Ngoại giao kinh tế: Định vị đất nước vào vị thế tối ưu!
Trả lời phỏng vấn Báo TGVN, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng khẳng định, công tác ngoại giao kinh tế ngày càng thực chất và bài bản hơn theo tinh thần 'ba rõ' kết quả rõ, sản phẩm rõ, đóng góp rõ cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần củng cố nền tảng để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thưa Thứ trưởng, tại Hội nghị tổng kết công tác Ngoại giao kinh tế (NGKT) năm 2024 và trọng tâm năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá NGKT là một điểm sáng trong công tác đối ngoại. Những chuyển biến quan trọng, thực chất nào của NGKT đã đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm qua?
Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, cơ hội và thách thức đan xen, công tác NGKT năm 2024 đã được đẩy mạnh một cách bài bản, quyết liệt, hiệu quả, bám sát tinh thần của Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về công tác NGKT phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, Nghị quyết 21 về Chương trình hành động của Chính phủ và các định hướng, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, mang lại nhiều kết quả cụ thể, thiết thực, tạo đột phá, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.
Có thể nói, NGKT đã thực sự trở thành nội hàm then chốt trong 60 hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo chủ chốt năm 2024, với hơn 170 thỏa thuận hợp tác được ký kết, qua đó hợp tác về thương mại, đầu tư, du lịch, lao động với các thị trường lớn, các đối tác đầu tư chủ chốt, nhất là khu vực Đông Bắc Á, Mỹ, Ấn Độ được đẩy mạnh.
Trong khi đó, các động lực tăng trưởng mới cũng được thúc đẩy mạnh mẽ. Chẳng hạn, với Hàn Quốc, ta ký kết chín văn kiện cấp Chính phủ về hợp tác năng lượng tái tạo, chất bán dẫn, điện tử công nghệ cao; ta đưa nội dung về đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số vào trọng tâm hợp tác với UAE và Qatar thời gian tới….
Đặc biệt, ta triển khai nhiều hoạt động quyết đoán, quyết liệt, hiệu quả, thiết thực, đúng thời điểm để thúc đẩy ngoại giao công nghệ với các đối tác chủ chốt và các tập đoàn công nghệ lớn. Nổi bật trong năm qua là việc ta thu hút được các tập đoàn công nghệ hàng đầu vào Việt Nam, như NVIDIA, Amkor, LG, Hyosung, Foxcom...
Công tác đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác cũng được triển khai quyết liệt và mang lại nhiều kết quả thiết thực. Với các thị trường còn nhiều dư địa như khu vực Mỹ Latinh, Trung Đông – châu Phi, Trung Đông Âu, ta đã thúc đẩy NGKT với các đối tác quan trọng (Chile, Peru, Brazil, Dominica, Hungary, Romania, UAE, Qatar…); thúc đẩy các hướng đi mới như phát triển ngành Halal với việc lần đầu tiên tổ chức thành công Hội nghị Halal toàn quốc.
Đặc biệt, qua chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ tới UAE, Saudi Arabia và Qatar (10/2024), ta đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện và ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) với UAE, mở ra một giai đoạn phát triển mới về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược với UAE và cả khu vực Trung Đông.
NGKT tích cực thúc đẩy triển khai kết quả các chuyến thăm cấp cao, đóng góp hiệu quả thực hiện các đột phá chiến lược.
Công tác tham mưu chiến lược và đề xuất chính sách phục vụ điều hành kinh tế - xã hội tiếp tục được đẩy mạnh. Hợp tác quốc tế trong xây dựng hạ tầng chất lượng cao, kết nối hạ tầng chiến lược “cứng” và “mềm” giữa ta với các nước láng giềng được đẩy mạnh. Mới nhất, chúng ta đã thúc đẩy rất quyết liệt triển khai ba tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc; huy động nguồn lực từ các nhà tài trợ cho triển khai các dự án đường sắt của Việt Nam. Hợp tác quốc tế về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được mở rộng, đưa hợp tác về nhân lực chất lượng cao trở thành nội dung hợp tác quan trọng của ta với các đối tác.
Một điểm nhấn quan trọng khác là NGKT đã tích cực hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế với tinh thần lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã triển khai hơn 700 hoạt động NGKT xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch; hỗ trợ địa phương hơn 400 hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư của địa phương ở trong và ngoài nước, trong đó hỗ trợ các tỉnh, thành ký kết 130 thỏa thuận với các đối tác quốc tế. Có thể thấy, công tác NGKT ngày càng được thể chế hóa, hệ thống hóa một cách bài bản và có được sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương.
