'Ngoại giao gấu trúc' thúc đẩy quan hệ Pháp - Trung

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có chuyến thăm chính thức Trung Quốc 3 ngày (từ ngày 4 đến 6-11) nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực. Đây là chuyến thăm thứ hai tới Bắc Kinh của ông Macron trên cương vị nhà lãnh đạo Pháp.

Đặc biệt, tham gia đoàn của Tổng thống Pháp có ông Rodolphe Delord, Giám đốc Sở thú tư nhân Beauval, người có nhiệm vụ cùng đoàn thương thảo thuyết phục chính phủ Trung Quốc kéo dài thời gian cho mượn cặp gấu trúc Yuan Zi và Huan Huan thêm nhiều năm nữa.

Cặp gấu trúc duy nhất ở Pháp hiện nay đang được nuôi dưỡng tại sở thú Beauval ở vùng Loir-et-Cher (miền Trung nước Pháp). Cặp gấu trúc này có tên là Yuan Zi và Huan Huan, nằm trong khuôn khổ cam kết cho mượn 10 năm của Trung Quốc.

Trước đó, khi còn là Tổng thống Pháp, ông Jacques Chirac và người kế nhiệm sau này là ông Nicolas Sarkozy đã tiến hành nhiều cuộc thương thuyết để mượn gấu trúc về nuôi trong sở thú ở Pháp. Sau 8 năm thương thuyết, Bắc Kinh đồng ý cho vườn thú Beauval mượn hai chú gấu trúc Yuan Zi và Huan Huan, khi đó mới 3 tuổi, trong vòng 10 năm. Ngày 14-1-2012, một nghi thức chia tay Yuan Zi và Huan Huan được tổ chức long trọng tại Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc). Hai chú gấu đến Pháp trên một chuyến bay đặc biệt và ra mắt công chúng tại sở thú Beauval vào ngày 11-2-2012.

 Đệ nhất Phu nhân Pháp Brigitte Macron tới thăm gấu trúc con Yuan Meng ở sở thú Beauval tháng 12-2017. Ảnh: alvexo.fr.

Đệ nhất Phu nhân Pháp Brigitte Macron tới thăm gấu trúc con Yuan Meng ở sở thú Beauval tháng 12-2017. Ảnh: alvexo.fr.

Kể từ khi xuất hiện hai chú gấu có bộ lông đen trắng với đôi mắt đen ở sở thú Beauval, số lượng khách tham quan tăng từ 600.000 (năm 2011) lên hơn 1 triệu người (năm 2012). Kết quả là doanh thu của doanh nghiệp này cũng tăng từ 22 triệu lên 31 triệu euro trong vòng một năm. Beauval-vốn được mệnh danh là sở thú đẹp nhất nước Pháp-đã trở thành địa điểm thu hút đông khách tham quan nhất, vượt qua cả lâu đài Chenonceau tráng lệ.

Cặp gấu trúc Yuan Zi và Huan Huan trở thành những “ngôi sao” trong vườn thú và được nuôi dưỡng đặc biệt. Gia đình gấu trúc này sau đó đã phát triển thêm nhân sự mới với sự ra đời của gấu con Yuan Meng vào ngày 4-8-2017. Yuan Meng còn có vinh hạnh được phu nhân Tổng thống Pháp, bà Brigitte Macron, làm mẹ đỡ đầu. Theo cam kết giữa Pháp và Trung Quốc, gấu con khi sinh ra thuộc sở hữu của Chính phủ Trung Quốc, do vậy khi cai sữa xong, Yuan Meng đã được đưa về Trung Quốc vào năm 2018.

Điều mà Paris mong muốn lúc này là giữ lại cặp gấu trúc Yuan Zi và Huan Huan ở lại Pháp thêm 10 năm nữa sau khi kết thúc thời hạn mượn dự kiến vào năm 2022. Đó là lý do giải thích vì sao ông Rodolphe Delord có mặt trong đoàn tháp tùng Tổng thống Emmanuel Macron tới Bắc Kinh lần này. "Mọi thứ đang đi đúng hướng. Không có lý do gì mà gấu trúc không ở lại Pháp bởi quan hệ Paris-Bắc Kinh đang rất tốt đẹp”, ông Rodolphe Delord chia sẻ. Ông Rodolphe Delord còn nhấn mạnh, sự hiện diện của Yuan Zi và Huan Huan ở sở thú Beauval là một biểu tượng mạnh mẽ giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học.

Gấu trúc là một loài thú lớn, có vẻ ngoài xinh xắn, hiền lành, dễ thương, ăn thực vật, chủ yếu là lõi cây tre. Gấu trúc được xem là báu vật quốc gia của Trung Quốc sống tại vùng rừng núi miền trung nước này (thuộc các tỉnh Tứ Xuyên, Cam Túc và Sơn Tây), từng đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Theo Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), với nỗ lực lớn của chính phủ, người dân và các tổ chức bảo vệ động vật quý hiếm, kể từ năm 2016, gấu trúc đã không còn là loài có nguy cơ tuyệt chủng nhưng vẫn nằm trong danh sách các loài dễ bị tổn thương (vulnerable). Theo số liệu của Quỹ Thiên nhiên hoang dã (WWF), hiện có khoảng 1.864 con gấu trúc sống trong môi trường hoang dã ở Trung Quốc, lớn hơn số 1.000 con thống kê được vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước.

Gấu trúc cũng là một trong các biểu tượng của chính sách ngoại giao “mềm” của Trung Quốc từ hơn nửa thế kỷ nay. Cho mượn gấu trúc được coi là biểu hiện cho sự hữu hảo trong quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc với nước tiếp nhận. Hiện nay, Bắc Kinh ủy thác hàng chục cá thể gấu trúc cho một số quốc gia, như: Mỹ, Nga, Nhật Bản... Hiện có 23 sở thú nước ngoài đang nuôi dưỡng gấu trúc trong khuôn khổ "ngoại giao gấu trúc" của Bắc Kinh.

BÌNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/ngoai-giao-gau-truc-thuc-day-quan-he-phap-trung-599285