Nghiên cứu kỹ cây xanh thay thế cây bị đốn hạ trong trường học tại TP HCM

Qua thực tế khảo sát của Sở Xây dựng TP HCM tại 21 trường học ở TP, các cây xanh được cắt tỉa chưa đúng kỹ thuật. Về lâu dài các cành, nhành sẽ mọc lại nhiều tại chỗ cắt. Các cành, nhánh này dễ gãy, gây nguy hiểm cho học sinh

Sở Xây dựng vừa có báo cáo về kết quả khảo sát công tác quản lý, chăm sóc cây xanh trong các trường học trên địa bàn TP HCM

Theo đó, từ ngày 27 đến ngày 29-5, Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND một số quận, huyện tiến hành khảo sát công tác quản lý, chăm sóc cây xanh trong các trường học trên địa bàn TP HCM

Qua kết quả khảo sát tại 21 trường học với 432 cây xanh bóng mát, chủ yếu là các loài cây phượng, bàng, bằng lăng, sọ khỉ, dầu, me tây…

Cây xanh trong khuôn viên trường do các trường tự quản lý, chăm sóc. Đa số các trường thực hiện cắt tỉa cây xanh 1 lần/năm.

Tuy nhiên các cây xanh được cắt tỉa chưa đúng kỹ thuật (nhiều trường hợp cây bị cắt trụi cành, nhánh, gây mất mỹ quan và sức sống của cây. Về lâu dài, các cành nhánh sẽ mọc nhiều tại chỗ cắt. Các cành, nhánh này dễ gây nguy hiểm cho học sinh, nhất là đối với các cây cao.

Đa số các cây được trồng trong các bồn xây cao (bồn cao khoảng 30- 60cm), thường được sử dụng làm chỗ ngồi cho các em học sinh. Một số cây trong bồn gốc cây cao có hệ rễ sẽ bị bó trong bồn, rễ khó mọc lan ra bên ngoài (cây sẽ trụ vững hơn khi hệ rễ ăn lan rộng trong đất).

Một số cây xanh có vị trí không thuận lợi, không gian sống bị thu hẹp (bị tòa nhà che chắn ánh sáng, gây nghiêng cây, cây kém phát triển; bị bê tông hóa - không đủ không gian để rể cây phát triển, rễ lan rộng và sâu). Một số trường hợp cây xanh tiềm ẩn nguy cơ rủi ro gãy cành nhánh, ngã đổ cần cắt tỉa, đốn hạ.

Từ thực tế trên, theo Sở Xây dựng, các cây bị sâu bệnh, sam, mục thân, rễ cây bị bó trong bồn, bị cắt rễ, khi thực hiện cải tạo sân trường, làm lại bồn gốc cây... nhà trường cần phải hợp đồng với đơn vị có chuyên môn, năng lực chăm sóc cây xanh để khảo sát cắt tỉa, đốn hạ kịp thời. Theo dõi, kiểm tra kỹ các cây phượng có kích thước lớn, cây bị sâu bệnh, cây được trồng lâu năm (khoảng trên 20 năm), cây trồng trong các bồn xây cao (rễ cây bị bó trong bồn, rễ cây không có dấu hiệu ăn lan rộng trong đất); theo dõi cây Bàng (thường bị sâu róm, gây ngứa nếu học sinh chạm vào); phải đảm bảo các cây cao lớn (Sọ khi, Dầu, Me tây...) được kiểm tra thường xuyên, cắt tỉa tán cây và lấy nhanh khô kịp thời.

Nếu buộc phải đốn hạ ngay các cây nguy hiểm, nên trồng cây thay thế để hạn chế ảnh hưởng đến bóng mát, cảnh quan của trường học (có thể điều chỉnh vị trí trồng mới cho phù hợp). Không nên trồng mới các loài cây thuộc danh mục cấm trồng trên đường phố.

Cây phượng bật gốc trong sân Trường THCS Bạch Đằng (quận 3)

Cây phượng bật gốc trong sân Trường THCS Bạch Đằng (quận 3)

Đối với việc trồng bổ sung hoặc thay thế cây xanh đã đốn hạ: Cần nghiên cứu kỹ đặc tính của chủng loại cây trồng (dạng tán, hệ rễ, chiều cao trưởng thành, đặc tính cành nhánh, hoa, quả...) phù hợp với điều kiện, vị trí dự kiến trồng cây (đất trống, sân bê tông, trong bồn) để cây xanh phát triển đạt hiệu quả về mặt cảnh quan, phát triển lâu dài và đảm bảo an toàn. Ngoài ra, cây xanh trước khi đem trồng phải đảm bảo các tiêu chuẩn cơ bản như: Hệ rễ chính nguyên vẹn, thân cây thẳng, tán lá, phân cành cân đối, cây không có biểu hiện sâu bệnh, vết thương cơ học. Khi trồng cây phải được chống giữ chắc chắn, hố trồng cây rộng, dinh dưỡng đầy đủ; cây sau khi trồng phải được kiểm tra, chăm sóc thường xuyên để đảm bảo an toàn và giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt. Đối với các cây trồng mới và tùy vào điều kiện của từng trường, nên xây bồn gốc cây rộng và độ cao bồn không nên quá 20cm hoặc có thể hạ thấp bằng mặt đất…

Trước đó, tại Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP HCM) xảy ra sự việc đau lòng khi một cây phượng trong sân trường bật gốc đè lên nhiều học sinh, trong đó một em tử vong.

Đặng Trinh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/nghien-cuu-ky-cay-xanh-thay-the-cay-bi-don-ha-trong-truong-hoc-tai-tp-hcm-20200609174046627.htm