Ngô Thì Chí- Văn nhân một thời ly loạn

Các sáng tác của Ngô Thì Chí bộc lộ rõ tấm lòng trung hiếu, tha thiết mong đất nước thống nhất yên bình; phê phán những kẻ khiếp sợ giặc xâm lăng hoặc đầu hàng chúng; tự hào coi trọng gia tộc.

(Toquoc)- Ngô Thì Chí tự Học Tốn, hiệu Uyên Mật, con trai thứ hai của Ngô Thì Sĩ, em cùng mẹ với Ngô Thì Nhậm. Ông sinh năm Quý Dậu (1753), đỗ Á nguyên Hương tiến, làm quan đến chức Thiêm thư bình chương tỉnh sự. Người làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, Hà Đông cũ (nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội).

Năm 1782, Trịnh Tông lên ngôi chúa, Ngô Thì Nhậm bỏ trốn vì sợ tội can hệ đến vụ án năm Canh Tý (1780), Ngô Thì Chí thay anh trông nom đại gia đình. Ông trung thành với nhà Lê, chống Tây Sơn, nhưng lại không mặn mà với công danh quan trường.

Năm 1786, Nguyễn Huệ ra Bắc phù Lê diệt Trịnh. Lúc này, Ngô Thì Chí không có hoạt động gì cụ thể. Ông lui về am Lệ Trạch, cuối năm đó viết Chi ngôn tiểu thoại tự (bài văn viết về những lời vụn vặt, không đầu không cuối).

Năm 1787, Nguyễn Huệ ra Bắc lần hai giết Vũ Văn Nhậm, Lê Chiêu Thống bỏ kinh thành chạy ra Hải Dương mưu đồ chống lại Tây Sơn. Ông nghe theo lời của Hoàng giáp Trần Danh Án, đến Chí Linh dâng bản Trung hưng sách, khuyên vua chọn nơi hiểm trở làm căn cứ địa, kêu gọi hào kiệt ứng cứu, đồng thời xin nhà Thanh ủng hộ bằng thanh viện. Chiêu Thống phái Ngô Thì Chí lên Lạng Sơn chiêu mộ lính chống Tây Sơn, nhưng mới đến huyện Phượng Nhãn (Bắc Giang) thì ông ốm nặng, rồi mất ở huyện Gia Bình (Bắc Ninh) năm 1788. Ông được truy tặng chức Hàn lâm Thị chế, tước Du Trạch bá.

