Nghiệp vụ phân tích, đánh giá lãnh đạo nước ngoài của Tình báo Mỹ
Để đưa ra những quyết định phù hợp, các tổng thống và các nhà hoạch định chính sách của Mỹ luôn cần biết thông tin về các nhà lãnh đạo cấp cao ở nước ngoài. Mỗi khi có nhu cầu, họ sẽ chuyển yêu cầu sang Cộng đồng Tình báo Mỹ (IC-Intelligence Community).
Đây là một nhiệm vụ có nhiều thách thức, nhà phân tích tình báo còn vướng phải những rào cản lớn bởi vì phần lớn trong số họ không bao giờ được tiếp xúc trực tiếp với các đối tượng muốn tìm hiểu. Không những thế, các nhà lãnh đạo nước ngoài cũng luôn luôn có những động cơ để đánh lạc hướng, chí ít cũng là làm mơ hồ về những gì họ đang nghĩ và những gì họ có khả năng thực hiện…
Một vài cột mốc trong lịch sử
Lập hồ sơ lãnh đạo là một trong những nhiệm vụ đầu tiên của tình báo Mỹ. Năm 1943, Walter C. Langer thuộc Văn phòng Dịch vụ Chiến lược (OSS, tiền thân của CIA) được giao nhiệm vụ đưa ra đánh giá về Adolf Hitler. Điều mà OSS muốn biết, đó là “Ông ta là người như thế nào? Tham vọng của ông ấy là gì? Ông ta hiện ra như thế nào trong con mắt người dân Đức? Quan hệ của ông ấy với các cộng sự của mình ra sao?”. Quan trọng nhất, OSS mong muốn có một báo cáo về “đặc điểm tâm lý - những điều có thể tác động tới ông ta”.
Langer đã phỏng vấn những người từng là cộng sự của Hitler sau đó sống ở Mỹ và xem xét các đoạn báo chí, bản ghi lời nói, và bất kỳ đoạn trích thông tin chi tiết nào khác mà ông có thể chạm tay vào.
Nghiên cứu của Langer đã chẩn đoán một loạt bệnh lý lâm sàng trong tính cách của Hitler và đưa ra một số dự đoán về hành vi có thể xảy ra của nhà lãnh đạo Đức Quốc xã khi quân đội đồng minh tiến sát tới thủ đô nước Đức - đặc biệt nhấn mạnh tới khả năng là Hitler sẽ tự sát thay vì chấp nhận rủi ro.
Thời kỳ hậu chiến tranh Lạnh, IC đã tiến hành điều tra theo 3 hướng sau, chúng được gộp chung lại dưới cái tên gọi “phân tích lãnh đạo”.
Thu thập và báo cáo thông tin tiểu sử về cá nhân có liên quan, ví dụ: sức khỏe, nơi sinh, trường học, kinh nghiệm làm việc, gia đình và sở thích.
Đánh giá lâm sàng về tâm lý của người đó. Đây là phân tích được thực hiện với sự điều hành của một nhà tâm lý học hoặc bác sĩ tâm thần. Nó tập trung vào việc xem xét sức khỏe thể chất và tinh thần của đối tượng.
Phân tích cách thức mà đối tượng sẽ hành động và phản ứng trong những hoàn cảnh chính trị khác nhau (đặc biệt là những tình huống liên quan đến lợi ích của Mỹ). Những phân tích này sẽ kết hợp dữ liệu tiểu sử với dữ liệu khu vực, trong nước và các động lực khác liên quan của nhà lãnh đạo, mục đích nhằm đánh giá ý định, động cơ, mục tiêu và những ưu tiên của nhà lãnh đạo nước ngoài đó.
