Nghiên cứu 'hiệu ứng kiến lười' phát hiện điều cực ý nghĩa trong cuộc sống

'Hiệu ứng kiến lười' sẽ mang lại cho bạn một góc nhìn mới về những người được cho là lười biếng trong công việc.

"Hiệu ứng kiến lười" là gì?

Nhóm nghiên cứu sinh của Đại học Hokkaido, Nhật Bản đã tiến hành nghiên cứu một nhóm kiến đen. Họ chia đàn kiến thành 3 nhóm, mỗi nhóm 30 con và quan sát hành vi của chúng.

Sau một thời gian, họ phát hiện hầu hết các con kiến đều làm việc chăm chỉ, luôn tìm kiếm thức ăn. Chỉ một số con không có việc gì làm. Các nhà nghiên cứu đánh dấu những con kiến này lại và gọi chúng là “kiến lười”.

Họ cắt nguồn thức ăn của toàn bộ đàn kiến. Điều thú vị là vào lúc này, những con kiến chăm chỉ lại không biết phải làm thế nào, trong khi “kiến lười” tiến lên phía trước, dẫn đàn kiến tới nơi có đồ ăn mà chúng biết.

Hóa ra “kiến lười” luôn nhìn quanh quan sát, không ngừng tìm kiếm nguồn thức ăn mới. Khi đàn kiến gặp khủng hoảng lương thực, chúng lập tức đóng vai trò quan trọng trong việc chỉ dẫn đàn kiến vượt qua khó khăn.

Đây chính là “hiệu ứng kiến lười”, ám chỉ việc lười biếng nhưng thực chất là đang phát huy sức mạnh của não bộ.

Ảnh: News

Ảnh: News

Hiểu sai về "hiệu ứng kiến lười"

Bill Gates từng nói: “Tôi thường giao cho một người lười làm những việc khó khăn, vì người lười thường tìm ra những cách dễ dàng để hoàn thành nhiệm vụ”.

Có thể khi nghe thấy câu trên của Bill Gates, nhiều người vui mừng, cho rằng sự lười biếng của mình hóa ra cũng có ích. Điều đó dẫn tới việc nhiều người hiểu lầm về "hiệu ứng kiến lười", khi nghĩ càng lười càng thông minh.

Thực tế hoàn toàn ngược lại. Những người lười mà thông minh, là do họ suy nghĩ quá nhiều, thích phân tích vấn đề, nên không có nhiều thời gian xử lý những việc khác và trở nên lười biếng trong các công việc thông thường.

Vì vậy, không thể nói vì lười nên thông minh, mà phải nói những người thông minh, chỉ thích dùng trí não để suy nghĩ nên mới lười.

Người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg có hàng chục chiếc áo phông màu xám giống hệt nhau trong tủ quần áo của mình. Nhiều người cho rằng, anh lười tới mức không muốn phối đồ nên mới thành công.

Trên thực tế, Mark Zuckerberg thành công là do phải suy nghĩ quá nhiều, thậm chí tới mức không còn thời gian để xem nên mặc quần áo gì.

Nhiều người thành công có bàn làm việc rất bừa bộn, không phải vì họ lười không muốn dọn dẹp, mà bởi họ không có thời gian dọn dẹp.

Hiệu ứng kiến lười và sử dụng nhân sự

Khi tuyển dụng nhân sự, doanh nghiệp cần vừa chọn những "kiến chăm", không ngại khó khăn, vừa chọn cả những "kiến lười" có tầm nhìn chiến lược, luôn giữ được tư duy rõ ràng về những vấn đề lớn.

Đặc biệt, các nhà quản lý cần tập trung phát triển những “kiến lười" trong một vài lĩnh vực chủ chốt.

Microsoft có nhiều viện nghiên cứu trên toàn cầu, tập hợp những nhà khoa học thiên tài. Họ chuyên tìm hiểu những vấn đề, kiểu như "nếu một hòn đá nhỏ rơi trên mặt nước, những gợn sóng sẽ lan rộng ra như thế nào".

Mặc dù thường bị đánh giá không có tính thực tiễn, nhưng chính những nghiên cứu này cuối cùng lại được chuyển hóa vào các sản phẩm, tạo ra giá trị rất lớn.

Phan Hằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nghien-cuu-hieu-ung-kien-luoi-phat-hien-dieu-cuc-y-nghia-trong-cuoc-song-2305280.html