Nghiên cứu khoa học là đam mê và đích đến
Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở tuổi 32, được công nhận chức danh Phó giáo sư khi 36 tuổi, là trưởng khoa trẻ tuổi nhất của Đại học Bách khoa, đó là PGS. TS. Lê Tiến Dũng (sinh năm 1981), Trưởng Khoa Điện, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, một người con của quê hương Quảng Trị.
“Đi để học hỏi, trở về để ứng dụng”
Tốt nghiệp loại giỏi Khoa Điện, ngành Tự động hóa xí nghiệp công nghiệp Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Lê Tiến Dũng được tuyển dụng vào công tác tại Bộ môn Tự động hóa, Khoa Điện Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng. Cơ duyên gắn bó với Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, với Lê Tiến Dũng cũng là một sự may mắn tình cờ: “Vào thời điểm tốt nghiệp, có một thầy lúc đó là Trưởng ban tổ chức cán bộ của Đại học Đà Nẵng ra công tác ở Hà Nội và nhờ các thầy ở Đại học Bách khoa Hà Nội giới thiệu một số sinh viên giỏi để tuyển dụng về Đại học Bách khoa Đà Nẵng làm giảng viên. Tôi và một bạn nữa được chọn và sau một thời gian thực hiện các thủ tục tuyển dụng thì bắt đầu công tác tại trường”.
Trở thành giảng viên đại học, Lê Tiến Dũng càng ý thức phải nỗ lực trau dồi chuyên môn, học hỏi thêm kiến thức, tích cực nghiên cứu chuyên sâu để không chỉ đáp ứng yêu cầu giảng dạy mà còn khám phá năng lực của bản thân. Năm 2009, thời điểm gần tốt nghiệp thạc sĩ, Lê Tiến Dũng nộp hồ sơ xin học bổng tiến sĩ của Trường Đại học Ulsan, Hàn Quốc. Sự nỗ lực cũng được đền đáp, tháng 9/2009, Dũng bắt đầu chương trình đào tạo tiến sĩ, nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm hệ thống robot thông minh của Khoa Điện, Trường Đại học Ulsan, Hàn Quốc với học bổng toàn phần. Ban đầu, chi phí học tập của anh được đài thọ bởi Trường Đại học Ulsan. Lựa chọn đề tài luận án tiến sĩ là “Nghiên cứu động học, động lực học và điều khiển thông minh cho tay máy robot song song phẳng 2 bậc tự do”, Lê Tiến Dũng vinh dự nhận được chi phí tài trợ nghiên cứu đề tài của dự án BK 21 (Brain Korea 21 - Trí tuệ Hàn Quốc thế kỉ 21) của Chính phủ Hàn Quốc. Đây là dự án đặc biệt của Chính phủ Hàn Quốc đầu tư cho các trường đại học xuất sắc, các viện nghiên cứu tiềm năng, đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn, tập trung đầu tư các dự án hợp tác giữa công nghiệp với trường đại học, giúp cho các nhà nghiên cứu có một môi trường học thuật tốt… từ đó nâng cao năng lực nghiên cứu của các trường đại học..
Với thành công trong việc đề xuất thuật toán điều khiển mới, nâng cao chất lượng điều khiển cho tay máy robot song song phẳng 2 bậc tự do, giúp hệ điều khiển có khả năng tự học online, Lê Tiến Dũng được giáo sư của Trường Đại học Ulsan đề nghị ở lại tiếp tục làm nghiên cứu sau tiến sĩ. Tuy nhiên, anh đã từ chối để trở về Việt Nam, tiếp tục công việc nghiên cứu và giảng dạy tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, mong muốn hoàn thành tâm nguyện ứng dụng những kết quả nghiên cứu khoa học thành thực tiễn trong đời sống. “Có cơ hội được học hỏi nhiều kiến thức mới ở nước ngoài là một cơ hội tốt, và tôi muốn mang những điều mình được học trở về nước để tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng vào thực tiễn công việc trước mắt, vẫn còn nhiều thời gian và cơ hội cho việc học tiếp sau này”, Dũng chia sẻ giản dị khi được hỏi tại sao không tận dụng cơ hội ở lại nghiên cứu sau tiến sĩ.
