Nghiệp vụ vay-trả nợ lòng vòng giữa Kinh Bắc và các công ty con
Thông tin từ Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HOSE: KBC) cho biết, lãi ròng của cổ đông công ty mẹ chỉ giảm 8% thay vì 73% theo báo cáo tài chính soát xét bán niên công bố trước đó, nhưng không giải trình cho sự thay đổi này.
Lợi nhuận thay đổi sau văn bản đính chính
Văn bản đính chính từ Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc cho thấy mức giảm của khoản lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ chỉ là 8%, từ 55,5 tỉ đồng xuống 50,87 tỉ đồng – thay vì giảm 73%, từ 55,5 tỉ đồng xuống mức hơn 15 tỉ đồng – như nội dung được trình bày báo cáo tài chính soát xét bán niên công bố trước đó.
Ngược lại, lãi ròng của cổ đông không kiểm soát điều chỉnh từ 90 tỉ đồng giảm xuống còn 54 tỉ đồng, không biến động nhiều so với báo cáo tự lập. Nhờ vậy, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của doanh nghiệp tính đến 30-6-2020 cũng được điều chỉnh tăng từ 4.114 tỉ đồng lên 4.150 tỉ đồng.
Ngoài những chỉ tiêu trên, các chỉ tiêu khác trong báo cáo tài chính không ghi nhận nhiều thay đổi. Theo đó, doanh thu của Kinh Bắc đạt mức 727,3 tỉ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ năm 2019. Tương tự, doanh thu tài chính cũng doanh nghiệp cũng 8,1% xuống mức 27,2 tỉ đồng.
Ngoài ra, chi phí quản lí doanh nghiệp tăng 6,5% lên 108,3 tỉ đồng đã khiến lãi thuần từ hoạt động kinh doanh của Kinh Bắc giảm xuống mức 155,3 tỉ đồng, tương ứng mức giảm 76,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Sau khi ghi nhận thêm khoản thu nhập khác và trừ khoản thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, lợi nhuận sau thuế của Kinh Bắc giảm 79,5% so với cùng kỳ năm 2019 - từ 512,9 tỉ đồng xuống còn 105,1 tỉ đồng – do hoạt động kinh doanh chịu ảnh hưởng bởi Covid-19.
Với kết quả trên, Kinh Bắc chỉ hoàn thành 12,9% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2020 theo phương án khả quan và 10,5% theo phương án tích cực được Đại hội đồng cổ đông thông qua trước đó.
Nghiệp vụ vay-trả nợ lòng vòng giữa Kinh Bắc và các công ty con
Báo cáo tài chính riêng của Kinh Bắc cho thấy khoản lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp giảm hơn 797% so với cùng kỳ năm 2019 – xuống mức âm hơn 113 tỉ đồng – do chi phí tài chính tăng 18,5% so với cùng kỳ - từ 87,1 tỉ đồng lên 103,3 tỉ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay chiếm tới 99,2% tổng chi phí tài chính của Kinh Bắc, chủ yếu tới từ các khoản vay - cho vay giữa công ty mẹ và công ty con, công ty có liên quan.
Cụ thể, công ty mẹ Kinh Bắc phải thanh toán 3,55 tỉ đồng lãi vay cho Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng – đơn vị Kinh Bắc hiện nắm 86,54% cổ phần. Trước đó, doanh nghiệp này đã cho Kinh Bắc vay hai lần với giá trị lần lượt là 297,2 tỉ đồng và 274 tỉ đồng với lãi suất lần lượt là 10% và 10,5% mỗi năm. Mới đây, ngày 29-7, Kinh Bắc đã tiếp tục công bố nghị quyết về việc vay 300 tỉ đồng từ doanh nghiệp này theo hình thức tín chấp.
Còn với khoản vay trị giá 479 tỉ đồng từ Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang - công ty con của doanh nghiệp, Kinh Bắc phải trả khoản lãi vay trong kỳ lên tới 16,4 tỉ đồng.
Nhưng khá bất ngờ khi đầu tháng 8-2020, ban lãnh đạo Kinh Bắc lại ban hành nghị quyết về việc cho Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng và Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang vay tổng số tiền 400 tỉ đồng theo hình thức tín chấp, để giúp doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Theo đó, hai khoản vay này không có tài sản đảm bảo, lãi suất vay theo thỏa thuận từng hợp đồng vay, còn tiền lãi thanh toán một lần khi tất toán khoản vay
Với Công ty cổ phần Đầu tư Vinatex Tân Tạo – một doanh nghiệp liên quan tới ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, doanh nghiệp này cũng phát sinh khoản lãi vay phải trả tính tới 30-6-2020 là 5,9 tỉ đồng.
Ngoài ra, một số công ty con khác cũng phát sinh lãi cho vay hoặc lãi vay phải trả trong kỳ như Công ty TNHH một thành viên Đầu tư Kinh Bắc - Đà Nẵng, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Khu công nghệ cao Sài Gòn.
Hoàng Thắng