Nghiên cứu thực tế lớn nhất thế giới đánh giá về hiệu quả liều vaccine COVID-19 tăng cường

Viện Nghiên cứu Clalit phối hợp với các nhà khoa học từ Đại học Harvard (Mỹ) đã phân tích một trong những cơ sở dữ liệu sức khỏe tích hợp lớn nhất thế giới để kiểm tra hiệu quả của liều thứ ba của vaccine Pfizer / BioNTech BNT162B2 chống lại biến thể Delta của virus SARS-CoV-2.

Nghiên cứu được thực hiện ở Israel, quốc gia dẫn đầu toàn cầu về tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 liều thứ ba.

Nhiều quốc gia hiện đang trải qua sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 mặc dù cho đến nay đã thực hiện các chiến dịch tiêm chủng 2 mũi đầy đủ cho dân số.

Điều này có thể do khả năng lây nhiễm cao của biến thể Delta (B.1.617.2) và do hàng rào miễn dịch của vaccine suy yếu dần đi sau một thời gian được tiêm. Trước tình hình đó, một số quốc gia đang có kế hoạch sử dụng liều tăng cường thứ ba vaccine COVID-19.

Nghiên cứu trên được thực hiện từ ngày 30/7/2021 đến ngày 23/9/2021, trùng với đợt lây nhiễm thứ tư tại Israel, trong đó biến thể Delta (B.1.617.2) là chủng virus chiếm ưu thế trong các ca nhiễm mới.

Các nhà khoa học đã xem xét dữ liệu từ 728.321 người ở độ tuổi từ 12 trở lên đã tiêm liều thứ ba vaccine Pfizer. Những người này được đối sánh cẩn thận 1:1 với 728.321 người chỉ được tiêm hai mũi vaccine Pfizer ít nhất 5 tháng trước đó.

Việc chọn lựa cho các nhóm đối tượng trên được dựa vào các yếu tố như: nhân khẩu học, địa lý và sức khỏe liên quan đến nguy cơ nhiễm trùng, nguy cơ mắc bệnh nặng, tình trạng sức khỏe và thói quen liên quan tới sức khỏe.

Các cá nhân được chỉ định vào từng nhóm một cách linh động dựa trên tình trạng tiêm chủng thay đổi của họ (198.476 cá nhân đã chuyển từ nhóm thuần tập chưa được tiêm chủng sang nhóm được tiêm chủng trong suốt nghiên cứu). Nhiều phân tích đã được thực hiện để đảm bảo rằng hiệu quả vaccine có thể được ước tính chuẩn xác nhất, loại bỏ được các sai lệch tiềm ẩn.

Kết quả cho thấy, so với những người chỉ được tiêm hai liều vaccine COVID-19 trước đó 5 tháng, những người được tiêm ba liều (7 ngày trở lên sau liều thứ ba) có nguy cơ nhập viện liên quan đến COVID-19 thấp hơn 93%, giảm 92% nguy cơ mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng và giảm 81% nguy cơ tử vong liên quan đến COVID-19.

Hiệu quả của vaccine COVID-19 được phát hiện là tương tự nhau đối với các giới tính, nhóm tuổi khác nhau (từ 40-69 và 70+) và số bệnh đi kèm.

Kết quả này cho thấy rằng liều vaccine thứ ba có hiệu quả trong việc giảm các kết quả nghiêm trọng liên quan đến COVID-19 so với những người đã nhận được hai liều vaccine ít nhất 5 tháng trước.

Đây là nghiên cứu đầu tiên ước tính hiệu quả của liều thứ ba của vaccine mRNA COVID-19, đặc biệt là vaccine Pfizer. Quy mô lớn của nghiên cứu cũng cho phép đánh giá chính xác hơn hiệu quả của vaccine COVID-19 trong các khoảng thời gian khác nhau, ở các nhóm dân số nhỏ khác nhau (theo giới tính, tuổi và bệnh lý kèm theo)….

"Những kết quả trên cho thấy một cách thuyết phục rằng liều thứ ba của vaccine COVID-19 có hiệu quả cao ở các nhóm tuổi và phân nhóm dân số khác nhau, chỉ một tuần sau khi tiêm. Những dữ liệu này sẽ tạo điều kiện cho việc đưa ra quyết định chính sách" - GS Ran Balicer - Chủ tịch Nhóm Cố vấn Chuyên gia Quốc gia của Israel về ứng phó COVID-19.

GS Ben Reis - Giám đốc Nhóm Y học Dự đoán của Chương trình Tin học Y tế thuộc BV Nhi Boston và Trường Y Harvard (Mỹ) nói rằng: "Cho đến nay, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc do dự vaccine COVID-19 chính là thiếu thông tin về hiệu quả của vaccine. Nghiên cứu dịch tễ học quy mô lớn trên đã cung cấp thông tin đáng tin cậy về hiệu quả của vaccine COVID-19 liều thứ ba, và chúng tôi hy vọng sẽ hữu ích cho những người chưa quyết định về việc chủng ngừa".

Hà Anh (Theo News Medical)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//nghien-cuu-thuc-te-lon-nhat-the-gioi-danh-gia-ve-hieu-qua-lieu-vaccine-covid-19-tang-cuong-169211101101434744.htm