Nghiêng nghiêng nắng tròng trành hương phố
Tôi đã có lần suýt ngã xe khi đi qua dốc Hàng Than chỉ vì mải nhìn gánh hàng hoa từ trên đê xuống. Hàng Than có con dốc ở đầu phố khá cao. Đã từ lâu trong dân gian gọi đây là phố Dốc bụi than. Ngay tại dốc còn có nẻo rẽ phải về phố Phạm Hồng Thái tạo nên đường cong kỳ thú. Xe cộ đi lại hối hả leo dốc. Thi sĩ Hạnh An cảm tác: 'Hương lúa cốm thơm từ dốc gió/ Nhỡ bãi sông xưa bến đò đầy/ Đường hoa vương tà áo ai bay…'.
Hồn xưa phố mới
Ngắm bản đồ cổ về thành Thăng Long mới hay, đầu dốc Hàng Than nay chính là một trong những bến bãi sông Hồng liền kề chân đê từ thời triều Lê (1428-1886). Không đâu xa, hồi đầu thực dân Pháp chiếm Hà Nội (1873) vẫn còn hình bóng những tầu thuyền đậu sát phố (Trần Nhật Duật). Ngày đó Hà Nội có nhiều bến từ sông Hồng đưa hàng vào chợ phố. Sau bến Hàng Than là bến Nứa, bến Hàng Nâu, bến đò Ngang (Ô Quan Chưởng)…
Riêng bãi bến Hàng Than khá rộng, luôn chất than thành đống cao chất ngất cung cấp cho người dùng. Đây là nguồn nhiên liệu đốt chủ yếu thời đó. Gần dốc, người dân thôn Thạch Khối còn có nhiều lò nung vôi nữa. Họ bán vôi cho cánh xây nhà hoặc mang ra chợ trầu cau. Hai cái nghề bụi bặm và nhầy nhụa nhất Hà thành tụ về Thạch Khối và Hòe Nhai thuộc huyện Vĩnh Xương (cũ).
Thật may, tôi có dịp theo đội thợ mộc từ Hương Ngải, Thạch Thất (Sơn Tây cũ) tới triển khai công việc tu bổ chùa Hòe Nhai. Chủ công trình cho hay trong chùa có tới 28 bia ký bằng đá. Đặc biệt tấm bia dựng năm 1703 có ghi, chùa Hòe Nhai (Hồng Phúc Tự) xưa rộng tới cả mẫu ta.
Nhưng quan trọng hơn trong tấm bia đã xác nhận bến Hàng Than chính là bến Đông Bộ Đầu xưa, nơi đã xẩy ra trận chiến lừng lẫy của Nhà Trần (1225-1400) đánh tan quân nhà Nguyên lần thứ nhất (29/1/1258). Những vần thơ còn lưu danh vẻ vang trong lịch sử chống xâm lược giữ yên bờ cõi nước nhà: “Thủy chiến Đông Bộ Đầu còn đó/ Giặc Nguyên thua bỏ xác trên sông/ Quân reo chiến thắng bên thành cổ/ Trống rền vang hào khí Thăng Long”.
Ngoài chùa Hòe Nhai phố Hàng Than còn có một số đền, đình của bốn thôn cũ liền kề như Giang Tân (Bến sông), Thạch Khối, Hòe Nhai và Yên Thuận. Phố dài hơn 400 mét (nay thuộc phường Nguyễn Trung Trực - Ba Đình - Hà Nội) kéo dài từ đầu ngã ba Hàng Than - Yên Phụ tới ngã sáu (Hàng Than - Hàng Đậu - Quan Thánh - Hàng Cót - Phan Đình Phùng và Hàng Giấy).
Có thể nói, nửa thế kỷ nay phố Hàng Than đã thành phố “đặc sản” của Hà Nội với những mặt hàng bánh cốm, xu xê, đậu xanh, bánh chả, bánh gai… Không đám cưới nào ở trong nội thành không tới Hàng Than đặt hàng bánh cốm trong ngày ăn hỏi hoặc lễ cưới ngày xuân.
