Nghiên cứu mới chứng minh tôm hùm, cua, bạch tuộc cũng có tri giác, Anh khuyến nghị cấm luộc sống
Một nghiên cứu ở Anh đã phát hiện ra rằng bạch tuộc, cua và tôm hùm cũng có cảm xúc. Điều này khiến những loài động vật này được thêm vào danh sách của dự luật bảo vệ cảm xúc động vật
Chính phủ Anh giới thiệu một dự luật mới nhằm công nhận động vật là những sinh vật có cảm giác, tức chúng cũng có những cảm xúc như niềm vui, đau đớn và sợ hãi, từ đó đề ra kế hoạch hành động để bảo vệ thú nuôi, động vật hoang dã và gia súc ở cả trong và ngoài nước.
Kế hoạch hành động vì phúc lợi động vật bao gồm việc cấm nuôi các loài linh trưởng làm thú nuôi và dừng quảng cáo trong nước cho các hoạt động như cưỡi voi ở nước ngoài. Ngoài ra, luật cũng hướng đến giải quyết nạn buôn lậu chó cưng, áp dụng gắn chip cho mèo và cấm nhập khẩu động vật được săn bắn với mục đích giải trí cùng nhiều quy định khác.
Theo nghiên cứu từ Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE), có bằng chứng khoa học mạnh mẽ chứng minh rằng những loài động vật giáp xác và không xương cũng biết đau đớn và bị tổn thương.
Chính phủ Anh đã xác nhận điều này có nghĩa là chúng sẽ được công nhận là loài vật cần được bảo vệ trong một dự luật sắp được ban hành trong tương lai có các tiêu chuẩn cao về phúc lợi động vật.
Chính phủ Anh đã ủy quyền cho nghiên cứu độc lập do LSE thực hiện, vì đến nay các loài giáp xác ăn thịt bao gồm tôm hùm, tôm càng và động vật không xương như bạch tuộc, mực vẫn chưa được công nhận theo Dự luật Phúc lợi Động vật (Sentience) dù chúng có hệ thống thần kinh trung ương phức tạp, một trong những dấu hiệu quan trọng của sự nhạy cảm.
Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề Nông thôn Anh (Defra) sẽ thảo luận để sửa đổi dự luật trước khi nó được Quốc hội thông qua.
Tiến sĩ Jonathan Birch, Phó giáo sư tại Trung tâm Triết học Khoa học Tự nhiên và Xã hội của LSE và là điều tra viên chính của dự án Nền tảng của Tình cảm Động vật, cho biết: “Tôi rất vui khi thấy chính phủ Anh đã thực hiện một khuyến nghị quan trọng trong báo cáo của chúng tôi. Sau khi xem xét hơn 300 nghiên cứu khoa học, chúng tôi kết luận rằng động vật thân mềm cephalopod và động vật giáp xác ăn thịt nên được coi là có tri giác, do đó chúng phải được bảo vệ bởi luật phúc lợi động vật. Việc sửa đổi này sẽ giúp loại bỏ sự mâu thuẫn lớn: Bạch tuộc và các loài động vật không xương khác đã được khoa học bảo vệ trong nhiều năm nhưng vẫn chưa nhận được bất kỳ sự bảo vệ nào ở ngoài đời thật cho đến nay. Đây là một cách mà nước Anh có thể dẫn đầu về quyền lợi động vật là bảo vệ những loài động vật không xương mà con người hay coi thường”.
Báo cáo cũng xem xét các tác động phúc lợi tiềm năm của các hoạt động thương mại hiện nay liên quan đến những loài động vật này.
Báo cáo đã khuyến nghị chống lại việc bán động vật giáp xác đuôi dài sống cho những người chế biến không được đào tạo, không có chuyên môn cao và có phương pháp giết mổ khắc nghiệt như luộc sống mà không gây choáng.
Song, Defra cho biết dự luật này “sẽ không ảnh hưởng đến bất kỳ luật hiện hành nào hoặc các hoạt động công nghiệp như đánh bắt cá”.
“Sẽ không có tác động trực tiếp đến ngành đánh bắt động vật có vỏ hoặc các nhà hàng. Thay vào đó, việc này nhằm đảm bảo quyền lợi của động vật được cân nhắc tốt trong quá trình đưa ra quyết định trong tương lai”, Defra cho biết.
Bộ trưởng về phúc lợi động vật - Lord Goldsmith cho biết: “Anh luôn dẫn đầu về phúc lợi động vật và kế hoạch hành động vì quyền lợi động vật của chúng tôi còn tiến xa hơn khi đề ra những biện pháp bảo vệ tốt nhất trên thế giới cho vật nuôi và động vật hoang dã. Dự luận Phúc lợi Động vật sẽ đảm bảo rằng sức khỏe của động vật được xem xét một cách đúng đắn khi xây dựng luật mới. Khoa học hiện đã phát hiện ra các loại động vật giáp xác và không xương đều có cảm xúc, nên chúng cần được bảo vệ”.
Sau khi trở thành luật, dự luật sẽ thành lập Ủy ban Tình cảm Động vật. Ủy ban này sẽ công bố báo cáo về các quyết định của chính phủ Anh trong việc bảo vệ quyền lợi của động vật có tri giác như thế nào và các bộ trưởng phải phản hồi trước Quốc hội.