Ngộ độc rượu, mất an toàn thực phẩm gia tăng dịp cuối năm
Tết Dương lịch đã cận kề và rất nhanh sau đó là Tết Nguyên đán, nhu cầu ăn uống, tiệc tùng tất niên bắt đầu tăng, các mặt hàng thực phẩm khác cũng sôi động hơn, kéo theo đó là nguy cơ ngộ độc thực phẩm nếu không kiểm soát tốt. Điển hình như vụ việc ngày 20-12 tại Hà Nội, ít nhất đã có 2 trường hợp tử vong chưa rõ nguyên nhân và 14 người phải đi cấp cứu do nghi ngờ liên quan đến bữa liên hoan của một doanh nghiệp trên địa bàn quận Long Biên…
Rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc tràn ra thị trường
Ngộ độc rượu bia không chỉ là mối quan tâm hàng đầu về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) dịp cuối năm, mà với các y bác sĩ của Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, đó là nỗi ác mộng mỗi dịp Tết đến, xuân về. Thông thường cứ từ tháng 12 trở đi, lượng bệnh nhân ngộ độc rượu vào cấp cứu tại đơn vị này bắt đầu tăng nhanh. Theo TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, dịp cuối năm nào Trung tâm cũng tiếp nhận rất nhiều ca ngộ độc rượu, trong đó có những trường hợp nặng do uống quá nhiều rượu ethanol (rượu thông thường) và không ít ca tử vong do uống rượu pha cồn công nghiệp methanol.
Ngoài việc nhu cầu sử dụng cao hơn thì nguyên nhân khác dẫn đến ngộ độc rượu gia tăng dịp Tết là do các loại rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu nấu thủ công không có kiểm soát ATTP tràn ra thị trường. Ngày 18-12, Công an tỉnh Quảng Bình đã bắt giữ một xe tải chở gần 1.600 chai rượu ngoại các loại nhập lậu đang trên đường vận chuyển từ Quảng Trị ra Hà Nội để tiêu thụ như Chivas, Macallan, Ballantines… Tất cả số rượu này đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không dán tem nhập khẩu. Tại Hà Nội, khi kiểm tra một nhà hàng tại huyện Chương Mỹ, cơ quan chức năng phát hiện hơn 500 lít rượu màu thủ công không rõ nguồn gốc. Chủ cơ sở cho biết, số rượu này được đặt của người dân tự nấu và ngâm. Biết bán rượu không rõ nguồn gốc sẽ bị xử phạt, nhưng vì lợi nhuận, chủ cơ sở vẫn kinh doanh.
Về vấn đề này, bà Trần Việt Nga - Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho biết, rượu bia là mặt hàng được sử dụng nhiều dịp cuối năm. Vì thế, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm bày bán, lưu thông trên địa bàn. Qua đó, phát hiện sớm, truy xuất triệt để nguồn gốc vi phạm; kiên quyết xử lý các vi phạm, nhất là hành vi làm giả, làm nhái, sử dụng nguyên liệu bị cấm trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông; yêu cầu các đơn vị, người dân không sử dụng rượu không dán tem mác.
Đồng loạt mở đợt cao điểm thanh tra, kiểm tra
Tại Hà Nội, trong năm 2024, các lực lượng chức năng từ cấp thành phố đến xã/phường đã kiểm tra gần 71.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Qua kiểm tra, có 63.445 cơ sở đạt (chiếm tỷ lệ 89,6%) và phát hiện 7.364 cơ sở vi phạm, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 3.234 cơ sở với số tiền phạt hơn 14,1 tỷ đồng. Như vậy, vẫn có khoảng 10,4% số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm có tồn tại các vi phạm.
Theo bà Vương Thị Ngọc Diên - Trưởng phòng Y tế huyện Thạch Thất, công tác quản lý ATTP hiện còn khó khăn do hàng hóa phong phú về chủng loại, mẫu mã; nhiều thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ; xuất hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường, trong khi nhân lực thực hiện công tác quản lý ATTP còn mỏng tại cấp huyện và cấp xã; đa số công chức kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ. Việc thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các loại thực phẩm cũng gây khó khăn cho cơ sở sản xuất, kinh doanh tự công bố sản phẩm, đồng thời là rào cản đối với cơ quan quản lý Nhà nước trong hoạt động giám sát, kiểm tra, hậu kiểm việc tự công bố sản phẩm...
Ở đợt cao điểm cuối năm, bắt đầu từ ngày 15-12, thực hiện theo kế hoạch của UBND TP Hà Nội, các đoàn kiểm tra liên ngành ATTP đã ra quân đảm bảo ATTP phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và lễ hội xuân năm 2025. Ở cấp thành phố tổ chức 4 đoàn kiểm tra liên ngành do lãnh đạo Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương chủ trì. Ở cấp quận huyện, xã phường cũng thành lập các đoàn kiểm tra tương ứng. Ông Đặng Thanh Phong - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP (Sở Y tế Hà Nội) cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Chi cục tập trung phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Quá trình thanh tra, kiểm tra sẽ tập trung trọng tâm vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp lễ Tết như thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm... các cơ sở dịch vụ ăn uống.
Tại cấp Trung ương, nhằm bảo đảm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa lễ hội xuân 2025, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương cũng vừa quyết định thành lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành và tiến hành kiểm tra tại 10 tỉnh, thành phố trọng điểm như Lạng Sơn, Thái Nguyên, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hà Nội, TP.HCM…
Theo Ban Chỉ đạo ATTP Trung ương, Tết Nguyên đán là thời điểm tiêu thụ thực phẩm tăng cao, đặc biệt là thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát và các loại hạt. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm gia tăng hoạt động, song đây cũng là thời điểm tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng và ATTP.