PGS. TS. Lê Tiến Dũng, trưởng khoa trẻ nhất của Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Ảnh: NVCC
Chế tạo thành công các mô hình robot thực nghiệm
Đối với lĩnh vực mà mình dày công theo đuổi là nghiên cứu điều khiển tay máy robot công nghiệp, Dũng đặc biệt có một sự đam mê và yêu thích kì lạ và luôn nỗ lực tìm tòi, sáng tạo, khám phá cái mới. Anh cho biết, đối với tay máy robot song song, có nhiều ứng dụng quan trọng trong thực tiễn như trong gia công cơ khí chính xác, trong các bộ mô phỏng chuyển động, trong robot phẫu thuật, phát triển robot giống người…. Chính vì vậy, vấn đề nâng cao chất lượng điều khiển tay máy robot song song đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, nhiều công ty, trường đại học trên thế giới. “Thực tế lĩnh vực nghiên cứu mà tôi đang theo đuổi vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam, những đóng góp về mặt khoa học của tôi chủ yếu là các bài báo quốc tế, được các nhà khoa học quốc tế tham khảo ứng dụng nhiều. Tuy nhiên tôi nhận thấy mặc dù Việt Nam vẫn chưa có một ngành công nghiệp robot thực sự nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp, viện, trường trong nước đã thực hiện thành công một số sản phẩm robot được thị trường đón nhận. Đó là bước khởi đầu rất cần thiết để đón đầu cuộc cách mạng 4.0 đang tới gần”, Dũng chia sẻ.
Sau khi có được những kết quả thử nghiệm từ mô phỏng, Lê Tiến Dũng cùng với các cộng sự đã tiến hành chế tạo mô hình thực nghiệm của robot. Cho đến nay đã chế tạo thành công được 2 mô hình robot thực nghiệm: Một mô hình robot song song 2 bậc tự do tại Phòng thí nghiệm robot thông minh, Trường Đại học Ulsan, Hàn Quốc và một mô hình robot song song 3 bậc tự do tại Khoa Điện, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng. Các mô hình này đã góp phần phục vụ cho quá trình nghiên cứu, học tập của sinh viên và nghiên cứu sinh hệ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại khoa.
Đầu năm 2019, PGS. TS. Lê Tiến Dũng được bổ nhiệm là Trưởng khoa Điện khi vừa tròn 38 tuổi, là trưởng khoa trẻ tuổi nhất hiện nay của Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng. Chia sẻ về những dự định trong tương lai, PGS. TS. Lê Tiến Dũng cho biết: “Hiện nay, tôi đang cùng với các cán bộ viên chức khoa Điện thực hiện việc vận hành một cách chất lượng và tiếp tục cải tiến các chương trình đào tạo của khoa theo hướng hiện đại, đạt chuẩn quốc tế AUN và tiếp cận chuẩn quốc tế ABET. Chú trọng đến hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ song song với hoạt động giảng dạy, tăng cường hợp tác quốc tế để mở ra nhiều cơ hội nghiên cứu, học tập cho sinh viên”.
Hiện tại, PGS. TS. Lê Tiến Dũng đang xây dựng đề án để thành lập một Phòng thí nghiệm nghiên cứu về robot tại Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng. Trong quá trình công tác của mình, PGS. TS. Lê Tiến Dũng đã công bố nhiều bài báo trong nước và nhiều bài báo khoa học quốc tế thuộc danh mục ISI/SCOPUS cũng như chủ trì nhiều đề tài NCKH các cấp. Anh đã được trao tặng giải thưởng “Bài báo hay nhất” tại Hội nghị toàn quốc lần thứ 2 về Điều khiển và tự động hóa năm 2013 tại Việt Nam, giải thưởng “Bài báo hay nhất” tại Hội nghị quốc tế lần thứ 15 về Tính toán thông minh năm 2019 tại Trung Quốc. Với những cống hiến trong công tác, PGS.TS Lê Tiến Dũng vinh dự là một trong ba nhà khoa học của Đại học Đà Nẵng tham gia sự kiện Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ 70 nhà khoa học trẻ tiêu biểu năm 2015.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=145619