Nghiên cứu về COVID-19 mở ra cánh cửa hiểu thêm nhiều bệnh khác
Hàng tỷ USD đầu tư vào nghiên cứu COVID-19 và vaccine cho đến nay được kỳ vọng sẽ mang lại lợi nhuận y tế và khoa học trong nhiều thập kỷ, giúp các bác sĩ chống lại bệnh cúm, ung thư, xơ nang và nhiều bệnh nữa.
Hứa hẹn ích lợi trong điều trị ung thư, xơ nang và các rối loạn chuyển hóa di truyền hiếm gặp
Tiến sĩ Judith James - Phó chủ tịch phụ trách lâm sàng của Quỹ Nghiên cứu Y khoa Oklahoma (Mỹ) cho biết: "Đây mới chỉ là bước khởi đầu. Chúng ta sẽ nhìn thấy những ích lợi to lớn của việc nghiên cứu COVID-19 trong nhiều năm tới".
Dựa trên sự thành công của vaccine mRNA với COVID-19, các nhà khoa học hy vọng sẽ tạo ra vaccine dựa trên mRNA chống lại một loạt mầm bệnh, bao gồm cúm, Zika, bệnh dại, HIV và virus hợp bào hô hấp hoặc RSV – những loại bệnh đang khiến 3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi phải nhập viện mỗi năm trên toàn thế giới.
Các nhà nghiên cứu thấy rằng mRNA còn hứa hẹn trong việc điều trị ung thư, xơ nang và các rối loạn chuyển hóa di truyền hiếm gặp, mặc dù các liệu pháp tiềm năng vẫn cần còn nhiều năm nữa để nghiên cứu, phát triển.
Pfizer và Moderna đã nghiên cứu vaccine mRNA cho bệnh ung thư từ rất lâu trước khi họ phát triển các mũi tiêm COVID-19. Các nhà nghiên cứu hiện đang chạy hàng chục thử nghiệm lâm sàng về vaccine mRNA điều trị cho bệnh ung thư tuyến tụy, ung thư đại trực tràng và khối u ác tính, thường đáp ứng tốt với liệu pháp miễn dịch.
Các công ty cũng đang tìm cách sử dụng mRNA để điều trị bệnh xơ nang. Mục tiêu của các công ty là sửa chữa một khiếm khuyết cơ bản trong bệnh xơ nang, một loại protein đột biến.
Tuy nhiên, hiện chưa có phương pháp điều trị nào trong số trên đang được thử nghiệm lâm sàng.
Tuy nhiên, những thông tin đó khiến những bệnh nhân như Nicholas Kelly, 35 tuổi, sống ở Cleveland (Mỹ), thêm hy vọng. Kelly được chẩn đoán mắc bệnh xơ nang từ sơ sinh và chưa bao giờ đủ sức khỏe để làm việc toàn thời gian. Gần đây, ông đã phải nhập viện trong 2 tháng rưỡi do nhiễm trùng phổi, một biến chứng phổ biến đối với 30 nghìn người Mỹ mắc bệnh xơ nang.
"Không ai muốn nhập viện cả. Nếu có phương pháp nào có thể làm giảm các triệu chứng của tôi thậm chí 10%, tôi sẽ thử nó" – ông Kelly cho biết.
Hiểu được tác động của tự kháng thể
Trong hai năm diễn ra đại dịch COVID-19, các nhà nghiên cứu y tế đã viết ra hơn 230 nghìn bài báo trên tạp chí y khoa, ghi lại các nghiên cứu về vaccine, thuốc kháng virus và các loại thuốc khác, cũng như nghiên cứu cơ bản về cấu trúc của virus và cách nó lẩn tránh hệ thống miễn dịch.
TS Michelle Monje - Giáo sư thần kinh học tại Đại học Stanford (Mỹ) đã tìm thấy những điểm tương đồng về tác dụng của COVID-19 lên nhận thức của người bệnh và tác dụng phụ của liệu pháp điều trị ung thư tác động lên não bộ của người bị ung thư, thường được gọi là "hóa chất não". Theo TS Monje, việc tìm hiểu thêm về nguyên nhân gốc rễ của những vấn đề về trí nhớ này có thể giúp các nhà khoa học tìm ra cách ngăn ngừa hoặc điều trị chúng.
