Nghiên cứu mới: Tế bào T có khả năng ghi nhớ lâu với virus SARS-CoV-2
Chuyên gia nhận định dù một vài phần của phản ứng miễn dịch bị giảm sút, nhưng tế bào T vẫn phát hiện virus một cách hoàn toàn ổn định theo thời gian.
Các nhà nghiên cứu tại Viện lây nhiễm và miễn dịch Peter Doherty của Australia đã phát hiện các tế bào T của cơ thể có khả năng ghi nhớ lâu dài đối với COVID-19, bất chấp phản ứng miễn dịch giảm dần theo thời gian.
Công trình nghiên cứu, được công bố trên tạp chí Miễn dịch học tự nhiên hôm 23/3, đã sử dụng công nghệ mới để theo dõi phản ứng của tế bào T ở 21 người đã khỏi bệnh COVID-19 trong 15 tháng cũng như ở 9 người đã được tiêm chủng vaccine nhưng không nhiễm bệnh trong 9 tháng.
Tiến sỹ Jennifer Juno, tác giả chính của nghiên cứu, nhận định dù một vài phần của phản ứng miễn dịch bị giảm sút, nhưng tế bào T vẫn phát hiện virus một cách hoàn toàn ổn định theo thời gian.
Cụ thể, dù có sự sụt giảm ban đầu khi hệ miễn dịch phản ứng ngay sau khi bệnh nhân mắc COVID-19, song các tế bào T đã ổn định sau 6 tháng và duy trì cùng mức độ trong suốt 15 tháng quan sát.
Cũng theo Tiến sỹ Juno, việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 có thể làm tăng mức độ phản ứng của tế bào T lên hơn 30 lần so với trước khi tiêm.
Thậm chí, sau 1 năm, các tế bào T vẫn phản ứng cao hơn 10 lần so với những người chưa từng phơi nhiễm với protein đột biến do lây nhiễm hoặc tiêm vaccine.
Công nghệ mới, được gọi là “tetramers,” giúp xác định những gì tế bào T ghi nhận ở protein đột biến trong nghiên cứu trên.
Tiến sỹ Juno cho biết thông thường sẽ phải kích thích tế bào trong phòng thí nghiệm trước khi đo lường phản ứng của tế bào T.
Tuy nhiên, thông qua “tetramers,” nhóm nghiên cứu có trực tiếp đo được phản ứng trong mẫu máu, đồng nghĩa có được nhận định chính xác về những gì đang diễn ra.
Theo các khoa học, tế bào B sản sinh kháng thể để ghi nhận virus SARS-CoV-2, trong khi tế bào T đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ phát triển phản ứng của tế bào B, tạo ra lượng lớn kháng thể bám chặt virus và ngăn chặn sự lây nhiễm.
Hiện nhóm nghiên cứu đang tìm hiểu về những người đã tiêm chủng nhưng vẫn mắc COVID-19, để tìm hiểu liệu tế bào T có thể được tái kích hoạt tương tự như với người đã tiêm vaccine và các trường hợp lây nhiễm sơ cấp hay không./.