Năm 2025, tình hình thế giới sẽ tiếp tục chiều hướng phức tạp, có thể phát sinh những diễn biến mới ngoài dự báo. Trước những thách thức mới, NGKT đặt ra những trọng tâm nào, thưa Thứ trưởng?
Năm 2025, tình hình thế giới sẽ tiếp tục chiều hướng phức tạp với xu thế chính trị hóa hợp tác kinh tế, phân tách, phân mảnh ngày càng rõ nét. Đối với Việt Nam, năm 2025 có ý nghĩa quan trọng, “then chốt” trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm giai đoạn 2021-2025 và thực hiện thắng lợi những mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra cho nhiệm kỳ, chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng lần thứ XIV, tạo đà đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh và thịnh vượng của dân tộc.
Trên tinh thần đó, công tác NGKT năm 2025 sẽ được triển khai với phương châm của Chính phủ “đã nói là làm; đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả, sản phẩm lượng hóa được cụ thể, rõ ràng, cân đong, đo, đếm được” và cách tiếp cận “rõ mục tiêu, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ kết quả”. Về cách làm cũng phải tiếp tục đổi mới trên tinh thần tăng tốc, quyết liệt, mạnh dạn hơn nữa nhằm tạo ra hiệu năng mới, đột phá mới, bám sát chủ đề điều hành năm 2025 của Chính phủ “kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tinh gọn hiệu quả, tăng tốc bứt phá”, trong đó tập trung vào năm trọng tâm sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh nội dung NGKT trong các hoạt động đối ngoại cấp cao năm 2025 nhằm giữ đà, đẩy mạnh hơn quan hệ với các đối tác chủ chốt, đối tác quan trọng và mở rộng quan hệ với các đối tác tiềm năng. Tận dụng các diễn đàn đa phương Việt Nam đăng cai tổ chức như Hội nghị thượng đỉnh P4G, Diễn đàn Tương lai ASEAN, Hội nghị UNCTAD để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại với các nước.
Thứ hai, đẩy mạnh quyết liệt hơn, xây dựng các kế hoạch cụ thể, thành lập cơ chế trao đổi với các đối tác về đẩy mạnh triển khai các cam kết thỏa thuận cấp cao đã đạt được. Đặc biệt, tham mưu, thúc đẩy quyết liệt việc tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc tồn đọng trong hợp tác với các đối tác (như vấn đề gỡ thẻ vàng IUU đối với thủy sản Việt Nam, thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc trong phát triển kinh tế cửa khẩu, kết nối giao thông, triển khai quyết liệt ba tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc…).
Thứ ba, thúc đẩy, tạo đột phá trong quan hệ kinh tế - thương mại, đầu tư, lao động, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển, trong đó đẩy mạnh tiếp cận, khai thác những thị trường mới, nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác như thị trường Halal, châu Phi, Nam Á, châu Mỹ Latinh..., đẩy mạnh phát triển ngành hàng không phục vụ giao thương vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy ký kết FTA mới với các thị trường có tiềm năng.
Thứ tư, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, trong đó ngoại giao công nghệ, ngoại giao bán dẫn, ngoại giao kinh tế số là trọng tâm, là đột phá của NGKT thời đại mới, chú trọng nghiên cứu thiết lập các khuôn khổ quan hệ đối tác chuyên ngành với các nước đối tác về khoa học – công nghệ, bán dẫn, AI, cụ thể hóa, khai thác tối đa tiềm năng từ các khuôn khổ hợp tác với các đối tác quan trọng như NDIVIA.
Cuối cùng, với vai trò tư vấn chính sách, NGKT tiếp tục chú trọng công tác tham mưu chiến lược và đề xuất chính sách phục vụ điều hành kinh tế - xã hội, bám sát tình hình thế giới, khu vực và yêu cầu phát triển của đất nước, đặc biệt là thị trường mới, chưa được khai thác, nhu cầu của các đối tác nước ngoài để kịp thời kiến nghị chính sách phù hợp. Đẩy mạnh nghiên cứu các giải pháp mới, đột phá trong thu hút nguồn lực cho phát triển, nhất là phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, ứng phó biến đổi khí hậu….
Tôi tin tưởng với sự chung sức, đoàn kết, đồng lòng của ngành Ngoại giao, các Cơ quan đại diện ở nước ngoài, các ban, bộ, ngành, địa phương và hiệp hội, doanh nghiệp, công tác NGKT sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, toàn diện, sáng tạo hơn và đạt được những kết quả đột phá hơn nữa, đóng góp hiệu quả, thực chất cho phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của giai đoạn 2021-2025; củng cố nền tảng cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngoai-giao-kinh-te-dinh-vi-dat-nuoc-vao-vi-the-toi-uu-302140.html