Ngô Thì Chí là một trong những tác gia có tài của văn phái họ Ngô, có công soạn phần chính biên normal">Hoàng Lê nhất thống chí. Phạm Đình Hổ cho rằng “em ông Ngô Thì Nhậm là Thì Chí làm Thiêm tri binh phiên có soạn bộ sách Nhất thống chí” (Vũ trung tùy bút). Phan Huy Chú cho biết Hoàng Lê nhất thống chí chỉ có một quyển, gồm 7 hồi, 7 hồi đó do Ngô Thì Chí chép các chuyện từ thời Trịnh Sâm đến hết thời họ Trịnh. Hồi 1- Đặng Tuyên Phi được yêu dấu, đứng đầu hậu cung, Vương Thế Tử bị truất ngôi, ra ở nhà kín thuật chuyện Trịnh Kiểm phụ chính vua Lê Dụ Tông, quyền bính trong tay ngày càng mạnh; sang đời Hiển Tông Vĩnh hoàng đế, Trịnh Sâm kế tiếp tước vương chuyên quyền cậy thế, vua Lê chỉ biết chắp ray rủ áo. Ngô Thì Chí miêu tả khá rõ tính cách, chí hướng của Trịnh Sâm nhằm làm nổi bật tham vọng làm bá chủ cùng sự kiêu căng, xa xỉ của chúa. Cách thuật chuyện của Ngô Thì Chí có lớp lang, ghi chép sự kiện một cách khách quan, theo thứ tự thời gian nhằm cắt nghĩa nguồn cơn bê bối, rối ren xảy ra liên tiếp nơi phủ chúa. Như ngoại hình Đặng Thị Huệ chỉ được tả lướt, cốt ghi ấn tượng, song hành động, lời nói của nhân vật này lại được miêu thuật tỉ mỉ kĩ càng cho thấy dụng ý phê phán của người kể chuyện. Sự tinh tế, thâm trầm của Ngô Thì Chí ở chương này có lẽ được biểu hiện trước hết ở cách kể chuyện miêu tả sóng đôi nhân vật. Ngô Thì Chí dựng chân dung nữ tỳ Đặng Thị Huệ trước sau đó mới thuật chuyện Thái phi Ngọc Hoan; cũng vậy, sau khi chân dung vương tử Cán được hoàn thành thì hình ảnh Trịnh Tông mới xuất hiện. Cách kể chuyện như thế cho thấy người kể chuyện đã chọn điểm nhìn hiện tại, chú ý trần thuật từ điểm nhìn, quan điểm của Trịnh Sâm, nhằm tỏ cái sự yêu ghét thiên lệch của chúa, sự lấn lướt của Đặng Thị Huệ, sự loạn ở phủ chúa rõ ràng nảy sinh từ hậu cung ra, từ trên ngôi chúa xuống. Hồi 2 - Lập Điện đô, bảy quan nhận di chúc, Giết Huy quận, ba quân phò Trịnh vương, ở hồi này người kể đặc biệt quan tâm ngôn ngữ đối thoại của nhân vật. Cuộc đối thoại giữa Đặng Mậu Lân và Sử Trung mở đầu hồi thứ 2 cho độc giả thấy tính cách sinh động của nhân vật và cả cách kể linh hoạt, có chọn lọc của tác giả. Ngô Thì Chí tập trung tả sự biến phế trưởng lập thứ ở phủ chúa qua thủ pháp đối lập, các sự kiện được thuật theo từng chuỗi, một mặt làm nổi bật xung đột gay gắt qua sự thất bại, lớn mạnh của mỗi phe phái, mặt khác nhấn mạnh tình thế lịch sử cương thường bị đảo lộn, ý thức hệ phong kiến bị phá sản dẫn đến sự suy sụp tận gốc và tất yếu của một tập đoàn. Người kể chuyện ngôi thứ ba đặc biệt lưu ý đến chân dung Quận Huy. Đoạn đối thoại ngắn giữa Quân Huy và chúa Trịnh tả được từng bước thang danh vọng và thế lực đang mạnh của nhân vật này. Có thể nói, hồi 2 đã tái hiện được không gian ngột ngạt của hậu cung, dựng được chân dung của nhiều nhân vật, mỗi nhân vật có một diện mạo riêng, không ai bị nhòe lẫn trong tương quan với nhân vật khác. Đặng Thị Huệ hiểm độc, Trịnh Cán giữ vai trò bù nhìn, nội tâm nghèo nèn, hành động mờ nhạt. Quận Viêm hèn yếu, ích kỉ, Chiếu lĩnh bá cơ hội, mưu tính thấp hèn. Nguyễn Kiêm cũng là hạng hèn nhát. Quận Hoàn vụ lợi, xu nịnh, Quận Châu chỉ chăm lo giữ mạng sống cá nhân. Ngô Thì Chí rất khéo trong việc lựa chọn các chi tiết điển hình nhấn mạnh được cái cơ trí của Dự Vũ, tính chất tinh khôn của Gia Thọ, cái mạnh bạo dứt khoát gian xảo của người thủ xướng Bằng Vũ, dự tính sâu sắc của Bật Trực… Nói chung, họ Ngô xây dựng thành công một tình huống lịch sử, phản ánh chân thực sự kiện lịch sử sôi động cả kinh thành Thăng Long những năm 80 của thế kỉ XVIII. Hồi 3 - Dương nguyên cữu bàn chém kiêu binh, Nguyễn quốc sư mưu trừ nội loạn, Ngô Thì Chí tiếp tục phơi bày sự nổi dậy của đám kiêu binh, sự phá sản của đạo lí phong kiến từ dưới lên. Đánh giá hồi này, Hoàng Hữu Yên nhận định: “Dù thiên kiến, có cái nhìn không thiện cảm với cuộc nổi dậy này, Ngô Thì Chí cũng đã để lại nhiều trang văn rất chân thực và sinh động về khí thế của quân lính Tam phủ… cuộc bạo động của họ đã giáng một đòn quan trọng vào cái tập đoàn phủ liêu vốn đã ọp ẹp từ lâu, góp phần đẩy nhanh chế độ phong kiến đang khủng hoảng chóng tan rã” (Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII nửa đầu thế kỉ XIX). Hồi 4 - Nhờ ngoại viện, Hữu Chỉnh rửa thù thầy; Tỏ lòng trung, Trần Quán chết theo chúa, Ngô Thì Chí tả sự đa tâm, nông nổi của Trần Nguyễn Nhưng, thuật hành trạng chúa Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc nhằm cắt nghĩa tại sao Nguyễn Hữu Chỉnh lại chạy đến đất của Văn Nhạc; Ngô Thì Chí khắc họa hai chân dung đối nghịch - Nguyễn Trang “yêu chúa không bằng yêu thân mình” và Lý Trần Quán tự vẫn để tỏ lòng trung. Hồi này cũng dành nhiều trang miêu thuật hành động và ngôn ngữ của Nguyễn Hữu Chỉnh nhằm phơi bày tính cách thâm độc, dứt khoát, sấu sắc của hắn. Hồi 5 - Phò chính thống, thượng công vào điện, Kết duyên lành, công chúa ra xe, Ngô Thì Sĩ thuật cuộc đối thoại giữa Nguyễn Hữu Chỉnh và Đỗ Thế Long, diễn tả được sự giảo hoạt, bất nhân, bất nghĩa của Nguyễn Hữu Chỉnh; Nguyễn Bình theo kế của Hữu Chỉnh lấy danh nghĩa phò Lê đem quân ra Bắc diệt Trịnh; Chỉnh lại sắp đặt cho Nguyễn Huệ lấy công chúa Lê Ngọc Hân, con gái thứ của vua Lê, ở hồi này chân dung Nguyễn Huệ được mô tả gián tiếp qua nhiều nhân vật, tấm lòng ngưỡng mộ Tây Sơn của Ngô Thì Chí bộc lộ một cách kín đáo. Hồi 6 - Chúa Tây Sơn lẻn rút quân về nước, Quân Đông Giang mưu khởi nghĩa phò vương, Ngô Thì Chí kể việc Nguyễn Nhạc thấy thành tích, thế lực của Nguyễn Huệ lớn, lo sợ sinh chuyện không hay đã thân hành đem quân ra Bắc, rồi cùng Nguyễn Huệ rút quân về Nam, Chỉnh sợ ở lại sẽ bị trả thù nên cũng bỏ trốn theo; ở Bắc Hà thế lực ủng hộ họ Trịnh thừa cơ nổi dậy dựng Trịnh Bồng làm chúa mới, lại lấn át vua Lê Chiêu Thống, Ngô Thì Chí nhận xét tình cách của từng nhân vật rất sắc sảo. Hồi 7 - normal">Phò Lê đế, đạo Vũ thành lại ra quân, Đốt Trịnh cung, chúa án đô phải bỏ nước, Ngô Thì Chí kể chuyện nhà chúa gây dựng lại thế lực, âm mưu chuyên quyền; Hữu Chỉnh nhận được lệnh vua, ra Bắc bảo vệ kinh sư, đánh tan quân Trịnh, Trịnh Bồng sợ bỏ đi mất tích, Chiêu Thống sai đốt phủ chúa; sau Hữu Chỉnh cậy quyền thế mạnh có thể “lật nghiêng cả nước” lại coi thường lấn bức vua Lê, Ngô Thì Chí sử dụng rất đạt bút pháp châm biếm. Ngoài 7 hồi đó, Hoàng Lê nhất thống chí còn có phần tục biên, cũng 7 hồi, do Ngô Thì Du chép từ chuyện Lê Chiêu Thống chạy sang cầu cứu triều Thanh đến khi thi hài đưa về tại lăng Bàn Thạch ở Thanh Hóa.

