Ngộ độc nặng, suýt bỏ mạng vì ăn bọ xít rang
Một vụ ngộ độc nghiêm trọng đã xảy ra tại Ninh Bình khi 5 người đàn ông phải nhập viện sau khi ăn bọ xít rang. Trong số đó, hai người bị suy hô hấp và liệt cơ, phải chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu.
Bác sĩ khuyến cáo, không nên ăn các loại côn trùng không rõ nguồn gốc
Theo thông tin từ Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, 5 bệnh nhân đã ăn bọ xít vào khoảng ba giờ trước khi có biểu hiện nôn, đi ngoài, đau mỏi khắp người. Họ đã được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, hai bệnh nhân (38 và 39 tuổi) do tình trạng nặng nên tiếp tục được chuyển lên Hà Nội.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, cho biết hai bệnh nhân này đã bị ngộ độc do ăn loại bọ xít có chứa độc tố gây tổn thương cơ và cơ hô hấp. Họ đã được truyền thuốc thải độc và thở máy, may mắn sống sót sau một tuần điều trị.
Bác sĩ Nguyên cũng cho biết loại bọ xít gây ngộ độc cho các bệnh nhân chưa được xác định tên khoa học. Mẫu bọ xít này đã được gửi đến Viện Sinh thái thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam để nghiên cứu.
Theo lời kể của một bệnh nhân, họ đã bắt được khoảng 0,7 kg bọ xít trên cây vải và mang về rang để ăn. Do bọ xít nhỏ nên họ không biết đã ăn bao nhiêu con. Bọ xít còn dư sau khi ăn đã được mang theo để các bác sĩ nhận diện.
Trước đó, Trung tâm chống độc cũng từng tiếp nhận các ca ngộ độc do ăn loại bọ xít này. Năm 2021, có 6 người trong một gia đình ở Hòa Bình đã phải nhập viện vì ăn khoảng 0,5 kg bọ xít rang. Một người trong số đó đã hôn mê và suy đa tạng.
Bác sĩ Nguyên khuyến cáo, không nên ăn các loại côn trùng không rõ nguồn gốc và tính chất vì có thể gây ngộ độc hoặc lây nhiễm các mầm bệnh. Trong tự nhiên có nhiều loại bọ xít khác nhau, có loại có độc hoặc không có độc. Tuy nhiên, rất khó để phân biệt chúng và khi ngộ độc sẽ gặp nhiều khó khăn trong chẩn đoán và điều trị.
1 người tử vong, 2 người phải nhập viện cấp cứu do ăn côn trùng lạ
Trước đó, ngày 19/4, ông Võ Nguyên Nam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai xác nhận trên địa bàn vừa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm do ăn côn trùng làm 1 người tử vong, 2 người phải nhập viện cấp cứu.
Cụ thể, 3 nạn nhân là ông Đinh Văn Gré (sinh năm 1963), anh Mai Văn Mói (sinh năm 1983) và bà Phạm Thị Dép (sinh năm 1976), cùng trú thôn Măng Đen, xã Ba Vì, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Cả 3 người này đang khai thác bạch đàn thuê tại xã Đăk Sông, huyện Kông Chro.
Loại côn trùng các nạn nhân đã ăn và dẫn đến ngộ độc. Ảnh: IT
Quá trình làm thuê, ông Gré bắt được nhiều con côn trùng màu đen, đem về chế biến và đến khoảng 17 giờ 30 ngày 18/4, ông Gré rủ anh Mói và bà Dép cùng ăn. Đến khoảng 19h, cả 3 người có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, đau đầu và đi cầu nhiều lần. Đến 3 giờ ngày 19/4, ông Gré kiệt sức và tử vong; 2 trường hợp còn lại được những người xung quanh phát hiện, đưa đến Trung tâm Y tế huyện Kông Chro cấp cứu, sau đó sức khỏe đã tạm ổn định.
Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền và nhà hảo tâm đã hỗ trợ để đưa nạn nhân tử vong về quê, ngành y tế cũng đang tích cực chăm sóc cho các nạn nhân nhập viện điều trị.
Theo Giáo sư Bùi Công Hiển thuộc Hội Côn trùng học Việt Nam, hiện nay có khoảng 225 loài côn trùng được khai thác làm thực phẩm ở Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Ở Việt Nam, có 34 loài côn trùng được đồng bào dân tộc vùng núi thu bắt làm thực phẩm, sử dụng làm món ăn. Dù đã có những cảnh báo nhưng những vụ ngộ độc vì ăn côn trùng lạ vẫn liên tiếp xảy ra.
Do vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân không nên ăn các thức ăn được chế biến từ các loại côn trùng. Trong trường hợp sử dụng món ăn từ côn trùng, người dân chỉ nên ăn những loài côn trùng đã được sử dụng làm thức ăn quen thuộc như nhộng, châu chấu, cào cào..., không nên chế biến, ăn những loài côn trùng lạ. Đặc biệt, khi chế biến món ăn từ côn trùng cần phải có quy trình xử lý bảo đảm. Cần ngâm, rửa sạch côn trùng bằng nước muối ấm hoặc nước vôi trong để "khử" hết nấm độc, giun, rận... bám trên mình côn trùng và để côn trùng bị kích thích, thải hết chất độc trong ruột, tại các tuyến ngoại tiết. Loại bỏ ruột, cánh, chân, đầu, vòi của côn trùng. Ngoài ra, tuyệt đối không ăn sống, ăn tái côn trùng; phải đun chín kỹ và ăn ngay sau khi chế biến.