Ngoại giao khí hậu thời Tổng thống Joe Biden

Một trong những trọng tâm, ưu tiên hàng đầu của chính sách đối ngoại thời Tổng thống Joe Biden là vấn đề khí hậu.

Vấn đề khí hậu là một trong những trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại thời Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Nguồn: Getty Images)

Vấn đề khí hậu là một trong những trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại thời Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Nguồn: Getty Images)

Thực hiện lời hứa tranh cử, sau khi cầm quyền, Tổng thống Joe Biden đã nỗ lực thực thi lời tuyên bố đưa “nước Mỹ trở lại” vị thế một quốc gia vĩ đại, lãnh đạo thế giới với sự ủng hộ, hợp tác của đồng minh, đối tác.

Đánh giá kỳ vọng của Mỹ, các chính khách, học giả quốc tế cho rằng, vấn đề lớn nhất của Tổng thống Joe Biden là định hình lại chính sách đối ngoại trong một thế giới đầy biến động.

Cùng với thúc đẩy liên kết, kết nối đồng minh, đối tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các địa bàn chiến lược khác, thì một trong những trọng tâm, ưu tiên hàng đầu của chính sách đối ngoại thời Tổng thống Joe Biden là vấn đề khí hậu.

Vài giờ sau khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden quyết định quay lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, có hiệu lực từ ngày 19/2. Ông chủ Nhà Trắng cũng trì hoãn các dự án khoan dầu, khí ở Bears Ears, Grand Staircase-Escalante và các dự án liên quan khác.

Cộng đồng quốc tế thở phào với sự trở lại của Mỹ. Nhưng chừng đó là chưa đủ với một quốc gia muốn lãnh đạo thế giới. Hội nghị Liên hợp quốc về các bên tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26) năm 2020 phải lùi đến tháng 11/2021.

Ước tính, muốn chuyển đổi sang “nền kinh tế xanh”, hạn chế nhiệt độ trái đất tăng thêm 20C, cần từ 130-300 tỷ USD hàng năm. Nhưng hiện nay, quỹ đóng góp của các nước mới có 50 tỷ USD năm.

Nhiều tổ chức quốc tế, quốc gia không chờ đợi. Sau một đêm thảo luận căng thẳng, ngày 11/12/2020 Liên minh châu Âu nhất trí nâng mức cắt giảm khí thải từ 40% lên 55% vào năm 2030, so với mức ghi nhận năm 1990.

Hà Lan tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh về Thích ứng với biến đổi khí hậu năm 2021 (CAS 2021) từ 25-26/1, với sự tham gia của các vị lãnh đạo chính phủ, tổ chức phi chính phủ (NGO), doanh nghiệp và nhà khoa học trên thế giới. Hội nghị phát động Chương trình hành động về thích ứng với biến đổi khí hậu với các kế hoạch và giải pháp đến năm 2030.

Ngày 16/4, Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel có hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu.

Trước bối cảnh ấy, ngày 26/3, Tổng thống Joe Biden quyết định mời 40 nhà lãnh đạo của Diễn đàn các nền kinh tế lớn về năng lượng và khí hậu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến từ ngày 23-24/4, nhân Ngày Trái đất.

Trong đó có lãnh đạo của 17 quốc gia phát ra lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính chiếm 80% của thế giới; các nước chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu hoặc dẫn đầu chống biến đối khí hậu.

Mỹ sẽ công bố “mục tiêu hạn chế phát khí thải đầy tham vọng vào năm 2030” và khuyến khích các nước khác thúc đẩy mục tiêu của họ theo Hiệp định Paris.

Giá trị của hội nghị quốc tế, vai trò nước chủ nhà thể hiện ở số lượng lãnh đạo tham dự và nội dung, kết quả đạt được. Để bảo đảm thành công, Mỹ đã nỗ lực tiến hành các hoạt động ngoại giao trước thềm hội nghị.

Ngoài điện đàm với lãnh đạo các quốc gia, ông John Kerry, Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ có chuyến ngoại giao con thoi đến châu Âu, Trung Đông, Ấn Độ và Trung Quốc thảo luận các vấn đề liên quan đến Hội nghị thượng đỉnh.

Đây là chuyến công du đầu tiên của một quan chức cấp cao Mỹ đến Trung Quốc, từ ngày 14-17/4. Hai bên đã đưa ra Tuyên bố chung, nêu rõ: “Trung Quốc và Mỹ dốc sức hợp tác với nhau và với các nước khác giải quyết khủng hoảng khí hậu và ứng phó dựa trên tính nghiệm trọng và cấp bách của vấn đề”.

Chuyến đi rất quan trọng và thành công, bởi Mỹ và Trung Quốc là 2 nền kinh tế lớn nhất, cũng là 2 quốc gia chiếm gần nửa tổng lượng khí thải toàn cầu và cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung vẫn căng thẳng. Bất cứ hội nghị nào không có sự tham gia của 2 quốc gia này thì hiệu quả thực tế sẽ hạn chế.

Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu sắp tới “sẽ bắt đầu đưa nước Mỹ trở lại đúng chỗ để khôi phục vai trò lãnh đạo của Mỹ” như lời cố vấn khí hậu Gina McCarthy.

Thành phần tham dự, thời điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu trước thềm COP 26 thể hiện rõ ý định của Mỹ và ý nghĩa nhiều mặt của sự kiện.

Trước hết, Hội nghị Thượng đỉnh ở Mỹ sẽ đóng góp quan trọng cho chống biến đổi khí hậu và góp phần thiết thực vào thành công của COP 26, khi các nước, nhất là các nước lớn cam kết chung tay hành động.

Thứ hai, quan trọng nhất, thể hiện vai trò lãnh đạo của Mỹ. Như phát biểu của cố vấn khí hậu Gina McCarthy “sẽ bắt đầu đưa nước Mỹ trở lại đúng chỗ để khôi phục vai trò lãnh đạo của Mỹ…”.

Thứ ba, thể hiện khả năng hợp tác, kết nối của Mỹ với các đồng minh, đối tác, nhất là với Trung Quốc. So với việc hình thành mặt trận đối phó Trung Quốc, thì hợp tác, liên kết chống biến đổi khí hậu dễ được sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế hơn.

Ngoài ra, cuộc gặp ở Thượng Hải và tới đây là Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu tổ chức ở Mỹ có thể mở ra một cánh cửa trong quan hệ Mỹ - Trung, theo phương châm “cạnh tranh khi cần thiết, hợp tác khi có thể”.

Hội nghị Thượng đỉnh chưa diễn ra, nhưng “Ngoại giao khí hậu” đã thành công, khẳng định vai trò tiên phong trong xây dựng lòng tin và đối thoại, hợp tác. Trong một thế giới đầy biến động phức tạp hiện nay, đó là điều rất cần thiết.

Vũ Đăng Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngoai-giao-khi-hau-thoi-tong-thong-joe-biden-142761.html