thúc đẩy đầu tư, các cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của thành phố", Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhận định.