Nghiên cứu phát triển các chế phẩm từ hoa thốt nốt

ThS Nguyễn Phạm Tuấn, Trung tâm Công nghệ sinh học An Giang, vừa nghiên cứu, thực hiện thành công đề tài: Nghiên cứu phát triển các chế phẩm có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh từ hoa thốt nốt (borassus flabellifer L.) tại An Giang, giai đoạn 2.

ThS Nguyễn Hoài Vững, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học An Giang cho biết, thốt nốt là loại cây đặc trưng của vùng Bảy Núi, được sử dụng làm các sản phẩm liên quan đến lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm và các sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh…

Hoa thốt nốt đực thường được loại bỏ trong quá trình canh tác để lấy nước và các sản phẩm khác, trong khi đây là nguồn nguyên liệu chứa nhiều hợp chất có khả năng làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm có khả năng hỗ trợ và điều trị bệnh.

 Hoa thốt nốt đực

Hoa thốt nốt đực

Theo ThS Nguyễn Phạm Tuấn, hoa thốt nốt đực của vùng Bảy Núi có chứa nhóm saponin steroid, chủ yếu là spirostan và dioscin. Trong đó, dioscin đã được nghiên cứu có tác dụng chống ung thư và chống viêm rất mạnh trên mô hình thử in vitro (tế bào) và mô hình in vivo.

Các kết quả này gợi ý rằng, chất dioscin là hoạt chất chính mang lại các tác dụng đã được đề cập của hoa thốt nốt đực, nên có thể sử dụng làm chất đánh dấu trong các tiêu chí định tính và định lượng.

Dioscin là một hợp chất steroid, được hình thành khi diosgenis và glucocide liên kết với nhau, thông qua liên kết ß-1,3 glycosidic. Liên kết thủy phân dioscin-diosgenin rất quan trọng, là nền tảng cơ bản trong việc sản sinh nội tiết tố có tác dụng điều trị hiệu quả việc chống nhiễm trùng, các bệnh do virus, bệnh khớp, các bệnh về tim mạch, da liễu. Bên cạnh, các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, dioscin có tác dụng chống ung thư.

Với những lợi ích của việc ứng dụng cây dược liệu trong hỗ trợ và điều trị bệnh, cũng như nguồn nguyên liệu phong phú của địa phương, nên việc nghiên cứu sản xuất các sản phẩm có khả năng hỗ trợ và điều trị bệnh từ hoa thốt nốt là rất cần thiết.

Dựa theo kết quả nghiên cứu khoa học và kết quả nghiên cứu của giai đoạn 1, hoa thốt nốt có tác dụng hạ đường huyết, kháng khuẩn, kháng viêm, giảm đau trong viêm khớp. Việc sản xuất các sản phẩm từ hoa thốt nốt để hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường và bệnh gout có thể giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân và nâng cao đời sống kinh tế của người dân trồng dược liệu…

 Nhóm nghiên cứu thực hiện định lượng hàm lượng dioscin trong cao hoa thốt nốt

Nhóm nghiên cứu thực hiện định lượng hàm lượng dioscin trong cao hoa thốt nốt

Hơn 1 năm nghiên cứu, đề tài “Nghiên cứu phát triển sản phẩm viên nang có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh từ hoa thốt nốt tại An Giang, giai đoạn 2” đã xây dựng quy trình thu hoạch và xử lý nguyên liệu, đánh giá chất lượng của hoa thốt nốt đực, xây dựng quy trình chiết xuất cao nước từ hoa thốt nốt quy mô công nghiệp và bộ tiêu chuẩn kiểm nghiệm cao nước quy mô công nghiệp.

Đồng thời, đề tài cung cấp cơ sở về tính an toàn và tác dụng dược lý của cao hoa thốt nốt đực, qua khảo sát độc tính cấp đường uống, độc tính bán trường diễn và tác dụng hạ glucose huyết in vivo, tác dụng điều trị gout trên mô hình chuột nhắt.

ThS Nguyễn Phạm Tuấn cho biết: “Hoa thốt nốt đực thu ở xã An Cư (TX. Tịnh Biên), hoa trổ vào tháng 12 và khi khoảng 30 ngày kể từ khi trổ ra khỏi thân cây là thời điểm hoa đạt hàm lượng dược chất cao nhất. Quy trình chiết xuất hoa thốt nốt quy mô công nghiệp đã được xây dựng và thực hiện tại Nhà máy sản xuất dược liệu của Công ty Cổ phần Dược phẩm Agimexpharm với các thông số tối ưu”.

Từ đó, nhóm nghiên cứu đã xây dựng bộ tiêu chuẩn kiểm nghiệm cao hoa thốt nốt theo tiêu chuẩn cơ sở (độ ẩm, độ tro toàn phần, hàm lượng kim loại nặng, giới hạn nhiễm khuẩn). Đánh giá được chất lượng của cao về mặt định tính bằng phương pháp hóa học, sắc ký lớp mỏng và xác định hàm lượng hoạt chất dioscin trong cao bằng phương pháp HPLC…

Việc uống cao hoa thốt nốt với liều 1.400mg/kg trong 90 ngày liên tục không ảnh hưởng đến công thức máu, chức năng gan, thận của chuột. Cao hoa thốt nốt ở liều 700mg/kg và 1.400mg/kg khối lượng có hiệu quả kiểm soát glucose huyết, khối lượng ở chuột đái tháo đường trở về tương đương chuột bình thường và thể hiện tác động hạ acid uric cấp tính, mạn tính trên mô hình chuột nhắt gây tăng acid uric bằng kali oxonat.

Cao hoa thốt nốt liều 1.400mg/kg khối lượng có hiệu quả giảm đau và cho thấy, cao hoa thốt nốt như một nguồn cung cấp hợp chất thiên nhiên có tác dụng giảm đau hiệu quả. Cao hoa thốt nốt liều 1.400mg/kg khối lượng đều có tác dụng kháng viêm tương đương với diclofenac liều 5mg/kg và thể hiện tác dụng giảm mức độ phù chân chuột tốt hơn cao hoa thốt nốt liều 700mg/kg khối lượng. Cao hoa thốt nốt có hiệu quả dự phòng viêm cấp tốt hơn điều trị viêm cấp.

Kết quả nghiên cứu tác dụng hỗ trợ điều trị dựa vào các cơ sở khoa học, sẽ tăng giá trị kinh tế của cây thốt nốt. Việc phát triển các chế phẩm từ nguồn dược liệu trong tỉnh góp phần nâng cao nguồn thuốc, giảm chi phí điều trị bệnh và nâng cao đời sống kinh tế của người dân trồng dược liệu.

HẠNH CHÂU

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nghien-cuu-phat-trien-cac-che-pham-tu-hoa-thot-not-a369561.html