Ngoại binh V.League: 3, 4 hay…?
Sau tranh luận về cầu thủ nhập tịch ở cấp độ đội tuyển, Indonesia và Malaysia lại làm dấy lên dư luận bóng đá Việt Nam về số lượng cầu thủ nước ngoài ở giải vô địch quốc gia.

Với 8 “Tây”, Nam Định cũng chỉ có thể qua vòng bảng Cúp C2 châu Á.
Theo đó, Malaysia Super League 2025-2026 cho phép mỗi câu lạc bộ (CLB) đăng ký 15 cầu thủ ngoại (gồm 1 châu Á và 2 Đông Nam Á). Còn Liga 1 mùa tới với tên mới Indonesia Super League, mỗi CLB được có đến 11 ngoại binh, ra sân 8 (mùa rồi là 8 và 6). “Quota” ngoại binh của Thai.League 1 tuy giảm từ 9 còn 7 nhưng bỏ, không giới hạn số lượng cầu thủ Đông Nam Á.
Trong khi đó, sau 12 năm khống chế con số cầu thủ ngoại đăng ký và ra sân trong mỗi trận đấu của một CLB là 3, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) sẽ cho mỗi đội đăng ký 4 ngoại binh, trong đó 3 được ra sân thi đấu trong cùng thời điểm. Đây là quyết định hợp lý, bởi nếu chỉ được đăng ký và sử dụng 3, đội nào chẳng may đầu mùa có ngoại binh chấn thương mà thời hạn chuyển nhượng đã đóng cửa, coi như phải “chấp tây” trong ít nhất nửa mùa giải. Riêng 2 CLB Nam Định, CAHN thi đấu ở giải khu vực và châu lục - nơi không giới hạn quốc tịch cầu thủ, sẽ được chiêu mộ đến 7 ngoại binh, nhưng ở mỗi trận đấu quốc nội chỉ được lựa chọn đăng ký 4 cầu thủ và cũng chỉ có 3 được thi đấu cùng lúc. Ngoài ra, Giải hạng Nhất 2025-2026 cũng sẽ có sự xuất hiện trở lại của ngoại binh, với chỉ một người/CLB.
Tuy nhiên, 7/14 CLB V.League gồm: Nam Định, CAHN, Hà Nội, Thể Công-Viettel, Hải Phòng, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh và SHB.Đà Nẵng đã có công văn đề nghị nâng số ngoại binh cùng ra sân lên 4 nhằm tối ưu nguồn lực cầu thủ, tránh lãng phí, đồng thời nâng cao chất lượng, tăng tính hấp dẫn. Thực tế mùa rồi, Nam Định ký hợp đồng với 8 ngoại binh nhưng chỉ được đăng ký 5 dùng 3 ở giải trong nước, nên một nửa số ngoại binh chỉ để phục vụ cho AFC Champions League Two, còn thay nhau “ngồi chơi xơi nước”, làm khán giả ở V.League và Cúp Quốc gia.
Bóng đá Việt Nam bắt đầu xuất hiện cầu thủ nước ngoài từ mùa giải chuyên nghiệp 2000-2001 với tỷ lệ 3/3 (đăng ký 3 sử dụng cùng lúc 3). Từ V.League 2023 đến 2008, con số này được nâng lên 5/3 rồi 4/3. Công thức 3/3 được áp dụng từ mùa giải 2013. Không thể phủ nhận các ngoại binh đã góp phần nâng chất bóng đá Việt Nam, làm giải đấu trong nước hấp dẫn hơn, đồng thời giúp các cầu thủ nội trở nên chuyên nghiệp, trưởng thành hơn khi ra đấu trường quốc tế nhờ hàng tuần được cọ xát, đối đầu với ngoại binh.
Nhưng vấn đề nào cũng có 2 mặt. Rõ nhất là sự phụ thuộc, lối chơi “khoán Tây” cùng sự khan hiếm tiền đạo nội khi các CLB đều ưu tiên trao vị trí này cho ngoại binh. Sau khi siết lại, những mùa gần đây cầu thủ nội, đặc biệt là cầu thủ trẻ, có cơ hội nhiều hơn.
Không phải vô cớ mà Hiệp hội Cầu thủ Indonesia phản ứng dữ dội. Họ ước tính, nếu 18 CLB ở Super League tối đa hóa hạn ngạch 11 ngoại binh, thì sẽ có 198 cầu thủ trong nước mất chỗ, phải xuống thi đấu ở các giải hạng dưới. Cùng với việc đội tuyển Indonesia, Malaysia ồ ạt sử dụng cầu thủ nhập tịch, cầu thủ bản địa của họ sẽ càng không có đất dụng võ, công tác đào tạo trẻ cũng không còn động lực.
Cũng như với cầu thủ nhập tịch, VFF khẳng định bóng đá Việt Nam chỉ sử dụng phù hợp, với số lượng có kiểm soát, nếu chúng ta “mở cửa” sân chơi trong nước cho ngoại binh, ngoài tác hại chuyên môn lớn về lâu dài còn kéo theo những hệ lụy khôn lường về tài chính, cấu trúc nền bóng đá (các CLB sẽ phải “chạy đua vũ trang”, tốn rất nhiều ngoại tệ...). Còn nếu lập luận như Indonesia và Malaysia, các CLB phải tăng cường cầu thủ nước ngoài để cạnh tranh ở đấu trường AFC, thì làm sao có thể đọ tiền được với các đội bóng dầu mỏ Tây Á? Đến Al Nassr có Ronaldo mà còn chưa vô địch được châu Á.
Do đó, 4/3 là công thức ngoại binh hợp lý ở V.League.
Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/the-thao/202507/ngoai-binh-vleague-3-4-hay-5402093/