Nghìn tỷ trôi sông, đổ biển (Bài 1)

Là 2 địa phương trực tiếp hứng chịu bão số 3 đổ bộ với cường độ mạnh nhất, tổng thiệt hại của Hải Phòng và Quảng Ninh lên tới hơn 35 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, đây là nơi có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn do người dân sống nhờ biển, làm giàu từ biển. Thế nhưng, bão số 3 đã khiến nhiều gia đình bỗng nhiên trắng tay chỉ sau một đêm… Song, vượt lên đau thương, những người dân nơi đây đang kiên cường đối mặt, khắc phục hậu quả, tái thiết lại cuộc sống, tiếp tục sản xuất kinh doanh. Hiện, chính quyền hai địa phương cũng như ngành ngân hàng đang khẩn trương đồng hành, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.

Tan hoang vì siêu bão

Huyện Vân Đồn là địa phương có quy mô nuôi trồng thủy sản trên biển lớn nhất tỉnh Quảng Ninh, bão số 3 làm thiệt hơn 3.693 tỷ đồng, trong đó riêng thiệt hại về nuôi trồng thủy sản trên biển là trên 2.200 tỷ đồng. Cụ thể, loại nhuyễn thể thiệt hại ước tính trên 1.300 tỷ đồng; cá biển trên 500 tỷ đồng; hải sản khác gần 400 tỷ đồng. Ngoài ra còn thiệt hại 318 nhà bè; gần 90 tàu thuyền các loại bị đắm, vỡ. Đến nay đã qua hơn nửa tháng nhưng hậu quả của nó vẫn còn nguyên vẹn là những đống đổ nát, tan hoang và những phận người ngập trong sợ hãi…

Những bè cá tan tác, những giọt nước mắt vẫn lăn dài trên những khuôn mặt đen xạm, ánh mắt thất thần. Siêu bão đã cướp đi của người dân niềm hy vọng, tương lai mờ mịt với 2 bàn tay trắng. “Giờ chúng tôi gặp nhau cứ ôm nhau khóc, dẫu vẫn tự động viên còn người là còn của, song nhìn những mất mát sau bão, mới thấy mình bất lực, mới thấy mình bé nhỏ biết bao trước thiên nhiên”, chị Ngô Thị Thúy - Khu phố Thống Nhất 2, xã Tân An gạt nước mắt chia sẻ.

Công an tỉnh Quảng Ninh giúp ngư dân sửa chữa lồng bè nuôi cá sau bão số 3, nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống.

Công an tỉnh Quảng Ninh giúp ngư dân sửa chữa lồng bè nuôi cá sau bão số 3, nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống.

Ông Nguyễn Văn Thành, một ngư dân của xã Thắng Lợi (huyện Vân Đồn) cho biết, gia đình ông nuôi 2 vạn lồng bè gồm hàu, cá chim, cá giò, cá song… trước bão ông đã bỏ ra hơn chục triệu đồng để thuê nhân công gia cố phòng chống, nhưng bão quá khủng khiếp đã đánh bay tất cả. Kể cả ngôi nhà gia đình ông ở cũng bị bão đánh sập, ông Thành ước tính tổng tài sản thiệt hại khoảng 12 tỷ đồng.

Tại thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh), ước tính thiệt hại 2.100 tỷ đồng. Ông Đàm Chí Thiết, Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Tân (thị xã Quảng Yên) chia sẻ, xã Hoàng Tân vốn là niềm tự hào của Quảng Yên về nghề nuôi thả thủy sản, với diện tích gần 2.000ha mặt nước, bao nhiêu năm nay người dân nơi đây kiên gan bám biển, sống nhờ vào biển. Nhưng chỉ sau 1 cơn bão, thành quả mấy chục năm của bà con xã Hoàng Tân đã bị nhấn chìm, 1.040 căn nhà tốc mái, trường học, trụ sở ủy ban, trung tâm văn hóa xã tan hoang, nặng nề nhất là nuôi trồng thủy sản với 2.016 bè nuôi hà, nuôi hàu đại dương, 36 đầm nuôi cá mất trắng.

