Nghiên cứu tác động bất lợi của biến đổi hình thái lòng dẫn và hạ thấp mực nước hệ thống đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 26/6, tại Đồng Tháp, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện khoa học Thủy lợi miền Nam tổ chức hội thảo khoa học đề tài cấp Quốc gia về 'Nghiên cứu tác động bất lợi của biến đổi hình thái lòng dẫn và hạ thấp mực nước hệ thống đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đề xuất giải pháp giảm thiểu'.
ĐBSCL có hơn 17 triệu người sinh sống, là vùng canh tác nông nghiệp lớn nhất nước, với sản lượng lúa chiếm trên 52% tổng sản lượng lúa của cả nước. Tuy nhiên, hiện nay, ĐBSCL đang đối mặt với mối đe dọa từ biến đổi khí hậu, dẫn đến tình trạng nước biển dâng, sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học trình bày 5 đề tài nghiên cứu về tác động bất lợi của biến đổi hình thái lòng dẫn ở ĐBSCL, nguyên nhân đầu tiên gây sạt lở hiện nay. Theo đó, các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân gây sạt lở và sự biến động ở ĐBSCL là sự thiếu hụt phù sa về đồng bằng do các đập thủy điện ngăn chặn. Bên cạnh đó, nhu cầu cát phục vụ san lấp nền và xây dựng gia tăng dẫn đến mất cân bằng nghiêm trọng bùn cát ở hạ lưu ven sông, ven bờ biển. Dòng chảy trên sông Mê Kông ngày càng hạ thấp lòng dẫn; khai thát cát... cũng là tác nhân gây ra tình trạng sạt lở.
Về giải pháp giảm thiểu các tác động bất lợi của biến đổi hình thái sông và hạ thấp mực nước, các chuyên gia, nhà khoa học đề xuất giải pháp lâu dài là xây dựng hệ thống quan trắc cố định để theo dõi đánh giá diễn biến lòng dẫn và mực nước thường xuyên. Mặt khác cần có quy hoạch khai thác cát tổng thể dựa trên kết quả tính toán thủy lực, diễn biến lòng dẫn toàn khu vực sông chính; giải pháp chỉnh trị dòng tổng thể trên hệ thống sông chính, phân chia lưu lượng các nhánh hợp lý để tự điều chỉnh và ổn định lòng sông. Bên cạnh đó, giải pháp cấp bách được các chuyên gia đề xuất tại hội thảo là duy tu sửa chữa hạ thấp bể hút, họng bơm, công suất máy, cao trình đặt máy...
Tại hội thảo, các đại biểu còn thảo luận, đề xuất thêm một số giải pháp chống sạt lở khu vực ĐBSCL trong thời gian tới như: hạn chế khai thác cát; nghiên cứu sản xuất cát nhân tạo; xây dựng đập ngăn mặn; trữ nước trong lòng đất không đào thêm ao hồ. Đồng thời cập nhật những công trình cần duy tu sửa chữa để có sự duy tu kịp thời; quy hoạch lại hệ thống lồng bè trên sông Tiền, sông Hậu để trợ lực cho vấn đề chống sạt lở; cần có nghiên cứu quy hoạch cụ thể cho khu vực ĐBSCL...