Công nghệ máy tính được sử dụng để phát hiện COVID-19 cũng đang được kỳ vọng sẽ cải thiện việc điều trị các bệnh khác. Ví dụ, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng các ứng dụng điện thoại di động có thể giúp phát hiện các trường hợp COVID-19 tiềm ẩn bằng cách theo dõi các triệu chứng tự báo cáo của bệnh nhân, theo đó công nghệ tương tự được kỳ vọng có thể dự đoán bùng phát các bệnh tự miễn dịch.
"Chúng tôi chưa bao giờ mơ ước có thể có một xét nghiệm PCR được thực hiện ở bất cứ đâu ngoài phòng thí nghiệm. Bây giờ chúng tôi có thể làm chúng tại giường bệnh nhân ở vùng nông thôn Oklahoma. Điều đó có thể giúp chúng tôi xét nghiệm nhanh các bệnh khác" – TS James cho hay.
Một trong những bước đột phá quan trọng nhất của đại dịch là phát hiện ra 15 - 20% bệnh nhân trên 70 tuổi chết vì COVID-19 có các kháng thể giả mạo vô hiệu hóa một phần quan trọng của hệ thống miễn dịch. Mặc dù các kháng thể thường bảo vệ con người khỏi bị nhiễm trùng, nhưng các "tự kháng thể" này lại tấn công một loại protein gọi là interferon hoạt động như một tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại virus.
Bằng cách vô hiệu hóa các chiến binh miễn dịch quan trọng, các tự kháng thể chống lại interferon - một loại cytokine, được sinh ra khi tế bào cảm thụ với virus, cho phép coronavirus nhân lên dữ dội. TS Paul Bastard, một nhà nghiên cứu tại ĐH Rockefeller, cho biết sự lây nhiễm lớn có thể dẫn đến phần còn lại của hệ thống miễn dịch đi vào giai đoạn tăng tốc, gây ra "cơn bão cytokine" đe dọa tính mạng.
Ông E. John Wherry - Giám đốc Viện Miễn dịch học của Đại học Pennsylvania (Mỹ) nói rằng: "Việc phát hiện ra các kháng thể nhắm mục tiêu interferon chắc chắn đã thay đổi suy nghĩ của giới chuyên gia y tế về mô hình trong miễn dịch học và trong COVID-19."
Tiến sĩ Gary Michelson, người sáng lập và đồng chủ tịch của Quỹ Michelson Philanthropies (Mỹ), cho biết khám phá này "vượt xa tác động của COVID-19, có thể có ý nghĩa trong việc điều trị bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm khác như bệnh cúm".
TS Bastard và cộng sự của mình cũng đã phát hiện ra rằng 1/3 số bệnh nhân có phản ứng nguy hiểm với bệnh sốt vàng da có tự kháng thể chống lại interferon.
Các nhóm nghiên cứu quốc tế hiện đang tìm kiếm các tự kháng thể như vậy ở những bệnh nhân nhập viện do nhiễm virus khác, bao gồm thủy đậu, cúm, sởi, virus hợp bào hô hấp và những bệnh khác.
Bảo vệ cộng đồng tốt hơn khỏi virus
Các quan chức y tế công cộng cho rằng, virus lây lan theo một trong hai cách: hoặc qua không khí, như bệnh sởi và bệnh lao, hoặc qua các giọt nặng, ẩm ướt phun ra từ miệng và mũi của người bệnh, sau đó nhanh chóng rơi xuống mặt đất, giống như bệnh cúm.
Trong 17 tháng đầu tiên của đại dịch COVID-19, Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết coronavirus lây lan qua các giọt nhỏ và khuyến cáo mọi người rửa tay, đứng cách nhau khoảng 2m và mang khẩu trang.
Ngày nay, rõ ràng là coronavirus - và tất cả các virus đường hô hấp – được khẳng định lây lan qua sự kết hợp giữa các giọt bắn và không khí - TS Michael Klompas, giáo sư tại Trường Y Harvard (Mỹ) và là bác sĩ bệnh truyền nhiễm cho biết.
Như đã biết, virus đường hô hấp thường lây lan qua không khí, chính vì thế, khẩu trang giúp bảo vệ chống lại virus tốt hơn; cải thiện hệ thống thông gió, để không khí trong phòng được thay thế hoàn toàn ít nhất 4-6 lần một giờ, là một cách quan trọng khác để kiểm soát virus trong không khí.
Hà Anh (Theo CNN)