Nghiên cứu phải trở thành một trong 3 trụ cột của trường đại học
Năm 2022, các trường trực thuộc Bộ GD&ĐT công bố hơn 5.000 bài báo, tăng gấp 368 lần so với năm 2017.
Ngày 14/4, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị triển khai hoạt động khoa học và công nghệ năm 2023 tại Trường Đại học Quy Nhơn với sự tham dự của hơn 180 đại biểu. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc chủ trì hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho rằng, kết quả đầu ra của nghiên cứu khoa học phải là công bố khoa học, đặc biệt là các công bố đạt đến chuẩn mực quốc tế. "Những năm gần đây, các trường đại học đã rất chú trọng đến điều này. Bộ GD&ĐT đã bắt đầu khen thưởng cho các tác giả có bài báo quốc tế, tuy số tiền thưởng là không quá lớn nhưng đã có tác dụng động viên, khích lệ. Từ thống kê của Bộ GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học biết được NCKH và công bố quốc tế của trường mình đang ở nhóm nào, vị trí nào trong toàn hệ thống", Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho hay.
Năm 2022 các trường trực thuộc Bộ công bố 5,061 bài, tăng gấp 368 lần so với năm 2017. Có 6 đơn vị có trên 1000 bài trong 6 năm qua là: 3 ĐH Vùng, ĐH Bách khoa Hà Nội. Trường ĐH Cần Thơ và Trường ĐH Kinh tế TP. HCM số bài đăng trên các tạp chí xếp hạng Q1, Q2 chiếm tỷ lệ cao và ngày càng tăng.
Tỷ lệ bài báo khoa học/cán bộ nghiên cứu có tăng, nhưng vẫn ở mức thấp và không đồng đều. Đến nay mới có 7 đơn vị có tỷ lệ bài báo WoS/Scopus trên 1 cán bộ nghiên cứu đạt trên 0,3 - theo dự thảo chuẩn cơ sở giáo dục đại học.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, không phải gửi ra nước ngoài để đăng ở các tạp chí quốc tế mới tính là công bố quốc tế. Tính đến hết năm 2022, có 10 tạp chí khoa học của các đơn vị trực thuộc Bộ được chỉ mục trong cơ sở dữ liệu Trung tâm Trích dẫn ASEAN – ACI; 2 tạp chí đã đủ điều kiện gia nhập ACI theo đánh giá của các chuyên gia thuộc ACT, 1 tạp chí đã được chỉ mục của WoS và Scopus. Bước đầu đã xây dựng và áp dụng chuẩn mực quốc tế cho các tạp chí khoa học.
Năm 2022, Bộ GD&ĐT và các đơn vị trực thuộc Bộ đã tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ KHCN phục vụ phát triển giáo dục và đào tạo, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Các đơn vị trực thuộc Bộ đã đạt được những chuyển biến nhất định về tiềm lực khoa học và công nghệ, nhất là nhân lực có trình độ tiến sỹ tăng mạnh (24,6%). Nhiệm vụ KHCN các cấp tiếp tục được quan tâm thực hiện, đạt kết quả tương đương các năm trước trong trong bối cảnh nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước có chiều hướng giảm.
Số công bố khoa học quốc tế, công bố trong nước, sáng chế và tài sản trí tuệ tăng dần qua các năm. Nhiều đề tài, nhiệm vụ đã đóng góp quan trọng, thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương. Thông qua hoạt động KHCN, mối quan hệ hợp tác giữa các trường đại học và khu vực doanh nghiệp được tăng cường, hợp tác quốc tế được đẩy mạnh. Trường đại học thu hút thêm được nguồn lực, tạo điều kiện nâng cao năng lực nghiên cứu và tác động tích cực nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KHCN trong các cơ sở giáo dục đại học còn bộc lộ những hạn chế như: kết quả nghiên cứu của các trường vẫn nhỏ lẻ, phân tán, công tác quản lý chưa được sâu sát, cụ thể.
Tác động, ảnh hưởng của các kết quả nghiên cứu còn nhiều hạn chế, như chưa có đóng góp nổi bật cho ngành giáo dục cũng như góp phần tạo chuyển biến thật sự đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Sự gắn kết các cơ sở giáo dục đại học với các viện nghiên cứu trong việc đào tạo nguồn nhân lực và sử dụng kết quả nghiên cứu cho đào tạo còn hạn chế. Việc huy động nguồn lực tài chính từ ngoài ngân sách nhà nước, đặc biệt là từ doanh nghiệp chưa đủ mạnh. Tỉ lệ đề tài, nhiệm vụ không đảm bảo thời hạn, tiến độ nghiên cứu đã cam kết còn lớn.
Mặc dù đã đạt được những bước phát triển đáng kể trong giai đoạn vừa qua nhưng vị trí, vai trò của nghiên cứu khoa học vẫn còn bị xem nhẹ, còn mang tính hình thức. Nghiên cứu chưa thực sự trở thành một trong những trụ cột của trường đại học, gồm khoa học - đào tạo - phục vụ cộng đồng. Chưa phát huy hết năng lực nghiên cứu của đội ngũ giảng viên, đồng thời năng lực nghiên cứu của chính giảng viên còn hạn chế. Tỷ lệ bài báo quốc tế/giảng viên còn ở mức rất thấp trong so sánh với các nước trong khu vực.