Nghiên cứu sáp nhập đàn voi rừng tại Quảng Nam
Sau khi đàn voi rừng 7 con được phát hiện ở Quảng Nam vào năm 2017, nhiều chương trình, dự án đã được vạch ra không chỉ để bảo tồn những cá thể này mà còn nhằm mục đích duy trì một khu bảo tồn dài lâu cho loài động vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Thế nhưng, vẫn còn đó nhiều khó khăn, thách thức đặt ra đòi hỏi chính quyền tỉnh Quảng Nam phải có những bước đi thận trọng, đầy cân nhắc.
Sau khi đàn voi rừng 7 con được phát hiện ở Quảng Nam vào năm 2017, nhiều chương trình, dự án đã được vạch ra không chỉ để bảo tồn những cá thể này mà còn nhằm mục đích duy trì một khu bảo tồn dài lâu cho loài động vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Thế nhưng, vẫn còn đó nhiều khó khăn, thách thức đặt ra đòi hỏi chính quyền tỉnh Quảng Nam phải có những bước đi thận trọng, đầy cân nhắc.
Bảo tồn đàn voi hiếm
Voi châu Á được xếp vào loại EN - nguy cấp trong Sách Đỏ thế giới, loại CR - cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam, thuộc nhóm IB - loài nguy cấp quý hiếm cần có chế độ bảo vệ nghiêm ngặt theo Nghị định 32 của Chính phủ. Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 2 đàn voi. Đàn voi thứ nhất có ít nhất 7 con voi rừng sinh sống tại xã Quế Lâm và Phước Ninh (H. Nông Sơn), trong đó có con đực (có ngà), con trung niên và con non. Đàn voi thứ hai có khoảng 4 - 5 con, chưa xác định rõ cấu trúc đàn. Đàn voi này sống biệt lập trong diện tích rừng và đất lâm nghiệp rộng khoảng 26.000 ha tại các xã Tiên Hiệp, Tiên Ngọc, Tiên Lãnh (H. Tiên Phước) và xã Trà Dương (H. Bắc Trà My). Tháng 9-2017, nhận thấy sự tồn tại của những cá thể voi ở Nông Sơn đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa, Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ đã phối hợp cùng Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Quảng Nam thành lập khu bảo tồn voi tại H. Nông Sơn. Sự ra đời của Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Quảng Nam lúc bấy giờ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nhiều loài động thực vật trên thế giới cũng như Việt Nam đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng, rừng tự nhiên ngày càng bị thu hẹp, ảnh hưởng đến nơi sống của các loài động vật, tình trạng săn bắn buôn bán ngà voi ngày càng có chiều hướng gia tăng và khó kiểm soát.
Khu bảo tồn voi có diện tích gần 19.000 ha, nằm trên địa phận hai xã Quế Lâm và Phước Ninh được giao cho kiểm lâm Quảng Nam quản lý, bảo vệ sinh cảnh cho một trong những quần thể cuối cùng của loài voi châu Á đang nguy cấp tại Quảng Nam. Theo ông Ted Osius - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam thì ngoài mục tiêu bảo tồn voi, khu bảo tồn còn là giải pháp nâng cao thu nhập cho nông dân địa phương. Theo đó, sẽ có nhiều chương trình cải thiện các cơ hội sinh kế cho các cộng đồng dân cư sinh sống trong và xung quanh khu bảo tồn, thực hiện giám sát đa dạng sinh học và nâng cao nhận thức về bảo tồn cho người dân địa phương.
Cần thiết di chuyển đàn voi rừng
Trong khi đàn voi rừng tại H. Nông Sơn đang được bảo vệ nghiêm ngặt trong khu bảo tồn thì đàn voi rừng tại H. Tiên Phước, Bắc Trà My không xuất hiện con non từ 10 năm nay, nguy cơ rã đàn là rất cao. Để bảo vệ và hạn chế xung đột của đàn voi, hiện nay, UBND tỉnh đang phối hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tìm ra các giải pháp thiết yếu nhất để bảo vệ số voi này. Trong hội nghị mới đây, UBND tỉnh đề xuất việc di chuyển đàn voi thứ 2 tại H. Bắc Trà My, Tiên Phước về tại Nông Sơn. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, đàn voi này không có voi đực vì vậy khả năng suy thoái đàn sẽ rất cao. Việc nghiên cứu cơ sở khoa học để di chuyển đàn voi từ Bắc Trà My về khu bảo tồn tại Nông Sơn là cần thiết nhằm bảo tồn, tập trung voi một cách hữu hiệu, đồng thời là cơ sở để xây dựng kế hoạch giảm thiểu tác động của xung đột giữa voi và người trên địa bàn tỉnh.
GS-TS Phan Ngọc Minh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, hiện đàn voi có 5 cá thể đang sinh sống tại khu vực giáp ranh ba huyện gồm: Bắc Trà My, Tiên Phước và Hiệp Đức với diện tích khoảng 30.000ha. Chúng hay ra khu vực dân cư và sản xuất hoa màu của người dân nên xảy ra xung đột giữa voi và người. Trong khi đó, đàn voi sống tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Nông Sơn có ít nhất 7 cá thể, gồm con non, trưởng thành và voi già nhưng cũng có thể bị cận huyết. Chính vì vậy đề tài nghiên cứu cơ sở khoa học di dời đàn voi từ Bắc Trà My về Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi là nhiệm vụ cấp bách, cần đưa vào kế hoạch thực hiện trong năm 2020. Tuy nhiên quá trình thực hiện cần hết sức thận trọng vì voi là loài nhạy cảm, việc thay đổi môi trường sống sẽ có tác động rất lớn đến sự sống còn của chúng.
Trước ý kiến của các chuyên gia thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, việc di chuyển đàn voi về khu bảo tồn tại Nông Sơn đã được chính quyền tỉnh Quảng Nam nghĩ đến từ lâu và cũng biết rằng đây là vấn đề khó khăn, phức tạp. Tỉnh đã mời một số chuyên gia của ngành Nông nghiệp, kiểm lâm nghiên cứu và đưa ra một số ý kiến ban đầu nhưng để thực sự bắt tay vào làm thì cần có đề án, nghiên cứu một cách đầy đủ, tổng quát. Từ kết quả nghiên cứu mới có thể quyết định di dời hay không di dời.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_213338_nghien-cuu-sap-nhap-dan-voi-rung-tai-quang-nam.aspx