Bên cạnh normal">Hoàng Lê nhất thống chí, tác phẩm của Ngô Thì Chí còn có Học phi thi tập, Học phi văn tập, Hào mân khoa sớ, Quốc sử tiệp lục…

Các sáng tác của Ngô Thì Chí bộc lộ rõ tấm lòng trung hiếu, tha thiết mong đất nước thống nhất yên bình; phê phán những kẻ khiếp sợ giặc xâm lăng hoặc đầu hàng chúng; tự hào coi trọng gia tộc. Thơ của ông giản dị, chân thành, cho thấy ông có tình cảm đặc biệt với Ngô Thì Nhậm, Trần Danh Án, có hứng thú “nhàn dật”, du ngoạn đó đây, ưa cảnh nhàn tĩnh, sông núi thanh bình. Ông thường nói về những việc cũ, vật cũ đã mờ phai phủ bụi, những không gian bốn phía không một bóng người (normal">Đề Thiên Thai sơn, Dã ngoại hoang từ...).

Thơ Ngô Thì Chí có màu sắc tiêu dao thoát tục, u hoài man mác. Con người trong thơ ông làm bạn với chốn dương đài, đình các, gác bỏ mọi mong muốn viển vông, mọi lời lẽ mưu toan danh lợi, có nhiều ngẫm nghĩ về lẽ đời. Ngô Thì Chí luôn nhìn những sự ly loạn, việc chìm nổi bằng tâm thế thoải mái khoan thai, tự tại an nhiên. Ông thường khuyên người đời không nên phàn nàn về việc đổi dời, mà hãy chấp nhận nó: “Nghìn xưa trời đất, con thuyền lớn/ Ly loạn đừng than lắm đổi dời” (Lữ triền tự cựu). Văn Ngô Thì Chí mạch lạc, có bài pha lối văn bạch thoại. Ngô Thì Chí cũng có nhiều ý kiến về văn chương khá sắc sảo, thú vị. Ông nói: “Tính ta chỉ thích thư thái, thoải mái, khoan thai, phóng túng, khác hẳn với đời. Những ý tưởng cao siêu phần nhiều nảy sinh lúc ngồi vui, lúc đi dạo, hoặc trầm tư suy nghĩ, khi nảy sinh ý tưởng thì lên cao trông xuống mà thưởng thức. Cái thú nói cười, ngâm nga thường khi tiếp xúc với cảnh vật, tác động qua lại, dẫn dắt lẫn nhau mà nổi lên. Đó là lúc linh khiếu ào thổi, thiên cơ rung động, không hẹn mà nên vậy” (Nguyễn Minh Tấn chủ biên. normal">Từ trong di sản)…

Hà Thanh Vân

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/thu-tuong-khong-dat-ra-nhung-quy-dinh-gay-kho-khan-cho-nguoi-ve-que-an-tet-42022191203333804.htm