Nghiên cứu khoa học: Nâng cao giá trị quả mít

Mít là loại cây đã được trồng từ lâu tại Hữu Lũng và trở thành sản phẩm đặc sản của huyện. Tuy nhiên, hiện nay mít chủ yếu được sử dụng ăn tươi là chính, do đó, từ tháng 6/2021 đến tháng 5/2023, nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng đã triển khai dự án đề tài 'Ứng dụng công nghệ chế biến mít sấy dẻo và sản xuất phân vi sinh từ phụ phẩm của quả mít' góp phần nâng cao giá trị của quả mít trên địa bàn huyện Hữu Lũng.

Thành viên nhóm thực hiện đề tài kiểm tra chất lượng mít trước khi tiến hành sấy

Thành viên nhóm thực hiện đề tài kiểm tra chất lượng mít trước khi tiến hành sấy

Huyện Hữu Lũng có diện tích mít lớn nhất toàn tỉnh với hơn 110 ha, trong đó, 77 ha đang cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 740 tấn/ha. Những năm gần đây, mít Hữu Lũng được người tiêu dùng ưa chuộng nên giá bán ổn định từ 15-20 nghìn đồng/kg. Mỗi năm, diện tích trồng mít ở Hữu Lũng tăng từ 20-30 ha. Để nâng cao giá trị nông sản, Sở Khoa học và Công nghệ đã đưa việc nghiên cứu, phát triển các sản phẩm từ quả mít vào nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, đồng thời tuyển chọn Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng làm cơ quan chủ trì nghiên cứu. Thông qua tuyển chọn, nhóm nghiên cứu do Thạc sĩ Đoàn Thị Bắc, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng làm chủ nhiệm đã triển khai đề tài “Ứng dụng công nghệ chế biến mít sấy dẻo và sản xuất phân vi sinh từ phụ phẩm của quả mít” với mục tiêu phát triển sản phẩm mít sấy dẻo và tận dụng phần bỏ đi chế biến làm phân hữu cơ vi sinh.

Từ tháng 7 đến tháng 8/2022, nhóm nghiên cứu đã sản xuất được 200 kg mít sấy dẻo thành phẩm và hơn 1.000 kg phân bón hữu cơ vi sinh thành phẩm. Sau khi bán ra thị trường số tiền lãi thu được từ sản phẩm mít sấy dẻo và phân hữu cơ vi sinh là hơn 40 triệu đồng.

Thạc sĩ Đoàn Thị Bắc cho biết: Quả mít để sấy dẻo được thu hái trong tháng 7 tại những cây tuyển chọn từ các xã Đồng Tân, Cai Kinh, Minh Sơn, Sơn Hà, Minh Tiến của huyện Hữu Lũng. Chúng tôi lựa chọn công nghệ sấy lạnh để tạo ra sản phẩm mít sấy dẻo vì không sử dụng dầu chiên hay nhúng qua dầu, không có hiện tượng caramel hóa, mà làm giảm lượng nước trong múi mít một cách tự nhiên. Đặc biệt, khi dùng nhiệt độ thấp để sấy mít thì hương vị và các thành phần dinh dưỡng có lợi của mít được giữ lại một cách trọn vẹn nhất.

Mít được chọn để sấy dẻo là giống mít dai, trọng lượng từ 9-14 kg/quả, thu hoạch khi quả bắt đầu mềm, vỏ quả có màu vàng xanh, gai phẳng, bắt đầu có mùi thơm, không có eo lõm, không bị sâu bệnh. Để tạo ra sản phẩm mít sấy dẻo nhóm nghiên cứu đã tiến hành hàng chục thí nghiệm để xác định ảnh hưởng độ chín khi thu hái, kỹ thuật chế biến, kỹ thuật sơ chế, xử lý hình dạng, ảnh hưởng của muối ngâm, nhiệt độ nước chần, nhiệt độ sấy, thời gian sấy… đến chất lượng sản phẩm mít sấy dẻo. Trên cơ sở đó đã đưa ra bộ tiêu chuẩn đối với nguyên liệu đầu vào cũng như quy trình chế biến sản phẩm.

Phần múi mít dùng để chế biến sản phẩm mít sấy dẻo chỉ chiếm 20 – 25% quả mít, phần xơ, vỏ, hạt còn lại thường bị bỏ đi gây lãng phí, vì vậy, việc sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm mít là cần thiết. Phân hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm của quả mít được tạo ra bằng cách trộn phụ phẩm của quả mít với chế phẩm vi sinh Bacillus, chế phẩm EM, phân chuồng hoai mục, phân xanh ủ hoai, lân, ure, kali và vôi bột theo tỷ lệ nhất định rồi tiến hành ủ từ 45 đến 50 ngày đến khi các nguyên liệu hoai hoàn toàn, tơi xốp, không có mùi hôi là hoàn thành sản phẩm phân hữu cơ vi sinh. Phân hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm quả mít cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho cây, các chất mùn hữu cơ, tăng cường hệ vi sinh vật hữu ích cho đất. Kích thích cây sinh trưởng mạnh, giúp tăng năng suất và chất lượng. Cải tạo và nâng cao độ phì nhiêu cho đất, tăng kết cấu và độ bền cho đất, hạn chế rửa trôi, giữ ẩm tốt, phù hợp cho các vùng trồng rau và cây ăn quả.

Bà Ngô Thị Tâm, xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng cho biết: Gia đình tôi có vườn mít trên 250 cây giống bản địa, mỗi năm thu được khoảng 5 tấn quả. Mít thường chín rộ trong khoảng hơn 1 tháng nên đầu ra gặp nhiều khó khăn, nhiều khi thương lái thu mua trả giá rất rẻ. Nếu trên địa bàn huyện có cơ sở chế biến mít thì người trồng mít như gia đình tôi sẽ giảm được mỗi lo đầu ra mỗi khi mùa mít đến.

Ông Trần Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng khoa học nghiệm thu đề tài “Ứng dụng công nghệ chế biến mít sấy dẻo và sản xuất phân vi sinh từ phụ phẩm của quả mít” cho biết: Sau 2 năm triển khai đề tài, nhóm thực hiện đã xây dựng được bộ tiêu chuẩn cơ sở sản phẩm mít sấy dẻo; quy trình chế biến mít sấy dẻo bằng công nghệ sấy lạnh; quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm của quả mít. Cùng đó, nhóm đã xây dựng được mô hình chế biến mít sấy dẻo, sản xuất phân hữu cơ vi sinh; thiết kế bao bì, nhãn mác cho sản phẩm. Đây là kết quả rất ý nghĩa trong việc nâng cao giá trị của quả mít trên địa bàn huyện Hữu Lũng.

Từ tháng 7 đến tháng 8/2022, nhóm nghiên cứu đã sản xuất được 200 kg mít sấy dẻo thành phẩm và hơn 1.000 kg phân bón hữu cơ vi sinh thành phẩm. Sau khi bán ra thị trường số tiền lãi thu được từ sản phẩm mít sấy dẻo và phân hữu cơ vi sinh là hơn 40 triệu đồng. Nếu sản xuất ở quy mô lớn, cải thiện hiệu suất sấy cũng như giảm chi phí đầu vào thì hiệu quả kinh tế sẽ còn cao hơn. Với ý nghĩa mà đề tài mang lại, tháng 6/2023, Hội đồng Khoa học tỉnh đã tiến hành nghiệm thu đề tài.

HOÀNG VƯƠNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/khoa-hoc-tin-hoc/612403-nghien-cuu-khoa-hoc-nang-cao-gia-tri-qua-mit.html