Còn ông Trần Văn Hoan (xã Hoàng Tân) ngậm ngùi cho biết, mới hơn tháng trước, chủ hàng bên Trung Quốc sang đặt cọc 1 tỷ đồng cho 2 cặp bè hàu đại dương, hẹn giữa tháng 9 sẽ thu hoạch nhưng bão đã cuốn đi sạch bách. Tổng cộng nhà ông có 20 cặp bè trên diện tích 32.000m2 mặt nước đều tan theo bọt biển. “Vẫn biết bão nào cũng thiệt hại, nhưng không ngờ trận này đau đớn đến thế…” – Ông Hoan nghẹn ngào.

Cũng bi đát không kém, ông Nguyễn Sỹ Bính (quê ở xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) là một trong những người tiên phong nuôi hàu treo dây, nuôi cá lồng bè. Bão số 3 ập tới, toàn bộ hệ thống HDPE dùng để làm nhà bè, giàn nuôi hàu, lồng nuôi cá và rong sụn trị giá gần chục tỷ đồng của ông bị sóng gió đánh tan tành; 2 giàn hàu trị giá gần 2 tỷ đồng của ông bị bão cuốn bay; các lồng nuôi cá song trị giá khoảng 500 triệu đồng cũng bị sóng đánh chết hoặc trôi ra biển.

Vượt lên khó khăn tiếp tục bám biển

Từ thị xã Quảng Yên hướng nhìn ra đảo Tuần Châu và vịnh Hạ Long, xã đảo Hoàng Tân trông giống như một doi đất trồi lên giữa mênh mông đầm vịnh Yên Lập và hòn Cái Bè. Với diện tích rộng hơn 4.000ha, già nửa số đó là mặt biển, bão Yagi khiến hơn 1.000 hộ dân, xấp xỉ 4.000 nhân khẩu trở tay không kịp. Cả một vùng biển, đã được tỉnh Quảng Ninh quy hoạch chỉnh tề và đang từng bước triển khai các thủ tục cấp phép nuôi biển, phút chốc thành tan nát.

Theo thống kê của UBND tỉnh Quảng Ninh, bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp của tỉnh, với hơn 2.600 cơ sở nuôi thả thủy sản bị thiệt hại, hơn 7.400ha lúa và hoa màu bị ngập úng, hơn 365.000 gia súc, gia cầm bị chết hoặc lũ cuốn trôi. Trong đó nuôi thả thủy sản huyện Vân Đồn, TP Cẩm Phả và thị xã Quảng Yên được đánh giá là những địa phương bị thiệt hại lớn nhất.Đó mới chỉ là thiệt hại trên lĩnh vực nuôi thả thủy sản, còn về tổng thể, mức độ thiệt hại của ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh do bão số 3 lớn hơn rất nhiều.

Ngư dân tỉnh Quảng Ninh gom ngư cụ, bè cá, con giống để tái hoạt động sản xuất sau bão.

Ngư dân tỉnh Quảng Ninh gom ngư cụ, bè cá, con giống để tái hoạt động sản xuất sau bão.

Cũng theo báo cáo của UBND tỉnh, bão số 3 đã khiến 117.311,8ha rừng trong tỉnh bị hư hỏng, thiệt hại do cây gãy đổ, ước tính tổng giá trị thiệt hại trên 5.000 tỷ đồng, chủ yếu là rừng trồng sản xuất lâm nghiệp. Đơn cử như TP Cẩm Phả, ngoài gần 400 hộ nuôi thả thủy sản bị tổn thất, còn có hàng chục nghìn ha rừng trồng bị phá hủy. Chỉ tính khu vực xã Dương Huy (TP Cẩm Phả), ông Trần Đức Chuyển - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, bão số 3 làm 1.122ha rừng trồng của người dân ở địa phương bị thiệt hại.

