Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong xử lý SIM rác
Trả lời phản ánh của cử tri, Bộ TT-TT (nay là Bộ KH-CN) cho biết đơn vị sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng giải pháp công nghệ trong việc chủ động phát hiện, xử lý SIM rác, SIM không chính chủ.
Theo phản ánh của cử tri tỉnh Bình Định, tình trạng SIM rác, SIM kích hoạt sẵn và SIM giả mạo thông tin cá nhân vẫn tồn tại, trong đó chủ yếu là việc kẻ xấu sẽ sử dụng cho mục đích lừa đảo, quấy rối qua cuộc gọi, tin nhắn rác, gây ảnh hưởng lớn đến an toàn thông tin…
Về nội dung này, Bộ TT-TT (nay là Bộ KH-CN, sau khi sáp nhập Bộ TT-TT và Bộ KH-CN) cho biết đơn vị đã xác định SIM rác bao gồm 2 dạng chính là SIM có thông tin thuê bao không đúng quy định và SIM không chính chủ.
Hiện nay, Việt Nam đang nằm trong số khoảng 20 quốc gia đã triển khai yêu cầu đối soát, xác thực thông tin của người sử dụng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trước khi kích hoạt.

Vẫn tồn tại SIM rác, SIM giả mạo thông tin cá nhân - Ảnh: Internet
Vấn đề tồn tại hiện nay là còn các SIM có thông tin thuê bao đúng quy định nhưng không chính chủ, dẫn đến bị kẻ xấu sử dụng cho các hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật nhằm trốn tránh trách nhiệm khi bị phát hiện.
Trong đó, SIM không chính chủ cơ bản gồm 2 nhóm. Thứ nhất, SIM đã kích hoạt trước năm 2023, giai đoạn này chưa áp dụng các biện pháp xác thực chính chủ khi đăng ký SIM mới, dẫn tới còn tình trạng kích hoạt sẵn SIM với thông tin hợp lệ để bán cho người sử dụng dịch vụ.
Trong khi đó, người dùng thì không quan tâm đến thông tin thuê bao có đúng thông tin của mình hay không, hoặc kẻ xấu chủ đích đi tìm kiếm SIM dạng này để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ nhì, SIM được kích hoạt từ năm 2023 đến nay, cơ quan chức năng đã chỉ đạo, hướng dẫn nhà mạng triển khai nhiều biện pháp yêu cầu xác thực chính chủ đăng ký. Thực tế, có tình trạng kẻ xấu thuê người đăng ký, sau đó mua lại SIM để bán lại cho người có nhu cầu…
Do vậy, Bộ TT-TT đang tập trung triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc thông báo từ ngày 15.4.2025, nếu phát hiện vi phạm về SIM có thuê bao không đúng quy định, bộ sẽ đình chỉ phát triển thuê bao mới của doanh nghiệp.
Bộ chỉ đạo các nhà mạng triển khai nhắn tin thông báo quy định tại Luật Viễn thông (chủ thuê bao sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc sử dụng số thuê bao viễn thông do mình đã giao kết), từ đó đề nghị người dân chủ động rà soát, đảm bảo SIM chính chủ và thông tin cá nhân của mình không bị sử dụng để kích hoạt cho SIM mình không sở hữu.
Trong thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về quản lý thuê bao, tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính thay thế Nghị định 15/2020/NĐ-CP đảm bảo xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm,
Bộ cũng chỉ đạo các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng giải pháp công nghệ trong việc chủ động phát hiện, xử lý SIM rác, SIM không chính chủ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp viễn thông, nếu phát hiện SIM có thông tin không đúng quy định sẽ xử lý nghiêm vi phạm (dừng phát triển thuê bao).
Đồng thời, bộ tuyên truyền, hướng dẫn, chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông chủ động rà soát, hoàn thiện các quy trình, quy định phù hợp với quy định của Luật Viễn thông năm 2023, Nghị định 163/2024/NĐ-CP liên quan đến công tác quản lý thuê bao di động mặt đất; phối hợp với Bộ Công an, các đơn vị liên quan trong việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về SIM rác, SIM không chính chủ; trong đó làm rõ trách nhiệm của các bên (doanh nghiệp, người sử dụng) và xử lý nghiêm vi phạm.