Ngoại giao gấu trúc quay lại, quan hệ Mỹ - Trung đi lên?

Trung Quốc từ lâu đã gửi những thành viên họ gấu tới các quốc gia như một cử chỉ thiện chí nhằm xây dựng mối quan hệ thông qua ngoại giao gấu trúc.

Vườn thú Quốc gia Smithsonian hôm 29/5 cho biết, Trung Quốc sẽ gửi một cặp gấu trúc đến Washington vào cuối năm nay. Đây được coi là "luồng sinh khí mới" cho mối quan hệ đối tác bảo tồn kéo dài hàng thập kỷ giữa hai nước.

Qing Bao, một con gấu trúc cái khổng lồ ở Washington, đang ăn tre trong môi trường sống ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc vào ngày 17/5. Ảnh: SCMP

Qing Bao, một con gấu trúc cái khổng lồ ở Washington, đang ăn tre trong môi trường sống ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc vào ngày 17/5. Ảnh: SCMP

Tin tức về những chú gấu trúc khổng lồ quay trở lại thủ đô nước Mỹ xuất hiện 6 tháng sau khi các chú gấu trúc Tian Tian, Mei Xiang và con Xiao Qi Ji rời sở thú vào năm ngoái trong thời điểm quan hệ Mỹ-Trung trở nên xấu đi.

Trung Quốc từ lâu đã gửi những thành viên họ gấu tới các quốc gia như một cử chỉ thiện chí nhằm xây dựng mối quan hệ thông qua ngoại giao gấu trúc.

Năm 1972, Bắc Kinh gửi cặp gấu trúc đầu tiên tới Washington sau khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon gặp lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông. Kể từ đó, việc trao đổi gấu trúc đã trở thành biểu tượng cho tình hữu nghị Mỹ-Trung trong 50 năm qua.

Các chú gấu đến Mỹ khoảng 2 tuổi: Bao Li - chú gấu trúc đực khổng lồ mang tên có nghĩa là “kho báu” và “tràn đầy năng lượng”, còn Qing Bao là con cái với tên nghĩa là “kho báu xanh”.

Ông bà của Bao Li là Tian Tian và Mei Xiang, cả hai đều sống ở sở thú Washington từ năm 2000 cho đến năm ngoái. Mẹ của Bao Li là Bảo Bảo, sinh năm 2013 tại sở thú.

Mặc dù ngày ra mắt công chúng vẫn chưa được xác định, vườn thú cho biết những chú gấu trúc khi đến nơi sẽ trải qua quá trình cách ly định kỳ ít nhất 30 ngày và mất vài tuần để ổn định môi trường sống mới.

Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden thông báo tin tức về gấu trúc thông qua một đoạn video nhẹ nhàng, trong đó bà đang chuẩn bị đón những vị khách được gọi một cách tinh nghịch là “đặc biệt”.

Brandie Smith, giám đốc Vườn thú Quốc gia, trong đoạn clip lưu ý các vị khách là những người ăn chay nghiêm ngặt và cho biết sở thú rất “vui mừng” khi tiếp tục hợp tác chăn nuôi và bảo tồn với các nhà khoa học Trung Quốc, ca ngợi “tác động không thể chối cãi” của hoạt động này.

Đầu tháng này, Xie Feng, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, đã ca ngợi quan hệ đối tác bảo tồn loài gấu đen trắng là “có hiệu quả” trong một sự kiện được tổ chức tại đại sứ quán Trung Quốc ở Washington.

"Là sứ giả thiện chí, gấu trúc khổng lồ đã mang lại niềm vui cho nhiều người dân Mỹ trong 5 thập kỷ qua,” Đại sứ Xie cho biết.

“Sự hợp tác của chúng tôi về bảo tồn gấu trúc đã có kết quả. Cùng nhau, chúng tôi đã nhân giống thành công 17 chú gấu trúc con, giúp đưa gấu trúc ra khỏi danh sách có nguy cơ tuyệt chủng", Đại sứ khẳng định.

Vườn thú Mỹ hôm thứ 29/5 cho biết họ đã ký một thỏa thuận hợp tác nghiên cứu và nhân giống mới với Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã Trung Quốc có hiệu lực đến năm 2034.

Theo các điều khoản tương tự như các thỏa thuận trước đó, một cặp gấu trúc trưởng thành sẽ được gửi đến sở thú và bất kỳ con con nào được sinh ra trong khuôn viên sở thú sẽ chuyển đến Trung Quốc trước 4 tuổi. Chúng vẫn thuộc quyền sở hữu của Trung Quốc.

Vườn thú cho biết các nhà khoa học của cả hai nước sẽ cùng tiến hành nghiên cứu ở Trung Quốc và vườn thú Washington để tìm ra các kỹ thuật mới nhằm tăng cường sức khỏe và phúc lợi cho gấu trúc khổng lồ trong điều kiện nuôi nhốt và hoang dã.

Họ cũng có kế hoạch tạo ra các mảnh đất phục hồi cây tre và xem xét cách kết nối các khu bảo tồn trong môi trường hoang dã để hỗ trợ gấu trúc và các loài lân cận, bao gồm gấu trúc đỏ, gà lôi vàng và khỉ mũi hếch.

Liên Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ngoai-giao-gau-truc-quay-lai-quan-he-my-trung-di-len.html