Bà Hoàng Thị Lâm (thôn Tân Hải, xã Dương Huy) cho biết, gia đình bà có 130ha rừng keo đã đến kỳ thu hoạch, trước bão đã có người trả giá 100 triệu đồng/ha nhưng gia đình còn chần chừ chưa muốn bán, giờ bị bão phá hủy gần hết, còn một số cây có thể thu hoạch được cũng chỉ bán được 70 nghìn đồng/tấn.

Còn tại Hải Phòng, dù mức độ thiệt hại không bằng Quảng Ninh, nhưng con số cũng vô cùng lớn. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hải Phòng Bùi Thanh Tùng, thiệt hại của ngành nông nghiệp Hải Phòng là gần 6.000 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng thiệt hại của toàn thành phố. Trong số đó, diện tích cây trồng bị ảnh hưởng là hơn 35.000ha với thiệt hại gần 2.800 tỷ đồng; diện tích rừng thiệt hại hơn 3.300ha khoảng hơn 450 tỷ đồng; lĩnh vực chăn nuôi thiệt hại 467,2 tỷ đồng, thủy lợi thiệt hại 61,4 tỷ đồng và nuôi thả thủy sản với thiệt hại 1.162,2 tỷ đồng.

Điển hình như tại quần đảo Cát Bà, nơi có sản lượng nuôi thả thủy sản lớn nhất Hải Phòng với hơn 1.000 lồng bè các loại. Sau bão, toàn bộ hệ thống cung cấp nguồn đặc sản như hàu đại dương, cá song vua, cá song thương phẩm, cá giò cùng nhiều loại nhuyễn thể đều tan nát, có lồng bè bị nhấn chìm tại chỗ, có lồng bè đứt dây neo, vỡ mảng bị cuốn trôi đi đâu cũng không xác định được.

Ông Đỗ Mạnh Toàn, hộ nuôi thả ở vụng Cái Bèo (đảo Cát Bà) cho biết, dù được chính quyền địa phương tuyên truyền, các hộ nuôi thả đã gia cố, chằng buộc kỹ lưỡng nhưng cũng không thể chống đỡ nổi. Gia đình ông Toàn mất trắng khoảng hơn 60 tấn cá, trong khi đó tại khu vực Cát Bà có nhiều hộ đầu tư lớn hơn nhiều, chỉ một cơn bão qua tất cả trở về với bàn tay trắng.

Thiệt hại là thế, mất mát là thế, nhưng đến hôm nay, dù trước mắt còn bao ngổn ngang, nhưng ngư dân ở các vùng thiệt hại đã bắt tay vào thu dọn môi trường, phân loại trang thiết bị để tận dụng lại những vật tư có thể hồi phục, cũng như thu gom con giống sót lại và có thể hồi phục. Nhờ vậy, một số lượng đáng kể các lồng, bè, mảng nuôi đã tái hoạt động trở lại. Giờ, đi đâu cũng nghe mọi người hỏi thăm nhau, sẻ chia và đầy cảm thông về những mất mát, thiệt hại do bão gây ra. Dẫu biết hoàn lưu sau bão gây lũ lụt, sạt lở ở các tỉnh miền núi là không thể đong đếm, song với những người dân, doanh nghiệp trắng tay sau 1 đêm mưa bão ở Quảng Ninh, Hải Phòng, những mất mát đó cũng đã đánh đổi toàn bộ công sức của những người dân…

“Bão qua đi, mọi người sẽ tiếp tục công việc của mình, tiếp tục gắn bó với biển để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Vẫn biết quá trình làm lại từ đầu nhiều khó khăn, nhưng những ngư dân gan dạ, những người con kiên trung nơi địa đầu Tổ quốc chúng tôi sẽ không vì khó khăn mà nản lòng, mà từ bỏ. Với ý chí và sức mạnh của sự đồng lòng, Quảng Ninh và Hải Phòng sẽ lại đứng lên như tinh thần “hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy bày tỏ hy vọng.

Văn Huy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/nghin-ty-troi-song-do-bien-bai-1--i744776/