Nghiên cứu thành công vắc xin sốt rét có thể giảm 70% số ca tử vong vào năm 2030
Các nhà khoa học Anh đã phát triển loại vắc xin mới có thể giảm 70% số ca tử vong do sốt rét vào năm 2030.
Các thử nghiệm lâm sàng ở châu Phi cho thấy, loại vắc xin sốt rét có tên R21/Matrix-M có hiệu quả cao trong việc bảo vệ trẻ em trước căn bệnh này.
Giáo sư Adrian Hill, Giám đốc Viện Jenner tại Đại học Oxford (Anh), người đứng đầu cuộc nghiên cứu, cho biết: "Điều này thực sự thú vị. Con người đã cố gắng tạo ra vắc xin sốt rét trong hơn một thế kỷ. Khoảng 140 loại vắc xin sốt rét khác nhau đã được đưa vào sử dụng. Chúng tôi nghĩ rằng loại vắc xin mới này sẽ tốt hơn bất kỳ loại vắc xin nào trước đây".
Hơn 40 triệu trẻ em sống ở các khu vực của châu Phi cận Sahara có mức độ nhiễm bệnh sốt rét từ trung bình đến cao.
Cứ 75 giây lại có một trẻ em dưới 5 tuổi tử vong vì căn bệnh này, cho dù các biện pháp phòng chống bao gồm sử dụng màn, thuốc phòng ngừa và thuốc diệt côn trùng đã được áp dụng triệt để.
Trong nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm Lancet, các nhà nghiên cứu đã tiêm 3 liều vắc xin R21/Matrix-M cách nhau 4 tuần, với liều tăng cường sau 12 tháng, cho 409 trẻ nhỏ ở Burkina Faso. Kết quả, một năm sau đó cho thấy vắc xin đã ngăn ngừa được 80% các ca bệnh sốt rét. Các nhà nghiên cứu cũng cho biết loại vắc xin này có hiệu quả 44% chống lại sốt rét trong vòng một năm.
Giáo sư Hill cho biết: "Chúng tôi đã tiêm phòng ngay trước khoảng thời gian cao điểm của mùa sốt rét, vì vậy điều đó góp phần tạo ra một chút khác biệt. Nhưng chúng tôi vẫn tin rằng loại vắc xin này tốt và hiệu quả hơn".
Dữ liệu của nghiên cứu bao gồm cả kết quả từ một nghiên cứu chưa được công bố về 4.800 trẻ em ở 4 quốc gia châu Phi, sẽ được đệ trình lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào cuối tháng này. Giấy phép phân phối vắc xin có thể được cấp sớm nhất là vào đầu năm sau.
Nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới - Viện Huyết thanh của Ấn Độ, đã đồng ý sản xuất 200 triệu liều mỗi năm với giá dưới 5 bảng Anh mỗi liều, bắt đầu từ năm tới.
Giáo sư Hill nói: "Nếu có thể triển khai loại vắc xin này ở quy mô lớn, chúng ta thực sự có thể xem xét việc giảm đáng kể gánh nặng tử vong và bệnh tật do sốt rét vào năm 2030. Nó có thể giảm 70% số ca tử vong".
Giáo sư Azra Ghani, chủ nhiệm bộ môn dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hoàng gia London (Anh), cho biết: "Những kết quả này đến vào thời điểm cuộc chiến chống lại bệnh sốt rét đang ở ngã ba đường. Với sự đầu tư đúng đắn, đặc biệt là sự hỗ trợ lớn cho Quỹ Toàn cầu Phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét, chúng tôi có thể tiếp tục vững bước trên con đường loại trừ bệnh sốt rét. Nếu không có khoản đầu tư này, chúng tôi có nguy cơ mất đi những thành quả đã đạt được trong những thập kỷ qua và chứng kiến một làn sóng sốt rét đang bùng phát trở lại".