Nghiên cứu về công nghệ lượng tử đạt giải Nobel Vật lý 2022

Ba nhà khoa học John Clauser, Alain Aspect và Anton Zeilinger cho biết đã rất hạnh phúc khi được xướng tên cho giải Nobel Vật lý 2022.

Chiều 4.10 (giờ Việt Nam), Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố chủ nhân của giải Nobel Vật lý năm 2022 đã thuộc về các nhà khoa học: Alain Aspect, John Clauser và Anton Zeilinger.

Theo Reuters, các nhà khoa học được trao giải nhờ "các thí nghiệm với các photon vướng víu, thiết lập sự vi phạm các bất đẳng thức Bell và tiên phong trong khoa học thông tin lượng tử".

Ông Alain Aspect là nhà vật lý người Pháp, được biết đến với công trình thí nghiệm về vướng mắc lượng tử (quantum entanglement, là một hiệu ứng trong cơ học lượng tử).

Ông John Clauser là nhà vật lý lý thuyết và thực nghiệm người Mỹ. Vào giữa những năm 1960, sau khi đọc một bài báo khoa học, Clauser bắt đầu quan tâm đến những ý tưởng của nhà tiên phong cơ học lượng tử John Bell, người luôn nỗ lực để hiểu rõ hơn về hiện tượng vướng víu lượng tử.

Với biệt danh "Giáo hoàng lượng tử", nhà vật lý Anton Zeilinger người Áo đã trở thành một trong những nhà khoa học nổi tiếng nhất ở đất nước của mình, khi lần đầu tiên thực hiện thành công thí nghiệm dịch chuyển lượng tử của các hạt ánh sáng vào năm 1997.

Chia sẻ với Reuter qua điện thoại, John Clauser không giấu được sự hạnh phúc sau khi đoạt giải Nobel Vật lý 2022 sau hơn một nửa thế kỷ nghiên cứu: "Tôi rất hạnh phúc! Tôi bắt đầu công việc này lần đầu tiên vào năm 1969. Vì vậy, tôi rất vui vì vẫn còn sống để nhận giải thưởng", Clauser cho biết. "Thông điệp của tôi cho các nhà khoa học tương lai là hãy nghiên cứu vật lý vì niềm vui. Tôi đã không làm giàu từ nó nhưng cảm thấy rất hài lòng khi khám phá ra những điều mới mà không ai khác biết trong quá trình này".

Theo bà Olsson, thành viên của Ủy ban Nobel về vật lý cho biết thông tin lượng tử là lĩnh vực đang được phát triển nhanh chóng. “Những tính toán của ngành này đã mở rộng cánh cửa cho nhân loại bước vào một thế giới khác. Đồng thời, sự tồn tại của nó cũng làm lung lay đến tận cốt lõi của cách thức mà con người sử dụng để đo lường lâu nay”, bà cho biết. Chẳng hạn, sự ra đời của thông tin lượng tử cho phép các nhà vật lý học đặt mục tiêu tạo ra đồng hồ với độ chính xác cực cao và thậm chí có thể phát hiện ra sự tồn tại của vật chất tối đầy bí ẩn của vũ trụ.

Trước đó, giải Nobel Y sinh đã thuộc về nhà di truyền học người Thụy Điển Svante Pääbo vì những phát hiện liên quan đến các bộ gien di truyền của những họ người tuyệt chủng và lịch sử tiến hóa của loài người.

Sau Nobel Vật lý (4.10), thế giới sẽ tiếp tục chờ đón Nobel Hóa học (5.10), kế đến là Văn chương (6.10). Giải Nobel Hòa bình được công bố ngày 7.10 và Nobel Kinh tế là đầu tuần sau (10.10).

Năm nay, nhà tổ chức giải Nobel thông báo giá trị giải thưởng là 10 triệu crown Thụy Điển (hơn 21,5 tỉ đồng) và sẽ chia đều trong trường hợp có nhiều người cùng đoạt giải.

Đan Thùy (Tổng hợp)

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nghien-cuu-ve-cong-nghe-luong-tu-dat-giai-nobel-vat-ly-2022-187869.html