Có hàng bánh cốm nổi tiếng lâu đời (Nguyên Ninh, số 11 Hàng Than, mở từ năm 1865) luôn có khách tới xếp hàng chờ mua hàng. Hầu hết các nhà trên phố đều kinh doanh mặt hàng này. Nhiều nhà còn bán cốm tươi gói lá sen ngay trên vỉa hè. Cửa hàng nào cũng sắp đặt trưng bày hàng bánh thơm ngon của mình thành những hình khối vuông vức cùng giấy trang trí nổi bật. Nắng lên cả phố long lanh như bức tranh ngày hội.
Mấy năm gần đây không ít cửa hàng còn mở thêm dịch vụ trọn gói lễ ăn hỏi và lễ cưới. Ngoài bánh kẹo trầu cau họ còn có những đội quân phù rể, phù dâu trẻ trung xinh đẹp cùng những vật dụng kèm theo đầy đủ tùy theo yêu cầu của khách. Vậy là Hàng Than chẳng còn những chiếc sọt than đen bụi bặm thuở nào. Đông Bộ Đầu bến xưa vẫn còn đó trong lòng người. Hình ảnh 36 phố phường được tô đậm thêm bức tranh thú vị: “Nghiêng nghiêng nắng tròng trành hương phố/ Những cô dâu diện áo trắng Hàng Than”.
Nhà số 40
Phố Hàng Than cổ kính với những kiến trúc xen kẽ nửa Tây nửa ta vì đặc thù buôn bán nhỏ. Không ít dãy nhà liền kề ám sắc màu trăm năm với những cánh cửa sổ lớn vuông xanh giữa tường sơn vàng. Rơi rớt lại trong những nhà kiểu Tây đó, ngôi nhà số 40 ghi dấu ấn đặc sắc mà không mấy ai có thể quên. Phảng phất đâu đây trong cái xô bồ phố xá vẫn thấp thoáng bóng dáng những thi nhân đã từng sống ở đây một thời gian trong thời buổi khốn khó (1938-1941).
Đó là gia đình nhà thơ Lưu Trọng Lư ở dưới nhà. Còn cặp đôi thi ca anh em Xuân Diệu và Huy Cận ở trên gác hai. Nhà thơ Cù Huy Cận đã viết lại những kỷ niệm một thời nơi đây: “Ở nhà dưới 40 Hàng Than là anh Lưu Trọng Lư và người vợ đầu là chị Thanh Thủy ở một nửa phòng, che chắn bằng một cái bình phong gỗ dài” ("Nhật ký song đôi" - NXB Hội Nhà văn, 2011).
Điều thú vị vào năm 1940 nhà thơ Huy Cận còn viết: “Anh Lư và tôi còn ở chung nhà Hàng Than một năm nữa. Cũng cuối năm 1940, anh cho ra đời tập thơ "Tiếng Thu" và tôi cho ra tập "Lửa Thiêng"”. Người ta còn kể chuyện rằng, thời gian này nhà thơ Lưu Trọng Lư vay nợ lặt vặt khá nhiều. Ông viết đủ thể loại cho các tạp chí nhưng vẫn không đủ sống. Thơ ông làm in rải rác trên các tạp chí văn nghệ từ năm 1932 cho tới 1939 nhưng không có tiền in nổi tập thơ. Riêng món nợ chủ nhà sách Tô Văn Đức thì lai rai không biết tới khi nào mới trả được. Sốt ruột ông Tô Văn Đức bèn tự tập hợp thơ của Lưu Trọng Lư in để trừ nợ. Tuy nhà thơ Lưu Trọng Lư không còn được nhuận bút bao nhiêu nhưng thi đàn bất ngờ có được tập thơ đặc sắc "Tiếng Thu". Vào những năm đó giới thanh niên và trí thức đều thuộc lòng những câu thơ: “Em không nghe rừng thu/ Lá thu kêu xào xạc/ Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên lá vàng khô?”.
