Bộ Quốc phòng xây dựng Thông tư liên quan tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với tàu bay không người lái

Bộ Quốc phòng đang dự thảo Thông tư ban hành danh mục tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay khác để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo Bộ Quốc phòng, từ trước đến nay, tàu bay không người lái, phương tiện bay khác trong lĩnh vực dân sự được quản lý theo Nghị định số 36/2008/NĐ-CP ngày 28/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ; Thông tư số 35/2017/TT-BQP ngày 12/2/2017 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về quy định tiêu chuẩn đủ điều kiện bay; tiêu chuẩn, thủ tục cấp giấy phép cho cơ sở thiết kế, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; khai thác tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ.

Để bảo đảm an toàn an ninh, an toàn thông tin trong khai thác sản xuất, nghiên cứu và chế tạo, tàu bay không người lái, phương tiện bay khác, cơ sở nghiên cứu chế tạo, thử nghiệm, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay không người lái, phương tiện bay khác đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn đủ điều kiện bay, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của các khu vực, các nước tiên tiến (Châu Âu, Mỹ, Nga, Trung Quốc,...) hoặc các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế (ISO, ASTM,...).

Tuy nhiên đối với Việt Nam, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể các danh mục tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng để thực hiện công tác quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay khác khi nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập; hoạt động sản xuất nghiên cứu chế tạo, thử nghiệm, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay không người lái, phương tiện bay khác.

 Thiết bị bay không người lái (drone). (Ảnh minh họa: TTXVN)

Thiết bị bay không người lái (drone). (Ảnh minh họa: TTXVN)

Bên cạnh đó, sự ra đời và phát triển của tàu bay không người lái, phương tiện bay khác gắn liền với sự phát triển của khoa học công nghệ. Từ những năm đầu của thế kỷ 20, khi công nghệ còn hạn chế, tàu bay không người lái, phương tiện bay khác thường có kích thước lớn, khả năng bay hạn chế và hệ thống điều khiển thô sơ.

Khi công nghệ GPS, hệ thống định vị toàn cầu, cảm biến, pin, vi xử lý trở nên mạnh mẽ và kinh phí sản xuất, chế tạo hợp lý hơn, những tàu bay không người lái, phương tiện bay khác nhỏ gọn, linh hoạt và dễ điều khiển hơn đã xuất hiện. Sự phát triển của tàu bay không người lái, phương tiện bay khác thực sự bùng nổ nhờ vào sự giảm giá đáng kể của các thành phần điện tử và sự ra đời của các nền tảng mã nguồn mở. Đặc biệt là trong thời gian gần đây, sự phát triển của tàu bay không người lái, phương tiện bay khác có lúc vượt ngoài dự đoán của các chuyên gia.

Hiện nay, tàu bay không người lái, phương tiện bay khác không chỉ được sử dụng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh mà còn được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực dân sự (nông nghiệp, xây dựng, khảo sát địa điểm, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, giám sát môi trường,...).

Do đó, việc xây dựng Thông tư ban hành danh mục tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay khác sẽ tạo một khung pháp lý rõ ràng, thể chế hóa các quy định của pháp luật Nhà nước, bảo đảm hiệu quả, chặt chẽ, thống nhất, phù hợp với các quy định hiện hành có liên quan của Bộ Quốc phòng và yêu cầu thực tế triển khai công tác quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay khác.

Theo dự thảo, Thông tư này áp dụng đối với: Phương tiện bay; động cơ phương tiện bay, cánh quạt phương tiện bay và trang bị, thiết bị riêng lẻ cấu thành hệ thống (phần mặt đất, phần mặt nước, phần trên không, tải phụ) phương tiện bay nhập khẩu, tạm nhập tái xuất sử dụng tại Việt Nam.

Hoạt động nghiên cứu chế tạo, thử nghiệm, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện bay và trang bị, thiết bị của phương tiện bay.

Thông tư này không áp dụng cho các loại phương tiện bay; hoạt động nghiên cứu chế tạo, thử nghiệm, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện bay và trang bị, thiết bị của phương tiện bay phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Theo Bộ Quốc phòng, việc xây dựng, ban hành Thông tư ban hành danh mục tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay khác là cần thiết, có ý nghĩa quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tàu bay không người lái, phương tiện bay khác.

P.V

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/chinh-sach-moi/bo-quoc-phong-xay-dung-thong-tu-lien-quan-tieu-chuan-quy-chuan-ky-thuat-doi-voi-tau-bay-khong-nguoi-lai-176002.html