Hầu hết các phân tích lãnh đạo được thực hiện tại CIA. Thông tin quan trọng nhất luôn được các nhà lãnh đạo chính trị yêu cầu là dữ liệu tiểu sử. Các dữ liệu tiểu sử hiện nay thuộc quyền quản lý của Văn phòng Tham khảo Trung tâm (OCR, gọi tắt là “thư viện” CIA). “Thư viện” chứa toàn bộ thông tin mà tình báo Mỹ đã thu thập được: tài liệu, hình ảnh và các báo cáo đến từ cả nguồn mở và nguồn bí mật và chúng được liên tục cập nhật. Chương trình theo dõi kiểu “Ai là ai” với quy mô toàn cầu này của CIA không chỉ liên quan đến các nhà lãnh đạo hiện tại mà còn để xác định các cá nhân sắp hoặc có khả năng có được những ảnh hưởng quyền lực trong tương lai.
Đồng thời với các câu hỏi về tiểu sử, CIA tiến hành các phân tích y tế và tâm lý đối với các chính khách quốc tế. Các nhà hoạch định chính sách chắc chắn sẽ yêu cầu cung cấp thông tin về tình trạng tâm lý và thể chất của các nhà lãnh đạo nước ngoài - đặc biệt là những nhà lãnh đạo đối đầu với Mỹ hoặc những nhà lãnh đạo có khả năng tạo ra một vụ xung đột hạt nhân... Ví dụ trong Chiến tranh Lạnh, việc đánh giá các nhà lãnh đạo như Nehru, Tito, Khrushchev, Brezhnev… chủ yếu tập trung vào: thứ nhất là các đánh giá về sức khỏe; thứ hai là các đánh giá về nhân cách hoặc tâm thần.
Trung tâm Phân tích Tâm lý và Y tế của CIA là nơi chịu trách nhiệm đưa ra những phân tích này. Người thành lập và lãnh đạo Trung tâm này trong một thời gian dài là tiến sĩ Jerrold Post, một bác sĩ tâm thần học. Post là người đề xướng thuyết “tiểu sử tâm lý” – phương pháp sử dụng các danh mục và lý thuyết phân tích tâm lý mà không cần liên hệ trực tiếp với đối tượng, phân tích dựa chủ yếu vào thông tin nguồn mở, chẳng hạn như quan điểm của các cộng sự và các bài viết của chính cá nhân đó.
Khối văn phòng Phân tích Lãnh đạo đã bị giải tán vào năm 1995 và các chuyên gia phân tích lãnh đạo sau đấy được phân tán đến các bộ phận chuyên biệt trong Tổng cục Tình báo, ở đó họ sẽ đóng góp những hiểu biết của mình vào các sản phẩm đánh giá kinh tế và chính trị. Trong khi hồ sơ lãnh đạo vẫn là công việc được tiến hành thường xuyên, việc phân tích về các nhà lãnh đạo giờ đây được xem là tư liệu đầu vào cho các đánh giá rộng hơn về cả một quốc gia hoặc tình hình chính sách. Các chuyên gia y tế và lâm sàng cũng được bố trí phân tán về các cơ quan khác nhau của IC.
Mặc dù các chuyên gia phân tích lãnh đạo không còn tập hợp lại với nhau trong một tổ chức mang tính tập trung, vẫn luôn có những nỗ lực liên tục để duy trì và hoàn thiện kỹ năng của họ trong ngành tình báo. Đặc biệt, từ những năm 2002- 2003, đã có sự đồng thuận rộng rãi rằng việc phân tích lãnh đạo là một thành phần quan trọng của các đánh giá khu vực. Do thường xuyên vẫn xuất hiện các nhu cầu nêu ra từ phía các nhà hoạch định chính sách, các nhà phân tích lãnh đạo vẫn luôn có nhiều cơ hội để cung cấp các sản phẩm tóm tắt bằng văn bản hoặc bằng các bài thuyết trình miệng của mình về vấn đề này.
Phân tích lãnh đạo: Ưu, nhược điểm và những thách thức
Các sản phẩm trong lĩnh vực phân tích lãnh đạo ngày nay có ba dạng cơ bản.
Đầu tiên là những hồ sơ hai trang dựa trên dữ liệu tiểu sử được bổ sung tóm tắt về tính cách và quan điểm của người lãnh đạo, đối tượng được phân tích. Những hồ sơ loại này nặng về dữ liệu nhiều hơn là đánh giá. Đối tượng được nhắc đến chủ yếu là các nhà lãnh đạo và nhà ngoại giao lớn trên thế giới mà các nhà hoạch định chính sách của Mỹ có khả năng phải đặt mối quan hệ.
