Ngõ nhỏ mờ sương

Sáng này, mở cửa ra thấy ngoài trời sương mù phủ như khói. Có thể ở đâu đó những sáng sớm sương giăng là chuyện bình thường dễ gặp. Nhưng ở xóm nhỏ này thì chỉ thỉnh thoảng mới thấy. Và dù chỉ là một lớp mỏng la đà trên con đường nhỏ cũng khiến lòng nôn nao nhớ một miền quê xa xôi, một khoảng tuổi thơ vời vợi ngày xưa...

Những ngày đó, mẹ gọi các con dậy sớm. Rồi mẹ tất tả ra cánh đồng làm theo lệnh kẻng của thôn. Con nhóc lớp 2 cùng lũ bạn lập cập lò cò xuýt xoa trên con đường đất lẫn sỏi đá. Sương mù quẩn trên lớp lá tre la đà ngoài ngõ. Sương ướt đẫm trên vạt cỏ khô ven đường. Đôi chỗ có những mạng nhện giăng trên bụi cỏ. Những hạt sương long lanh giăng theo từng chuỗi. Khẽ quờ chân vào là mạng những hạt nước ấy sẽ vỡ òa ra. Lạnh ngắt. Những vạt cỏ ven đường đội một lớp hạt nước trĩu nặng trên ngọn. Mỗi giọt như một quả cầu tròn trong veo. Khi những tia nắng đầu tiên dịu dàng hắt lên phía đông màu hồng nhạt thì những giọt nước đó cũng bắt đầu lung linh lung linh. Có một lần do hiệu ứng ánh sáng sao đó, cả một vạt cỏ đẫm sương nhất loạt sáng bừng lên. Ánh nắng dường như tỏa sáng hơn, tạo nên một khung cảnh thật khó bỏ qua. Nhớ ngày đó, tụi nhóc đi học tiểu học trường làng mà vẫn đi chân đất... Những đôi chân nứt nẻ ở gót, khi mùa hè có những cơn mưa rào đổ xuống thì lũ nhóc chạy ra tắm mưa. Chúng chạy ra cánh đồng chỗ đã gặt xong lúa, chỉ còn những gốc rạ. Vì là ruộng sình nên chúng nhảy choi choi trên những vạt rạ, nước mưa và rạ đã cọ cho đôi gót đứa nào cũng đỏ hồng lên. Những con châu chấu, muồm muỗm bay tứ tung xung quanh và bị chộp gọn trong những bàn tay trẻ con, rồi cho vào nhốt trong lọ thủy tinh mang theo. Khi về nhà, đổ châu chấu vào trụng trong nước sôi, vặt cánh, ngắt đầu rồi rửa sạch lại một lần và mang lên rang làm thức ăn. Đôi khi không chờ đươc, có đứa ném vội con muồm muỗm vào lớp than bên cạnh bếp lửa. Mùi thơm ngào ngạt bốc lên. Thân muỗm béo vàng. Lấy ra rồi khẽ vặt đôi càng và cắn khẽ. Trời. Đến giờ vẫn không thể quên mùi thơm của gian bếp, mùi thơm của châu chấu muồm muỗm nướng thuở xưa.

Cũng có lần đi qua một thành phố. Bỗng sững sờ khi bao phủ xung quanh cũng là bầu không gian mờ đục. Nhưng “làn sương” này không lãng đãng bảng lảng mà có vẻ nặng nề. Chú tâm hơn rồi mới thấy đó là làn bụi mỏng. Kéo kín hơn khẩu trang mà lòng thêm nhớ sương sớm năm nào. Còn lúc này, sương vấn vít trên tán cây, la đà trên mặt đường đá sỏi. Bóng người bóng xe thấp thoáng trong màn sương. Bóng đèn đường vàng cho thấy quầng sương quanh nó có vô số hạt bụi nước nhảy múa xung quanh. Không khí se se lạnh. Người ta bất giác khép chặt hơn tà áo khoác mỏng. Thêm chút gì như nhung nhớ cái lạnh chuyển mùa của xứ Bắc quê nhà.

Nắng đã lên. Lớp sương mờ đã tan gần hết, chỉ còn đôi hạt nước vương ướt trên bụi cỏ hay rìa chiếc lá của khóm quỳnh góc sân nhà ai. Con đường nhỏ giờ đông người và xe máy hơn. Người ta đến công sở, người ta đi chợ, và các cô cậu học trò từng nhóm lũ lượt đổ về cổng trường học. Tiếng cười đùa của lũ trẻ khiến ngõ nhỏ rộn rã và con đường bớt đi vẻ trầm mặc. Biết đâu sau đây vài chục năm, sẽ có đứa ngồi nhớ lại những khoảnh khắc này, ngõ nhỏ này cùng làn sương mờ mỏng nhẹ và những dáng người thấp thoáng… Đám trẻ của xóm mỗi lứa dần lớn lên, đi học và đi làm ở xa. Giờ xóm phần nhiều chỉ còn bố mẹ hay ông bà ở nhà. Chỉ dịp lễ, tết thì ngõ xóm mới đông đủ. Ở cuối ngõ xóm có một cây đa cổ thụ. Những cái bạnh vè dưới gốc lượn vặn vẹo. Trong những cái hốc cây dường như còn đọng khá nhiều những hạt bụi nước li ti li ti. Ánh nắng chiếu qua tán lá, những hạt bụi nước nhấp nháy. Lấp lánh rồi dần dần tan thành làn hơi mỏng bay lên thật nhẹ, thật êm. Làn gió nào bỗng ào về, quởn trên ngọn cây. Nghe như một lời chào của làn sương dành cho cây cối đất trời trước khi bay lên hòa trong nắng gió, để rồi chuẩn bị cho một vòng ngưng tụ tiếp theo khi đêm xuống.

Sương tan hết. Nắng vàng ngập tràn khắp nơi. Ngọn gió thổi dài trong ngõ xóm. Vài cánh bướm chập chờn bên khóm hoa tím đầu ngõ nhà ai. Như có làn hơi nước mát lạnh của những giọt sương vừa mới đâu đây…

Bích Thiêm

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/sang-tac/202208/ngo-nho-mo-suong-8261143/