Nghìn tỷ gửi ngân hàng, đại gia thoát lỗ trong gang tấc
Nhiều đại gia bất động sản, khu công nghiệp, bảo hiểm, phân bón... đang phụ thuộc lớn vào lãi tiền gửi ngân hàng để cứu vớt các chỉ tiêu tài chính đỡ xấu hơn.
Nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp Long Hậu đã không còn phát sinh nguồn thu từ cho thuê đất trong quý III, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn thu hơn trăm tỷ đồng. Doanh thu chủ yếu chỉ còn đến từ cho thuê nhà xưởng, khu lưu trú, trung tâm thương mại và các hoạt động khác.
Tình trạng này khiến doanh thu của Long Hậu lao dốc 62% trong quý kinh doanh gần nhất. Lợi nhuận trước thuế theo đó cũng giảm 59% về dưới mốc 42 tỷ đồng.
Đáng nói là phần lợi nhuận này có sự đóng góp quan trọng của doanh thu tài chính (toàn bộ là lãi tiền gửi ngân hàng) với hơn 24 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm đến hơn phân nửa lợi nhuận. Doanh nghiệp hưởng lợi từ môi trường lãi suất cao khi vẫn duy trì số dư tiền gửi ngân hàng gần 1.100 tỷ đồng.
Tính chung 9 tháng đầu năm, công ty khu công nghiệp này ghi nhận doanh thu giảm phân nửa về dưới 250 tỷ đồng (do doanh thu cho thuê đất gần như không có trong quý II và quý III). Lợi nhuận trước thuế giảm 38% còn 133 tỷ đồng, trong đó có đóng góp lớn của khoản tiền lãi ngân hàng hơn 57 tỷ đồng.
Đại gia phân bón Đạm Cà Mau còn bị phụ thuộc lớn hơn vào khoản lãi tiền gửi ngân hàng. Công ty phân bón có một quý kinh doanh tiêu cực với doanh thu giảm 9% và lợi nhuận lao dốc 87%, xuống lần lượt 3.150 tỷ và 105 tỷ đồng, là mức thấp nhất trong 11 quý.
Thực tế, Đạm Cà Mau thậm chí có thể còn bị thua lỗ nếu không có khoản doanh thu tài chính tăng đột biến 150% so với cùng kỳ lên 200 tỷ đồng (bao gồm hơn 150 tỷ đồng là lãi tiền gửi và còn lại là lãi chênh lệch tỷ giá).
Doanh nghiệp thừa nhận doanh thu tài chính thuận lợi là một trong các điểm sáng hoạt động, bên cạnh sản lượng tiêu thụ tăng. Tuy nhiên, giá phân bón giảm sâu và tăng mạnh các chi phí bán hàng đã khiến kết quả trở nên kém khả quan.
Đạm Cà Mau vẫn duy trì số dư gần 9.800 tỷ đồng gửi ngân hàng và đang đóng góp chủ lực vào chỉ tiêu kinh doanh. Công ty có lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 714 tỷ đồng, thì trong đó đã bao gồm đến 400 tỷ đồng là lãi tiền gửi ngân hàng.
Bất động sản CRV - công ty địa ốc thuộc hệ sinh thái Hoàng Huy Group của ông Đỗ Hữu Hạ - tương tự đang phải "sống nhờ" từ nguồn tiền lãi ngân hàng. Đơn vị này ghi nhận lãi hoạt động tài chính tăng 16% lên trên 92 tỷ đồng (toàn bộ là lãi tiền gửi/cho vay).
Con số này có ý nghĩa quan trọng bởi nó đóng góp lớn nhất vào mức lợi nhuận trước thuế 108 tỷ đồng trong giai đoạn 1/7-30/9/2023 của Bất động sản CRV, tương đương với tỷ lệ đóng góp đến 85% vào lợi nhuận.
Thực tế, đóng góp chủ lực trong những quý vừa qua vẫn đến từ khoản thu lãi tiền gửi/cho vay và ngược lại không phát sinh chi phí tài chính. Công ty hiện có số dư tiền gửi ngân hàng 4.576 tỷ đồng, hưởng các mức lãi suất trong khoảng 3,4-11%/năm.
Công ty cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (Vefac) - công ty con của Vingroup - gần như gặp khó khăn trong hoạt động chính, nguồn thu nuôi sống doanh nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào khoản tiền gửi nhàn rỗi đầu tư vào trái phiếu và cho vay đối tác.
Theo báo cáo quý III, Vefac ghi nhận tiền lãi tiền gửi, lãi trái phiếu và cho vay vượt mức 150 tỷ đồng, tăng thêm 10% so với cùng kỳ. Hiện công ty chủ yếu rót 1.657 tỷ đồng vào trái phiếu để lấy lãi 8,5%/năm và cho các doanh nghiệp khác vay 3.391 tỷ đồng với lãi suất 12%/năm.
Một số doanh nghiệp khác cũng đang cho thấy khoản lợi nhuận từ lãi tiền gửi/cho vay đóng góp quan trọng vào kết quả kinh doanh chung đáng kể như FPT Telecom, Bảo hiểm Agribank, Dược Hậu Giang hay Hóa chất Đức Giang...
Theo số liệu của Ngân hàng nhà nước, tổng số tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng tính đến tháng 8 đã đạt trên 12,4 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi của dân cư tăng thêm 9,68% lên khoảng 6,43 triệu tỷ đồng và các doanh nghiệp tăng 1% số dư gửi tiết kiệm lên hơn 6,01 triệu tỷ đồng.