Nghiên cứu khoa học: Người có thói quen này khi ngủ về già dễ mất trí nhớ
Nằm mơ là hiện tượng sinh lí bình thường của con người, tuy nhiên, nếu thường xuyên nằm mơ thấy ác mộng thì chắc chắn cơ thể bạn không hề khỏe mạnh.
Mới đây, tạp chí Lancet đã công bố kết quả của nghiên cứu: người thường xuyên gặp ác mộng, ít nhất 1 lần/tuần, dễ mắc chứng mất trí nhớ, đặc biệt ở nam giới. Các nhà nghiên cứu đã quan sát 3 nhóm đối tượng để tìm hiểu mối liên hệ giữa sự xuất hiện của những cơn ác mộng và sự suy giảm nhận thức ở người trung niên và người cao tuổi.
Cụ thể, đối với nhóm người ở độ tuổi trung niên, hơn 7.000 người Mỹ trưởng thành, từ 35 - 64 tuổi, không mắc các bệnh về suy giảm trí nhớ đã tham gia nghiên cứu này từ năm 1995. Trong đó, 605 tình nguyện viên đã được sàng lọc. Đối với nhóm nam cao tuổi, trong số 5994 nam giới từ 65 tuổi trở lên tham gia, có 1125 tình nguyện viên đã được sàng lọc. Còn đối với nhóm nữ cao tuổi, trong số 10.366 nữ giới trên 65 tuổi, có 1475 tình nguyện viên đã được sàng lọc.
Trong mỗi nhóm, sẽ có khoảng 6% tình nguyện viên gặp ác mộng ít nhất 1 lần/tuần. Sau 13 năm theo dõi, nhóm trung niên có 14,9% tình nguyện viên bị suy giảm nhận thức còn ở nhóm người cao tuổi, có 9% tình nguyện viên được chẩn đoán mắc bệnh sau 7 năm theo dõi. Vì thế, các nhà nghiên cứu khẳng định tần suất gặp ác mộng có liên quan đến chứng suy giảm nhận thức; ở đàn ông tỉ lệ này cao gấp 5 lần so với những người bình thường còn ở phụ nữ, tỉ lệ cao hơn 1,5 lần.
Nếu mắc phải chứng bệnh này, bệnh nhân dễ mắc sai lầm trong những việc cực kỳ đơn giản như đi lạc đường, quên đồ... hay khả năng giao tiếp dần sa sút. Nếu tình trạng này kéo dài thì dễ dẫn tới chứng mất trí nhớ: đột nhiên quên tên người quen, không nhớ mình đã ăn cơm chưa...
Vậy làm thế nào để phòng ngừa bệnh sa sút trí tuệ?
1. Không hút thuốc lá
Nếu một người hút 20 điếu thuốc mỗi ngày, nguy cơ sa sút trí tuệ tăng lên 34%. Tình trạng này có liên quan đáng kể với mức độ và thời gian phơi nhiễm khói thuốc thụ động. Chưa kể, hút thuốc lá làm tăng nguy cơ đột quỵ.
2. Thường xuyên kiểm soát các chỉ số
Nếu quan tâm tới sức khỏe và đặc biệt là "sức khỏe" não, bạn nên thường xuyên quan tâm đến các chỉ số thừa cân béo phì, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid, tăng hoặc hạ đường huyết.
3. Điều chỉnh chế độ ăn uống
Rau củ, trái cây tươi, thịt gia cầm, cá... là những loại thức ăn nên được tập trung bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể. Bên cạnh đó, bổ sung đủ vitamin và chất béo không bão hòa có thể giúp cải thiện tình trạng nhận thức. Và tốt hơn hết, nên hạn chế thực phẩm giàu cholesterol và nhiều đường.