Nghiên cứu kỹ phạm vi sửa đổi của dự án Luật Thống kê
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, chiều 15-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê.
Sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Luật Thống kê gồm 9 chương, 72 điều và 1 Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia. Đến nay, các điều theo quy định của Luật Thống kê vẫn giữ nguyên giá trị, phù hợp với các quy định hiện hành, không cần thiết phải sửa đổi, bổ sung. Còn Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê gồm 20 nhóm với 186 chỉ tiêu. Trong bối cảnh mới, đặc biệt là sự thay đổi nhanh chóng của kinh tế số, xã hội số và sự tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 thì Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, nhằm cung cấp thông tin thống kê chính xác, khách quan, kịp thời, phản ánh đúng, đầy đủ tình hình kinh tế - xã hội của đất nước phục vụ Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong việc hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô; đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin thống kê quốc gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và đáp ứng yêu cầu so sánh quốc tế, việc sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê là cần thiết.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục Chỉ tiêu Thống kê quốc gia của Luật Thống kê sẽ trình Quốc hội khóa XV xem xét cho ý kiến thông qua theo thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ 2 (tháng 10-2021).
Tuy nhiên, về phạm vi sửa đổi của dự án luật, hiện đang có hai loại ý kiến. Trong đó, báo cáo tổng hợp ý kiến các cơ quan, tổ chức cho thấy, đa số ý kiến nhất trí với đề nghị chỉ xem xét, sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê để trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình một kỳ họp. Đồng thời, Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu, đánh giá tổng thể, toàn diện 5 năm thực hiện Luật Thống kê để trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung một số điều hoặc sửa toàn diện trong thời gian tới.
Song song đó, loại ý kiến thứ hai cho rằng cần thiết sửa đổi một số điều hoặc toàn diện Luật Thống kê do nhận định việc phối hợp thực hiện công tác thống kê, chia sẻ thông tin thống kê chưa hiệu quả; nhiều bộ, ngành chưa ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê, chế độ báo cáo thống kê...
Cân nhắc kỹ phạm vi sửa đổi
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu 7 lý do cần sửa đổi Luật Thống kê, chứ không chỉ đơn thuần là sửa phụ lục danh mục.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Luật Thống kê hiện hành chưa quy định rõ chế độ kiểm toán nhà nước với thống kê nhà nước và kiểm toán với các dịch vụ thống kê ngoài nhà nước; chế độ giám sát của Quốc hội về số liệu thống kê quốc gia. Cùng với đó, chưa có quy định cụ thể về dịch vụ thống kê, hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê; trong khi thông lệ quốc tế quy định cái này rất phổ biến. Ngoài ra, cơ quan thống kê Nhà nước chưa phát triển dịch vụ cung cấp thông tin thống kê; việc gia tăng giá trị thông tin thống kê còn rất hạn chế.
“Số liệu phải biết nói, nói cái gì. Các báo cáo thống kê, cung cấp dịch vụ thống kê, cung cấp thông tin thống kê trong luật còn vắng bóng”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng luật hiện hành cũng chưa làm rõ trách nhiệm của cơ quan thống kê Trung ương (là Tổng cục Thống kê) và các cục thống kê địa phương cũng như trách nhiệm phối hợp của cơ quan thống kê bộ, ngành liên quan đến việc cung cấp các thông tin thống kê trọng yếu. Ngay trong phụ lục thống kê, Chủ tịch Quốc hội cho rằng chưa có chỉ tiêu phản ánh liên kết kinh tế vùng và liên kết kinh tế ngành. Trong điều kiện công nghệ thông tin và khoa học phát triển như vũ bão ngày nay, điều tra thống kê vẫn dùng kỹ thuật điều tra, chọn mẫu, phương sai... nên có những sai số khá lớn...
Kết luận nội dung thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê của Chính phủ còn nhiều bất cập, chưa tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc hiện nay.
Trong đó, nhiều nội dung chưa làm rõ dẫn đến chưa có cơ sở đánh giá chỉ chỉnh sửa Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia mà không sửa Luật Thống kê hay không. Trong khi đó, thời gian từ nay đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV không còn nhiều. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế để làm rõ các vấn đề trong báo cáo thẩm tra, ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào phiên họp tháng 10 tới.