Hình thức thứ hai rất phổ biến là một bản trình bày phân tích về thế giới quan, phong cách và niềm tin được tích hợp vào trong các sản phẩm dài hơn/ rộng hơn như “Ước tính tình báo quốc gia” (NIE) hoặc đánh giá về chính trị và kinh tế hiện tại của một quốc gia hoặc khu vực cụ thể. Ví dụ, các chương trình NIE về vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) của Iraq trước năm 2003 luôn bao gồm một số đoạn (không phải lúc nào cũng chính xác) về nhận thức và mục tiêu của Saddam.
Ít phổ biến nhất là các nghiên cứu độc lập sâu rộng về các nhà lãnh đạo cụ thể. Những nghiên cứu này có thể không gắn liền với một câu hỏi chính sách mang tính tức thời và về cơ bản dài hơn đáng kể so với hồ sơ hai trang tiêu chuẩn. Nó sẽ gây khó khăn cho các quan chức cấp cao (vì thiếu thời gian) nhưng sẽ hữu ích đối với các quan chức chính sách cấp thấp (các văn phòng khu vực của Bộ Ngoại giao hoặc Đại sứ quán Hoa Kỳ) và các nhà quản lý cấp cao trong ngành tình báo, chẳng hạn như các trưởng phòng khu vực. Các báo cáo này hiếm khi được gửi trực tiếp đến các nhà lãnh đạo cấp cao, ngoại trừ trường hợp một số phân tích là nội dung được yêu cầu trong một cuộc họp giao ban.
Nếu như việc soạn thảo các bài đánh giá lãnh đạo nước ngoài là một công việc thường xuyên (các bài đánh giá dài hai trang được duy trì luân phiên đối với các nhân vật lớn trên thế giới) và một số trong chúng thì được đưa ra nhân dịp các sự kiện đột suất. Chẳng hạn bản đánh giá sẽ được soạn thảo hoặc cập nhật trước cuộc gặp với lãnh đạo nước ngoài hoặc chuyến công du nước ngoài của tổng thống hoặc nhà hoạch định chính sách cấp cao (ví dụ: hồ sơ lãnh đạo cho những người tham gia cuộc họp G-7), hoặc chúng được nêu tóm tắt trong cuộc họp giao ban tình báo hàng ngày của tổng thống hoặc nằm trong bản tóm tắt thông tin tình báo cấp cao được phổ biến rộng rãi hơn.
Hiếm khi một lãnh đạo cấp cao trực tiếp yêu cầu một cuộc họp bằng văn bản về một nhà lãnh đạo nước ngoài cụ thể. Khi những yêu cầu như vậy được đưa ra, nó thường dành cho những mục tiêu khó khăn nhất và ở vào thời điểm có những căng thẳng quốc tế đáng kể.
Hoạt động phân tích các nhà lãnh đạo nước ngoài đôi khi cũng đã tạo ra những vụ bê bối lớn cho tình báo Mỹ. Khi Thủ tướng Đức Angela Merkel phát hiện ra mình bị nghe lén điện thoại và lên tiếng phản đối gay gắt trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ Obama, ông Obama hoàn toàn bị bất ngờ và đã tỏ ra kinh hoàng về chuyện này.
Trở về Mỹ, ông đã yêu cầu mở một cuộc điều tra. Điều đã gây kinh ngạc cho Tổng thống Obama lại là một hoạt động rất bình thường của cộng đồng tình báo Mỹ. Sử dụng thế mạnh vượt trội trong lĩnh vực công nghệ, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ thường xuyên do thám và đánh cắp thông tin về các nhà lãnh đạo nước ngoài trên các mạng thông tin truyền thông, mục đích là cố gắng hiểu rõ ý định thực của họ để làm cơ sở viết các báo cáo phân tích lãnh đạo nước ngoài.