Hồn thơ “Tiếng Thu” của Lưu Trọng Lư ghi dấu ấn không gian đầy ám ảnh ở số nhà 40. Với Huy Cận và Xuân Diệu cũng là những khởi đầu tuyệt mỹ cho một đời thơ ở nơi đây. Hai người cùng cho tái bản tập “Thơ thơ” (Xuân Diệu - 1939) và năm sau ra đời “Lửa Thiêng”. Trong thời gian này thêm một lần “Thơ Thơ” nổi bật với những câu thơ là hương, là nhạc, là mơ của Xuân Diệu. Còn thơ Huy Cận mới lạ, trầm tĩnh lắng đọng với những hình ảnh độc đáo: “Sáng hôm nay hồn em như tủ áo/ Ý trong veo là lượt xếp từng đôi/ Áo đẹp chưa anh! Hoa thắm thêu đời” (Tình tự). Khi Xuân Diệu say sưa với những câu thơ: “Này lắng nghe em khúc nhạc thơm/ Say người như rượu tối tân hôn/ Như hương thấm tận qua xương tủy/ Âm điệu, thần tiên, thấm tận hồn” (Huyền diệu). Trong khi đó Huy Cận lại đam mê trong giấc liêu trai: “Lòng anh mơ với quạt này/ Trăm con chim mộng về bay đầu giường/ Ngủ đi em, mộng bình thường! Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ” (Ngậm ngùi).
Ngôi nhà số 40 tràn đầy kỷ niệm thi ca như một dấu tích sáng láng cho một giai đoạn của phong trào Thơ mới. Nơi đây cũng là điểm nhấn cho sự chuyển biến tư tưởng và nghệ thuật của ba nhà thơ Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu và Huy Cận. Họ chuẩn bị bước vào thời kỳ mới khi những hoạt động cách mạng giải phóng dân tộc đang phát triển ngày một rộng khắp. Một thời gian sau, khi rời sang ở trọ tại số nhà 61 Hàng Bông, nhà thơ Xuân Diệu và Huy Cận đã gặp nhà văn Như Phong một cán bộ cách mạng. Hai người đã theo Như Phong nhập Hội Văn hóa cứu quốc rồi lên chiến khu Việt Bắc năm 1946.
Tượng lạ - Vua cõng Phật
Giờ đây những lứa đôi hạnh phúc thường luôn qua đây mua cái thơm thảo của phố Hàng Than. Họ thường dắt nhau vào chùa Hòe Nhai để cầu những điều ước mong bởi chung quanh ngôi chùa luôn vang lên âm hưởng lời ca: “Ta là tình nghĩa thủy chung/ Cầu mong hạnh phúc một lòng vì nhau”. Họ quỳ dưới bức tượng “Vua cõng Phật” tâm niệm cần phải sửa những lỗi lầm đã qua để cùng đi về phía trước. Đây là bức tượng bày tỏ sự sám hối của vua Lê Hy Tông (1662 - 1716) đối với đạo và đời.
Tác phẩm điêu khắc gỗ được sơn son thiếp vàng thấm đẫm đạo lý nhân sinh, hãy tu tâm dưỡng đức và yêu thương cuộc đời này. Phật lấy phúc đức của bá tánh làm trọng, hướng con người tới sự thiện lành và bao dung. Bức tượng “Vua cõng Phật” tại chùa Hòe Nhai (19 Hàng Than) được coi là độc đáo nhất mà không nơi nào có được trên thế giới. Tác phẩm nghệ thuật trong nhân gian trở thành hồn cốt của con phố một thời lầm than ngàn năm này. Hình tượng ấy còn sống mãi tựa như một biểu tượng sâu sắc, một góc văn hóa Thăng Long - Hà Nội ngàn năm yêu dấu.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/nghieng-nghieng-nang-trong-tranh-huong-pho-i707225/